Pháp luật

Đắk Nông đưa pháp luật giao thông về vùng dân tộc thiểu số

Thanh Hà 08/07/2024 07:15

Tai nạn giao thông (TNGT) ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tại Đắk Nông còn nhiều và nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế kiến thức pháp luật.

Đắk Glong là huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông. Với diện tích hơn 144.000ha, Đắk Glong có 7 đơn vị hành chính cấp xã với 61 thôn, bon. Toàn huyện có hơn 83.300 nhân khẩu với tỷ lệ đồng bào DTTS khoảng 60% (trong đó 40% đồng bào dân tộc Mông).

Theo UBND huyện Đắk Glong, phần lớn người đồng bào DTTS sống tập trung trong các bản, cụm dân cư với những đặc trưng riêng biệt.

Trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đồng bào về trật tự giao thông chưa cao. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông gặp rất nhiều khó khăn do trình độ văn hóa thấp, mức độ thông hiểu, tiếp cận pháp luật hạn chế.

a1 IMG_9532
Tình trạng không đội mũ bảo hiểm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông còn xảy ra phổ biến

Do tập quán sinh hoạt, đồng bào DTTS ở Đắk Glong phân bố rải rác. Một bộ phận không nhỏ sinh sống, làm nương rẫy ở khu vực vùng sâu, vùng xa, có địa hình hiểm trở. Dân cư thường có sự dịch chuyển, thay đổi địa điểm sống, canh tác nên việc tuyên truyền gặp rất nhiều trở ngại.

Thời gian gần đây, tình hình TNGT ở Đắk Glong diễn biến hết sức phức tạp. TNGT tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do các lỗi chủ quan như: đi không đúng phần đường, chuyển hướng không quan sát, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đây cũng là đặc điểm tương đồng của huyện biên giới Tuy Đức. Là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em, Tuy Đức có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 43%, trong đó đồng bào dân tộc M’Nông chiếm khoảng 18%.

a2 IMG_9562
Tình trạng đi xe không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi... ở vùng Tuy Đức còn xảy ra nhiều

So với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông tại Tuy Đức đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm luật giao thông trong vùng đồng bào DTTS còn diễn biến phức tạp.

Dọc các tuyến đường giao thông nông thôn, không khó để thấy cảnh người điều khiển xe tham gia thông không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển xe…

Đáng lưu ý, tình trạng người dân sử dụng rượu, bia khi tham giao thông vẫn còn phổ biến. Đây là những nguyên nhân làm tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng giữa các vụ va chạm, TNGT.

a3 IMG_9579
Việc không chấp hành quy định về an toàn giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông tăng

Theo UBND huyện Tuy Đức, vùng đồng bào DTTS địa phương có nhiều đặc thù riêng. Tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa, do trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, bà con thiếu hiểu biết về pháp luật, trong đó có việc không chấp hành các quy định an toàn khi tham gia giao thông.

Cả Đắk Glong và Tuy Đức đều xác định, việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho người dân, nhất là đồng bào DTTS là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Việc tuyên truyền cần tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín, già làng, trưởng bản, người đồng bào DTTS tại chỗ.

Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và không ngừng đổi mới về hình thức, phù hợp với từng thành phần dân cư. Mục tiêu lớn nhất là người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành pháp luật nói chung và giao thông nói riêng.

anh-4-32e5c1f35614f5fac71c673f2b7910fd(1).jpg
Việc tuyên truyền kiến thức về giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được lực lượng chức năng ở Đắk Nông thực hiện thường xuyên

Cùng với công tác tuyên truyền, việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là giải pháp không thể thiếu trong việc răn đe. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành quy định. Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: nồng độ cồn, chạy quá tốc độ… để góp phần giảm thiểu TNGT.

Thanh Hà