Rộn ràng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Những ngày cuối tháng 6/2024, Quốc hội thảo luận và thông qua chủ trương làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, mang đến niềm vui lớn cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đắk Nông.
Niềm vui lớn của Đắk Nông
Ngày 28/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Đây là quyết định đem lại niềm vui lớn cho chính quyền, Nhân dân tỉnh Đắk Nông.
Ông Trương Vũ Đình Nhựt đến sinh sống tại thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp gần 30 năm qua. Nhớ lại thời điểm cách đây khoảng hơn 20 năm, ông Nhựt không khỏi ngao ngán về chuyện đường sá đi lại.
Theo ông Nhựt, những năm qua, việc đi lại, thông thương hàng hóa gặp quá nhiều khó khăn vì hệ thống giao thông ở Đắk Nông còn non kém. Nhất là mỗi lần có người thân phải đi bệnh viện, quãng đường lên Đắk Lắk hay TP. Hồ Chí Minh là một nỗi ám ảnh.
Ông Nhựt cho hay: "Qua nắm bắt thông tin thì Quốc hội đã thông qua chủ trương làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Cao tốc sẽ đi qua nơi tôi đang sinh sống khoảng 2km. Chưa biết khi nào dự án khởi công nhưng nghe thông tin này chúng tôi rất phấn khởi".
Còn ông Trịnh Đình Đông, ở bon Bu Ja Ráh, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R'lấp cũng cho biết, ông và người dân trên địa bàn rất mong chờ và rất vui mừng trước việc Quốc hội đã thông qua chủ trương làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Có cao tốc chắc chắn Đắk Nông sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, giàu mạnh hơn. "Chúng tôi sẵn sàng bàn giao đất để làm cao tốc. Chỉ mong Nhà nước khi thu hồi đất làm cao tốc cần đền bù, hỗ trợ thỏa đáng để người dân ổn định cuộc sống", ông Đông gửi gắm.
Đắk R’lấp là địa bàn trọng điểm của tỉnh Đắk Nông mà tuyến cao tốc sẽ đi qua. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc qua địa bàn huyện Đắk R’lấp có chiều dài hơn 30km.
Ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, chính quyền và người dân trên địa bàn rất phấn khởi khi Quốc hội đã thông qua chủ trương làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ hiện trạng mặt bằng làm cao tốc. "Chính quyền, người dân đang rất nóng lòng để được chứng kiến khởi công xây dựng cao tốc trong thời gian tới", ông Tứ cho hay.
Con đường mơ ước, nghĩa tình, chiến lược
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Dự án có chiều dài 128,8km.
Trong đó, cao tốc đi qua Đắk Nông 27,8km, qua tỉnh Bình Phước 99km và 2km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111ha và ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ dân.
Dự án được giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc đã quy hoạch. Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m; tốc độ thiết kế 100-120 km/giờ.
Đoạn qua TP. Đồng Xoài (Bình Phước) có nền đường rộng 25,5m. Đoạn 2km kết nối từ nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có nền đường rộng 12m.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 12.770 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư PPP thu xếp 12.770 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần (1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).
Trong đó, dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng cao tốc theo hình thức PPP với tổng vốn hơn 19.600 tỷ đồng do UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền.
Mỗi tỉnh là cơ quan có thẩm quyền 2 dự án thành phần liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt qua địa phận tỉnh mình.
Theo Giám đốc Sở GT-VT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, sau khi hoàn thành, cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Đắk Nông đi Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh.
Dự án tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
“Cao tốc là động lực, đột phá cho Đắk Nông, Bình Phước và các tỉnh lân cận. Không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cao tốc sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư và bảo đảm quốc phòng - an ninh”, ông Bản cho hay.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông Ngô Thanh Danh đã thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh, đây là một chương mới không những cho 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước mà cả Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Cao tốc là con đường mà Nhân dân rất mong đợi. Đây là con đường mơ ước, con đường nghĩa tình, con đường chiến lược trên mọi mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
"Khi các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua thì tôi biết rằng Nhân dân rất phấn khởi, rất hồ hởi. Đây là sự mong mỏi, chờ đợi bấy lâu nay rồi và bây giờ trở thành hiện thực", Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh nói với Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày 29/6.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh, tại Đắk Nông, sau khi được Chính phủ và Quốc hội có ý kiến và thẩm tra, thẩm định, tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc để bàn chuyện làm cao tốc. Tỉnh họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để tính toán phương án làm cao tốc với quyết tâm rất cao.
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); ban hành các chỉ thị liên quan tới việc quản lý mốc lộ giới; giao các sở, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để quyết tâm triển khai dự án ngay sau khi được phê duyệt.
Đặc biệt, việc làm cao tốc có sự đồng thuận rất lớn của Nhân dân. Tỉnh và các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã chuẩn bị mọi mặt để đáp ứng được các yêu cầu làm cao tốc trong nguồn lực tỉnh cho phép.
Đắk Nông đã làm việc với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GT-VT và Ủy ban Kinh tế Quốc hội để thẩm định việc làm cao tốc và về cơ bản tỉnh đã đáp ứng được các yêu cầu mà Trung ương đặt ra.
Đắk Nông đã làm việc với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GT-VT và Ủy ban Kinh tế Quốc hội để thẩm định việc làm cao tốc và về cơ bản tỉnh đã đáp ứng được các yêu cầu mà Trung ương đặt ra.
Vấn đề vướng quy hoạch bô xít khi triển khai dự án cao tốc, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh cho biết, gần như 6 huyện, thành phố của tỉnh đều có bô xít.
Không những bô xít mà đất nông lâm trường, đất lâm nghiệp trước đây cũng khiến cho không gian phát triển của tỉnh rất hạn hẹp.
"Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên. Các bộ, ngành, Chính phủ quyết tâm, quyết liệt thì mới tháo gỡ được", Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh trả lời trên Đài Tiếng nói Việt Nam