Chính trị

Phụ nữ Đắk Nông giám sát, phản biện để tăng quyền làm chủ

Tuệ An 04/07/2024 07:04

Xác định giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã tích cực chỉ đạo các cấp hội thực hiện và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Tăng cường đối thoại với chính quyền

Theo bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông, giám sát, phản biện xã hội không chỉ thực hiện chức năng đại diện cho các tầng lớp phụ nữ mà còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN trong tham gia quản lý Nhà nước.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đắk Nông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng việc tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để phụ nữ tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

hvi.jpg

Cụ thể, năm 2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh Đắk Nông với cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh. Với chủ đề “Vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ”, chương trình đối thoại có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể… và trên 100 cán bộ, hội viên đại diện hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị là diễn đàn để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và đề xuất những vấn đề quan tâm như: công tác cán bộ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đào tạo và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng chống xâm hại trẻ em gái và đuối nước ở trẻ em; công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường... Bà Trịnh Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đức An, huyện Đắk Song cho biết, chương trình đối thoại là dịp để chị em phụ nữ ở cơ sở trực tiếp gặp gỡ, phản ánh tâm tư, tình cảm đến người đứng đầu cấp tỉnh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Tương tự, Hội LHPN các cấp tham mưu tổ chức 3 cuộc đối thoại chính sách, đối thoại với chính quyền. Bà Vi Thị Lệ Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk R’lấp cho biết, Hội LHPN huyện Đắk R’lấp đã tổ chức lồng ghép thành công đối thoại giữa cán bộ hội với lãnh đạo huyện với các nội dung liên quan đến công tác cán bộ nữ, công tác bình đẳng giới và một số nội dung khác liên quan đến phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Các ý kiến của đại biểu, các nội dung đối thoại được đưa vào kết luận, làm cơ sở để các cấp, các ngành và Hội triển khai thực hiện.

CHI LE

Hội LHPN TP. Gia Nghĩa phối hợp tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại chính sách giữa chính quyền địa phương với Nhân dân về việc giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân thuộc khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng quảng trường thành phố, giải phóng hành lang xây dựng cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), thu hút 350 hội viên, phụ nữ tham gia với 67 ý kiến phát biểu trực tiếp.

Lựa chọn nội dung giám sát, phản biện

Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, định hướng cho các cấp hội lựa chọn những vấn đề giám sát, phản biện xã hội sát với chức năng, nhiệm vụ của hội, với đời sống của hội viên, phụ nữ. Để nâng cao chất lượng giám sát, công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội được quan tâm.

PN 9
Chị em có nhiều cơ hội trao đổi tại các diễn đàn đối thoại

Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chủ trì 16 cuộc giám sát trực tiếp và gián tiếp các chính sách. Đồng thời, Tỉnh hội phối hợp tham gia 25 cuộc giám sát do HĐND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở LĐTB-XH tỉnh… chủ trì. Hội LHPN các huyện, thành phố chủ trì giám sát 15 chính sách và phối hợp giám sát 25 chính sách. 71 cơ sở hội địa phương cũng phối hợp, tham gia 158 cuộc giám sát về các chính sách, vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại cơ sở.

Thông qua các hoạt động giám sát, các cấp hội thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong việc tìm ra những nhân tố tích cực cũng như phát hiện những sai sót trong việc thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung, góp phần giải quyết tốt những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và công tác bình đẳng giới trong tình hình mới.

Đi đôi với đó, công tác phản biện xã hội được đẩy mạnh thực hiện, với việc các cấp hội tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản, chính sách của địa phương và chủ động lồng ghép các vấn đề mà hội viên, phụ nữ quan tâm liên quan đến việc hoạch định chính sách, ban hành các văn bản, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Hội LHPN tỉnh tham gia góp ý 5 dự thảo luật và 66 văn bản của các sở, ban, ngành. Hội LHPN các huyện, thành phố và cơ sở tham gia góp ý vào các dự thảo luật, văn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương với 283 ý kiến góp ý.

HPN 3
Chị em được tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, công tác hội

Việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên, phụ nữ được các cấp hội thực hiện kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho hội viên, phụ nữ. Các cấp hội thường xuyên phối hợp với tổ hòa giải tại cơ sở và các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, kết quả đã hòa giải được 157 vụ việc.

Bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Thời gian tới, Hội LHPN các cấp tiếp tục vận động phụ nữ tham gia các hoạt động đối thoại, giám sát, góp ý kiến xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; góp ý cho cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở đó, phụ nữ phát huy quyền làm chủ trong tham gia các hoạt động của đời sống xã hội thông qua góp ý xây dựng luật pháp, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương lớn của địa phương.

Tuệ An