Bầu cử vòng 1 Quốc hội Pháp: Đảng cực hữu RN tạm dẫn đầu

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:15, 01/07/2024

Theo kết quả sơ bộ của vòng 1 bầu cử Quốc hội mới ở Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành được khoảng 33,2% phiếu bầu, tiếp theo là liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới với 28,1%. Còn liên minh ủng hộ Tổng thống chỉ có 21% phiếu, đứng thứ 3.
Sơ đồ kết quả đắc cử hoặc lọt vào vòng hai của các đảng phái: Màu xanh đậm (liên minh cực hữu), màu da cam (đảng cầm quyền Phục hưng), màu đỏ (liên minh cánh tả). Nguồn: Bộ Nội vụ Pháp.
Sơ đồ kết quả đắc cử hoặc lọt vào vòng hai của các đảng phái: Màu xanh đậm (liên minh cực hữu), màu da cam (đảng cầm quyền Phục hưng), màu đỏ (liên minh cánh tả). Nguồn: Bộ Nội vụ Pháp.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, có 65 ứng cử viên đắc cử ngay từ vòng 1 do có số phiếu bầu hơn 50%, gồm 38 ứng cử viên của phe cực hữu, còn liên minh cánh tả có 21 và liên minh đảng cầm quyền chỉ có 2. Trong tổng số 1.122 ứng cử viên lọt vào vòng 2, có 395 ứng cử viên của phe cánh hữu, 341 của liên minh cánh tả, 260 của liên minh cầm quyền và 57 của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (có 10% phiếu bầu trong vòng 1).

Đúng như dự báo trước bầu cử, tỷ lệ cử tri đi bầu cử ở mức rất cao, lên tới 69,7% so với 47,51% vào năm 2022 và cao nhất kể từ năm 1981 (70,7%).

Kết quả này sát với các dự báo trước bầu cử rằng đảng cực hữu RN có thể sẽ chiếm đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ giải tán Quốc hội vào ngày 9/6.

Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tỷ lệ đi bầu cao cho thấy tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội đối với tất cả cử tri Pháp với mong muốn làm rõ tình hình chính trị của đất nước. Tổng thống Pháp kêu gọi cử tri ủng hộ liên minh cầm quyền để bảo vệ nền dân chủ và nền Cộng hòa, ngăn chặn nguy cơ nắm quyền của đảng cực hữu RN tại Quốc hội.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cũng cảnh báo nguy cơ đảng cực hữu RN giành được đa số ghế tuyệt đối tại Quốc hội trong vòng hai diễn ra vào ngày 7/7, đồng thời cho biết những ứng cử viên của đảng cầm quyền chỉ đứng thứ 3 ở vòng 1 sẽ rút lui trong vòng hai để ủng hộ ứng cử viên của phe đối lập khác nhằm ngăn chặn đảng cực hữu RN.

Bầu cử vòng 1 Quốc hội Pháp: Đảng cực hữu RN tạm dẫn đầu ảnh 1

Tuần hành tại Paris tối 30/6 để kêu gọi thành lập "Mặt trận Cộng hòa" nhằm ngăn chặn đảng cực hữu RN. Ảnh: Le Monde.

Đại diện một số đảng cánh tả cũng kêu gọi cử tri bỏ phiếu ngăn chặn "cơn lốc" của đảng cực hữu RN. Ông Olivier Faure thuộc đảng Xã hội cho rằng Tổng thống Emmanuel Macron và lãnh đạo của đảng cầm quyền cần đưa ra lời kêu gọi rõ ràng như trong vòng hai bầu cử Quốc hội 2017 và 2022 về việc vận động cử tri của các đảng phái, kể cả đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, nhằm lập "rào chắn" để ngăn chặn nguy cơ nắm quyền của phe cực hữu.

Đây là một cuộc bỏ phiếu "lịch sử" vì lần đầu tiên dưới nền Cộng hòa V, liên minh đảng cầm quyền cũng như phe cánh tả và cánh hữu được dự báo không đủ khả năng để ngăn chặn đảng cực hữu RN giành được đa số phiếu.

