Hình ảnh khó tin về tương lai ở tỉnh "thiên đường xanh" đẳng cấp quốc tế vừa đón 125.000 tỷ đồng đầu tư
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 10:17, 03/07/2024
Ngày 23/6 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện. Mục tiêu tới năm 2050, Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tổng vốn các doanh nghiệp công bố sẽ đầu tư vào Lâm Đồng khoảng hơn 125.000 tỷ đồng trong nhiều lĩnh vực.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng hiện chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị tương lai của Lâm Đồng đến năm 2050 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Là tỉnh có trữ lượng bauxit lớn, Lâm Đồng tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản (bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm). Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã đề xuất dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2 tại huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc của Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô xít, nhà máy chế biến alumin có công suất 4 triệu tấn/năm. Dự kiến nhà máy sẽ được triển khai từ năm 2023 - 2033 với 3 giai đoạn, có tổng mức đầu tư là 103.024 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).
Trong tương lai, Lâm Đồng xây dựng mới 18 khu vực điện gió, 26 khu vực thuỷ điện, 11 khu vực điện mặt trời và 2 nhà máy điện rác.
Về nông nghiệp, Lâm Đồng chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á. Ngành trồng trọt ưu tiên các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao và hướng đến xuất khẩu như rau, hoa, tơ tằm, cà phê, chè, cây ăn quả, giống cây trồng cấy mô.
Cùng với đó, Lâm Đồng cũng xây dựng đồng bộ hệ thống bán buôn, bán lẻ, hệ thống logistics. Đồng thời kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển thương hiệu “Đà Lạt- kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong khu vực và một số thị trường quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Lâm Đồng còn trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Trong đó thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế.
Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế. Mở rộng khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, đầu tư đưa vào khai thác các khu du lịch trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch núi Sa Pung. Năm 2023 vừa qua, Lâm Đồng đón trên 8,6 triệu lượt khách tới du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có 400.000 lượt khách quốc tế và 8,2 triệu lượt khách nội địa với doanh thu từ du lịch đạt 15.500 tỷ đồng.