Những nữ “vác tù và hàng tổng” ở Đắk Nông
Mặc dù mức phụ cấp ít ỏi nhưng với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, những trưởng thôn - người thường được gọi là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" ở các thôn, bon, buôn tại Đắk Nông đang tích cực đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của địa phương.
Nữ trưởng thôn nấu cơm hỗ trợ học sinh
Quê ở Cần Thơ, năm 2005, bà Đoàn Thị Tú cùng chồng lên Đắk Nông làm thuê theo năm cho một trang trại sầu riêng. Sau thời gian tích lũy, vợ chồng bà mua được mảnh đất đầu tiên tại xã Đắk Ha (Đắk Glong). Vừa làm kinh tế cho gia đình, bà Tú vừa tích cực tham gia hoạt động xã hội và phong trào phụ nữ ở địa phương. Năm 2019, bà được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn 5, xã Đắk Ha (còn được gọi là thôn Sình Môn).
Địa bàn thôn 5, xã Đắk Ha có 329 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Thôn có 2 phân hiệu trường học là tiểu học & THCS Trần Quốc Toản và mầm non Ánh Dương. Hơn 17 năm sinh sống tại đây, bà Tú thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây. Đặc biệt, thôn 5 có đông đồng bào dân tộc thiểu số, so với mặt bằng chung còn nghèo, khó khăn, dẫn tới tình trạng trẻ em bỏ học sớm nên nhiều năm qua, bà luôn ấp ủ về “Bếp cơm 0 đồng”.
“Trong thôn, bố mẹ các cháu học sinh thường đi làm rẫy, trưa không trở về nhà nên sau giờ học buổi sáng, các cháu thường không có đồ ăn trưa hoặc ăn uống rất cầm chừng, rồi tự chơi nên thường xảy ra các vụ tai nạn thương tích. Từ đó, tôi ấp ủ xây dựng một bếp cơm miễn phí, trước hết là giúp các cháu được ăn uống đủ chất, đồng thời là cách bảo vệ an toàn các cháu khi không có bố mẹ bên cạnh”, bà Tú tâm sự.
Đầu năm học 2022-2023, “Bếp ăn 0 đồng” của bà Tú chính thức đi vào hoạt động. Mỗi ngày, bếp cơm phục vụ gần 100 suất ăn cho học sinh phân hiệu Trường mầm non Ánh Dương. Theo bà Tú, nhiều học sinh gia đình hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm ở nhà có khi không đủ chất nên bếp ăn luôn cố gắng chuẩn bị đầy đủ 3 món mặn, canh, rau. Các món được thay đổi liên tục từ thứ 2 đến thứ 6, thỉnh thoảng có thêm trái cây do các nhà hảo tâm hỗ trợ.
“Tuy gọi là “Bếp ăn 0 đồng” nhưng tôi phải thuê giáo viên tại phân hiệu trông coi và cho các cháu ăn uống xong, rồi để các cháu ngủ, nghỉ trưa tại trường. Cùng với đó, tôi cũng phải thuê thêm người để cùng phụ giúp nấu nướng nên tôi chỉ nhờ phụ huynh hỗ trợ mỗi cháu 5.000 đồng để lấy tiền trả tiền công cho giáo viên và người phụ giúp. Nếu phụ huynh nào quá khó khăn thì tôi cũng không lấy tiền”, bà Tú cho biết thêm.
Năm học 2023-2024, do vướng về nhiều mặt thủ tục, pháp lý để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho hoạt động của bếp ăn nên bà Tú phải ngưng việc nấu cơm giúp các cháu. Tuy nhiên, buổi sáng, bà vẫn thường nấu các món ăn sáng như xôi, nui, bún, bánh mì… để hỗ trợ miễn phí các cháu học sinh tại trường. Mỗi tuần, bà nấu từ 2-4 buổi, những khi bận công việc tại thôn, xã, bà mới nghỉ nấu để lo việc chung.
Với vai trò là trưởng thôn 5, bà Tú còn thường xuyên kêu gọi, vận động, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Cùng với đó, bà tích cực vận động, tuyên truyền người dân chú trọng lao động sản xuất, tạo mọi điều kiện để con em mình được đến trường học chữ. Bởi hiện tại, đồng bào dân tộc Mông trong thôn, tỷ lệ người lớn tuổi biết đọc, viết thông thạo tiếng Việt không nhiều.
Tôi mong muốn các bậc cha mẹ trong thôn quan tâm nhiều hơn đến con nhỏ của mình. Bởi thời gian qua, tình trạng trẻ em trong thôn bị tai nạn thương tích khá nhiều, nhất là tử vong do đuối nước. Nguyên nhân là bố mẹ thường đi làm rẫy, không có thời gian chăm sóc, trông coi, các cháu thường tự chơi với nhau, rồi đi tắm suối, ao hồ dẫn đến xảy ra những trường hợp đuối nước thương tâm.
Bà Đoàn Thị Tú, Trưởng thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông)
Bà Tú cũng mong muốn, trong thời gian tới, chính quyền các cấp, ngành chức năng và ban giám hiệu các nhà trường tạo mọi điều kiện để chị tiếp tục được mở “Bếp ăn 0 đồng”, phục vụ, hỗ trợ các cháu trong thôn có đầy đủ chất dinh dưỡng, an toàn trong học tập và cuộc sống.
