Xu hướng mới trong kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Đắk Nông
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Đắk Nông ngày càng có ý thức cao hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Những năm gần đây, lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Đắk Nông đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm luôn sử dụng lượng lớn vật tư nông nghiệp, góp phần mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
So với năm 2004, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp của Đắk Nông đã tăng gần 2 lần, từ 161.825ha lên 319.397ha. Diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng từ 72.915ha năm 2004 lên 84.724ha năm 2023.
Diện tích gieo trồng cây lâu năm của tỉnh tăng từ 88.910ha năm 2004 lên 234.673ha năm 2023. Sự phát triển này kéo theo nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao.
Các cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đặc biệt, trong năm 2024, khi giá cả các loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều đều tăng, nhà nông đẩy mạnh sản xuất và nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp càng tăng cao.
Để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, lực lượng Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh cùng các lực lượng chuyên ngành như quản lý thị trường, công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Các cơ sở được kiểm tra về nhiều nội dung như hồ sơ, giấy phép đăng ký kinh doanh; tài liệu về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn; nhãn hàng hóa... Lực lượng chức năng cũng tiến hành lấy mẫu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phân tích, giám định chất lượng.
Những hoạt động này đã góp phần tạo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm của các chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đồng thời, cách làm này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn chân chính phát triển và khẳng định uy tín.
Chị Trần Thị Duyên, chủ đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp Triều Duyên, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song cho biết, khi các đơn vị đến kiểm tra, chị xuất trình đầy đủ giấy tờ và phối hợp tốt trong việc lấy mẫu phân tích, nên việc kinh doanh ngày càng thuận lợi.
Đại lý của chị chú trọng kinh doanh các sản phẩm trong danh mục cho phép của Bộ NN-PTNT, với chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.
Chị Trần Thị Kim Dung, chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Công Thành, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp cho biết, trong năm 2023 và đầu năm 2024, chị đã được tập huấn về quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, đặc biệt là đối với chất cấm.
Chị thấy rằng việc tập huấn về thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất sầu riêng là rất phù hợp với thực tế. Chị rất đồng tình và đã chuyển biến cụ thể trong kinh doanh các sản phẩm mới, tiên tiến, có nguồn gốc an toàn.
Qua rà soát và thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT, Đắk Nông hiện có 596 cơ sở đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; 455 cơ sở đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Trong năm 2023, Sở NN-PTNT đã kiểm tra 121 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy, trong 20 mẫu kiểm tra ngẫu nhiên, có 6 mẫu không đạt chất lượng.
Cụ thể, có 2/10 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Sở đã ban hành 8 quyết định xử phạt các đơn vị vi phạm.
Năm qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cũng xử lý 3 trường hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp không đúng bản chất sự thật về hàng hóa và xử phạt 30 triệu đồng.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đang từng bước đi vào nền nếp.
Nhiều doanh nghiệp và đại lý đã thay đổi phương án kinh doanh, tạo lập uy tín để gắn bó lâu dài với bà con nông dân. Điều này giúp hạn chế tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiệu quả.