Trong hai năm vừa qua tại Quốc hội, đảng cầm quyền liên tục phải tìm liên kết mang tính "tình thế" để tiến hành các dự án phát triển hay cải cách vì không có đa số tuyệt đối. Chính trường Pháp diễn biến ngày càng phức tạp vì vậy nhiều cử tri Pháp mong muốn tình hình sớm ổn định trở lại.

Bầu cử vòng 1 Quốc hội Pháp: Đảng cực hữu RN tạm dẫn đầu ảnh 2

Thị trưởng Olivier Dosne mong muốn chính trường Pháp sớm ổn định trước khi diễn ra Thế vận hội Paris 2024. Ảnh: MINH DUY.

Ông Olivier Dosne, Thị trưởng thành phố Joinville-le-Pont ở ngoại ô Paris chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp: Người dân Pháp được vận động rộng rãi, đi bỏ phiếu bầu cử cho nước Pháp với hy vọng một tương lai tươi sáng cho đất nước, với những hướng đi mới hướng tới một quốc gia phồn thịnh. Hiện nay, thế giới của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề liên quan đến những cuộc xung đột, toàn cầu hóa, lạm phát... Và những vấn đề như vậy đang có tác động không nhỏ tới hình ảnh và vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế.

Theo ông Olivier Dosne, nhiều cử tri rất mong đợi kết quả của hai vòng bầu cử lần này. Nếu không đạt được thoả hiệp "chung sống chính trị", nước Pháp có thể sẽ lại rơi vào tình trạng bị tê liệt. Bầu cử Quốc hội diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, cần có sự ổn định chính trị và an ninh để tổ chức tốt Thế vận hội Paris 2024.

Bà Brachet và bà Jeanine, cử tri ở thành phố Joinville-le-Pont (Cộng hoà Pháp) cũng rất quan tâm tới cuộc bầu cử này: Điều mà chúng tôi mong đợi là phải làm sao để cho nước Pháp trở nên đẹp đẽ và tuyệt vời. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy có rất nhiều vấn đề đã diễn ra khiến cho cuộc sống thường ngày của người dân Pháp trở nên khó khăn hơn. Và chúng ta cần phải làm một điều gì đó để có thể thay đổi được tình hình hiện tại.

Bầu cử vòng 1 Quốc hội Pháp: Đảng cực hữu RN tạm dẫn đầu ảnh 3

Bà Fabienne Nonat, cử tri ở thành phố Joinville-le-Pont hy vọng tình hình chính trị và xã hội ở Pháp sớm ổn định sau kỳ bầu cử Quốc hội. Ảnh: KHẢI HOÀN.

Hãng thăm dò dư luận Elabe dự báo, trong vòng 2, phe cực hữu có thể giành được 255-295 ghế (289 trên tổng số 577 ghế để có đa số tuyệt đối), còn liên minh cánh tả có 120-140 ghế. Tiếp đến là liên minh cầm quyền với 90-125 ghế. Trong khi đó, hãng Ipsos dự báo liên minh cực hữu có 230-280 ghế so với 125-165 của phe cánh tả, 70-100 ghế của liên minh cầm quyền và 41-61 ghế của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa.

Vòng 2 vào ngày 7/7 sẽ mang tính quyết định và được dự báo sẽ diễn ra rất cam go, có thể xảy ra kịch bản “giữ nguyên trạng,” tức là Quốc hội mới của Pháp vẫn sẽ không có một đa số rõ ràng. Nếu vậy, chính trường Pháp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định.

Theo thể lệ bầu cử tại Pháp, để trở thành nghị sĩ Quốc hội Pháp ngay tại vòng 1, các ứng viên phải đạt điều kiện kép là nhận được hơn 50% số phiếu bầu và tỷ lệ cử tri đi bầu tại khu vực tranh cử phải đạt ít nhất 25%. Tất cả các ứng cử viên giành tối thiểu là 12,5% sẽ tiếp tục tham gia vòng 2.

Trường hợp ngoại lệ, nếu chỉ có một ứng cử viên được 12,5% số phiếu trở lên, ứng cử viên nhận được số phiếu bầu cao nhất tiếp theo (dưới 12,5% phiếu) sẽ được chấp nhận vào vòng 2. Nếu không ai đạt 12,5% phiếu trở lên, thì hai ứng cử viên có phiếu bầu cao nhất sẽ lọt vào vòng hai.

KHẢI HOÀN - MINH DUY