Ông Đoàn Công Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đắk Ha nhận định, bà Tú là người luôn gương mẫu, thường xuyên quan tâm, nắm bắt đầy đủ thông tin của người dân, nhất là các hộ nghèo, đặc biệt khó khăn và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bà Tú còn là người tích cực trong hoạt động thiện nguyện, thường xuyên kêu gọi các nhà tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ người nghèo trong thôn.
“Còn về nấu cơm cho học sinh là việc tốt nhưng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm nên xã đã nói bà Tú tạm dừng. Đợi khi điểm trường trong thôn 5 xây xong, có bếp ăn bán trú, có đầy đủ tổ, ban vệ sinh an toàn thực phẩm thì xã tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho bà Tú nấu cơm cho học sinh”, ông Hoàng cho biết.
Nữ trưởng thôn vận động người dân tuân thủ hương ước
Hiện nay, 713 thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố trên địa bàn Đắk Nông đều có hương ước. Việc thực hiện soạn thảo, xây dựng và ban hành hương ước tại các thôn, bon phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hương ước phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.
Tại bon Phai Kol Pru Đăng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) hương ước phát huy tinh thần đoàn kết, gắn kết làng xã rất cao trong việc hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông. Bon có 145 hộ dân, trong đó có 29 hộ đồng bào M’nông, 28 hộ dân đồng bào phía Bắc di cư vào, chủ yếu là dân tộc Tày. Người có vai trò rất lớn trong việc vận động người dân trong bon tuân thủ theo hương ước đó là nữ trưởng thôn H’Thanh Kễn.
Theo bà H’Thanh Kễn, hương ước của bon được Ban tự quản và đại bộ phận người dân thông qua vào năm 2007, sau khi bon được thành lập 2 năm. Hương ước có 8 chương, 28 điều, quy định rất rõ về nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, các khoản đóng góp của người dân…
Hương ước còn dành cả Điều 17, Chương IV quy định về đoàn kết trong bon. Nội dung chính là yêu cầu mọi người dân trong bon phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; không được chia bè kéo phái, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, giới tính… Bên cạnh nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bản thân bà luôn nghiên cứu, vận dụng các quy định trong hương ước để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ, chung sức đóng góp xây dựng địa phương.
Bà H’Thanh Kễn kể lại, cách đây 2 năm, khi có chủ trương làm trục đường chính trong bon, Ban tự quản bon phối hợp với già làng, người có uy tín Y Bông đã tổ chức vận động, tuyên truyền người dân tích cực bàn giao mặt bằng san ủi mở rộng nền đường. Hầu hết các hộ dân đồng bào DTTS đã thống nhất, giao mặt bằng cho đơn vị thi công tiến hành san ủi, chuẩn bị mặt bằng làm đường, mặc dù chưa có sự hỗ trợ kinh phí từ các cấp.
Từ đó, nhiều hộ dân người Kinh khác cũng đã đoàn kết, hưởng ứng và bàn giao diện tích đất để mở rộng và làm đường mới. Ngoài ra, thực hiện Điều 22, Chương V của hương ước, các thành viên trong bon luôn phát huy trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát triển bon. Nhiều thành viên bon đã động viên con em của mình, với sự hỗ trợ của Ban tự quản, sự hướng dẫn của già làng, người có uy tín Y Bông, bon đã thành lập được đội cồng chiêng.
Hay như việc nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở trong bon. Điển hình như già làng Y Bông đã hiến hơn 100 m2 để xây dựng Nhà văn hóa bon; bà Hoàng Thị Hạnh, dân tộc Tày đã hiến gần 200 m2 để xây dựng nhà trẻ; bà Bùi Thị Quỳnh đã hiến hàng trăm mét đất để mở đường đi xuống bờ đập…
Việc thực hiện nghĩa vụ quốc phòng của thanh niên cũng được đồng bào tích cực hưởng ứng. Khi có lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự, hầu hết các hộ dân đều nhiệt tình ủng hộ. Các hộ có con em trong độ tuổi đều động viên các thanh niên đi khám tuyển. Do vậy, tỷ lệ trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của con em trong bon luôn cao.
Qua sự tích cực vận động, tuyên truyền của nữ trưởng thôn và người có uy tín, sự chuyển biến rõ nhất trong việc chấp hành hương ước trong bon là đại đa số người dân chấp hành nghiêm quy định hát karaoke đúng thời gian. Người dân hát karaoke văn minh hơn, không hát vào những thời điểm mọi người đang nghỉ ngơi như buổi trưa, không quá 21 giờ tối hoặc vào những ngày làm việc bình thường.
Bên cạnh đó, hương ước của bon còn vận động người dân quản lý nghiêm con, em của mình trong độ tuổi thanh thiếu niên. Qua đó, hạn chế tối đa việc các thanh thiếu niên tụ tập, chơi bời lêu lổng hoặc chạy xe nẹt pô…
Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa cho biết, hầu hết hương ước của các thôn, bon trong xã đều quy định người dân, đồng bào phải tu chí làm ăn, không được vi phạm pháp luật. Tại bon Phai Kol Pru Đăng, với sự năng nổ, nhiệt tình vận động của trưởng bon H’Thanh Kễn, hương ước được người dân tuân thủ rất đầy đủ.
“Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước đã góp phần điều chỉnh, điều hòa, xây dựng quy tắc ứng xử, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng tại bon Phai Kol Pru Đăng nói riêng và xã Đắk Nia nói chung”, bà Ngọc khẳng định.