Người giữ nguồn nước sạch cho bon làng B’Dơng
Đưa vào sử dụng từ năm 2004, công trình cấp nước tập trung bon B’Dơng, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) trở thành mạch nguồn quan trọng cung cấp nước sạch cho cả bon làng.
Trở lại bon B’Dơng vào những ngày cuối mùa khô năm 2024, chứng kiến những đồi nương vàng úa đang dần phục hồi sau cơn đại hạn, chúng tôi đinh ninh bà con không khỏi thiếu nước sinh hoạt như nhiều thôn, bon khác.
Bởi toàn bộ các nóc nhà của bon B’Dơng đều tập trung trên một đỉnh đồi cao, xung quanh là thung lũng dốc đứng.
Thế nhưng khi gặp ông K’Sớ, Bí thư Chi bộ bon mới biết, người dân không thiếu nước vì công trình nước tập trung vẫn hoạt động ổn định. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, công trình vẫn đáp ứng đầy đủ nguồn nước cho hơn 191 hộ, với hơn 700 nhân khẩu sử dụng.
Ông K’Sớ vui vẻ cho hay: “Không phải bây giờ mà từ khi đưa vào sử dụng đến nay, công trình vẫn hoạt động hết công suất, giúp các hộ dân trong bon có nước hợp vệ sinh để ăn uống, sinh hoạt”.
Ông K’Doanh, một người dân trong bon nhớ lại, những năm bon B’Dơng chưa được Nhà nước xây dựng cho công trình nước tập trung, vào mùa khô bà con phải đi trên 2km mới ra đến bến nước để cõng nước về sử dụng.
“Từ khi có công trình nước sinh hoạt tập trung, bà con không còn sống trong cảnh cực khổ, khuya sớm ra khỏi làng để cõng nước về nữa. Những năm đó, có nước dùng là mừng rồi, có ai nghĩ đến việc nguồn nước từ khe suối dễ mang mầm bệnh, không bảo đảm cho sức khỏe”, anh K’Doanh cho biết.
Những năm đầu tiếp nhận công trình, ông K’Sớ là Trưởng bon B’Dơng nên được giao để bảo vệ, vận hành công trình. Ban đầu nhiều người dân trong bon chưa quen với mô hình sử dụng nước tập thể.
Do công trình nước tập trung là của chung nên khi có sự cố hỏng hóc rất khó vận động người dân tham gia đóng góp, sửa chữa.
Ông K’Sớ nhớ lại, có nhiều lần công trình bị sét đánh cháy bơm, đường dây bị chập phải thay đổi, nhưng vận động bà con rất khó.
Nhiều khi ông phải thức trắng đêm suy nghĩ tìm biện pháp hợp lý nhất để vận hành công trình. Không gây áp lựctâm lý, tài chính cho bà con.
Một cái khó nữa là khi công trình bị hỏng hóc vào những tháng giáp hạt, bà con rất khó khăn. Chính những lúc đó, ông K’Sớ tổ chức họp bon để công khai minh bạch chi phí hoạt động, đưa ra biện pháp phù hợp nhất để lấy ý kiến bà con.
Theo ông K’Sớ, ông và mọi người trong bon rất trân quý công trình, vì đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến với đời sống của bà con.
Do vậy, trong các buổi họp bon, anh và mọi người thống nhất ý kiến khi công trình hỏng hóc, tiền điện hàng tháng bà con có thể nợ. Khi đến vụ thu hoạch, bà con bán cà phê, hoa màu để trả lại cho tổ vận hành.
Anh K’Doanh cho hay: “Mỗi tháng chúng tôi trả khoảng từ 700.000 – 1 triệu tiền điện. Sau khi tổng hợp xong, chúng tôi vận động bà con đóng góp, còn thiếu bao nhiêu ông K’Sớ lấy tiền của gia đình bù vào. Nếu không có ông K’Sớ, công trình cũng ngừng hoạt động từ lâu rồi. Bà con quay lại xuống khe để lấy nước như 20 năm về trước”.
Với suy nghĩ, người dân trong bon không thể một ngày không có nước. Do đó, khi một số bộ phận của công trình đột nhiên bị hỏng, ông K’Sớ liền gác lại công việc nhà đến mang ra thị trấn để sửa chữa.
“Do công suất hoạt động lớn, thời gian bơm hút liên tục, nên có những lúc cứ bơm hút dăm bảy ngày lại hư. Tôi mang đi sửa, thanh toán tiền thợ, rồi về cộng sổ”, ông K’Sớ chia sẻ.
Ông K’Sớ cho rằng, nếu không có kinh phí, linh kiện dự phòng thì việc quản lý, vận hành công trình sẽ rất khó khăn. Do đó, anh đã bàn với gia đình tạm ứng ra một số tiền để bù cho các hộ chưa đóng góp được.
Cũng chính từ đó, ông K’Sớ đã chu đáo bảo dưỡng, đi đến từng nhà để kiểm tra đường ống, van khóa không để gia đình nào bị thiếu nước hay gây lãng phí nước.
Nhiều năm nay, ông K’Sớ chuẩn bị trong nhà 1 chiếc bơm dự phòng, nếu chiếc bơm đang hoạt động bị cháy là có cái để thay thế ngay. Không những thế, các linh kiện trên mặt đất, kinh phí sửa chữa, tiền điện đều được vợ chồng ông chuẩn bị sẵn sàng.
Từ sự nhiệt tình, luôn đặt quyền lợi của bà con bon làng lên trên quyền lợi của cá nhân, gia đình nên ông luôn được bà con nể trọng.
Các khoản đóng góp tiền điện sử dụng nước chưa có hộ nào trễ hạn. Bà con luôn đóng đủ khi có điều kiện. Nhờ vậy, công trình nước sinh hoạt tập trung bon B’Dơng được vận hành hiệu quả suốt 20 năm nay.
Theo ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, ông trình nước sinh hoạt tập trung bon B’Dơng được đầu tư từ nguồn vốn chương trình 135.
Để công trình hoạt động hiệu quả, bon B’Dơng đã phát huy hiệu quả vai trò giám sát, chỉ đạo chặt chẽ của Chi bộ và Ban tự quản bon.
Qua rà soát, đánh giá, hiện nay công trình này vẫn đang hoạt động tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân trong bon.
Kết quả này công đầu phải kể đến là của cá nhân ông K’Sớ, với 16 năm làm bon trưởng và 8 năm là Bí thư Chi bộ bon B’Dơng.
Công trình nước sinh hoạt tập trung bon B’Dơng, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004, với tổng mức đầu tư trên 400 triệu đồng. Công trình do UBND huyện Đắk Glong làm chủ đầu tư. Hiện công trình được bàn giao cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý.