Động lực cho nền kinh tế Ai Cập
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:35, 01/07/2024
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: AP/TTXVN |
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng hơn 1.000 đại biểu đã tham dự Hội nghị Ðầu tư Ai Cập-EU. Sự kiện này được dư luận nhận định là bước quan trọng đầu tiên trong việc thực hiện quan hệ Ðối tác chiến lược và toàn diện Ai Cập-EU, vừa được hai bên thiết lập hồi tháng 3/2024. Với chủ đề "Khai phá tiềm năng của Ai Cập trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng", Hội nghị bao gồm nhiều phiên thảo luận về các biện pháp cải cách kinh tế của quốc gia Bắc Phi nhằm xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn cho khu vực tư nhân. Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, hydro xanh, công nghệ thông tin và truyền thông… cũng được ký kết trong khuôn khổ hội nghị.
Theo Cơ quan Thống kê và Huy động công Trung ương Ai Cập (CAPMAS), trao đổi thương mại giữa Ai Cập và EU đã ghi nhận mức 31,2 tỷ USD vào năm 2023. Ðầu tư của EU vào Ai Cập đạt mức kỷ lục 8,2 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023, tăng mạnh so với mức 3,2 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022. Ðại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định, EU luôn đồng hành cùng chương trình cải cách của Ai Cập và hỗ trợ Ai Cập vẫn là ưu tiên hàng đầu. Khối này gần đây đã cam kết gói tài trợ và đầu tư trị giá 7,4 tỷ euro cho Ai Cập, dự kiến được giải ngân trong ba năm tới.
Việc các nước châu Âu dành ưu tiên cao cho mối quan hệ với Ai Cập sẽ giúp EU giải quyết nhiều thách thức trên chặng đường phát triển. Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh, tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của Ai Cập cùng vị trí chiến lược của Cairo trong khu vực càng làm tăng thêm tầm quan trọng của quan hệ Ai Cập-EU trong tương lai.
Ai Cập đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc xung đột tại Gaza, trong khi châu Âu có nhiều mối lo ngại liên quan Trung Ðông, nổi bật nhất là làn sóng người tị nạn khởi nguồn từ đây. Mùa xuân Arab năm 2011 đã dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu, khiến các quốc gia EU điêu đứng. Với sự hợp tác của Ai Cập, nỗi lo làn sóng di cư mới tràn vào châu Âu do xung đột Israel-Hamas có thể giảm bớt.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của Ai Cập trong cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp của châu Âu. Sự hợp tác chặt chẽ với Ai Cập, nước có sản lượng khí đốt dồi dào, cũng giúp EU giải quyết bài toán an ninh năng lượng.
Ai Cập đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở rộng hợp tác với các đối tác, trong đó có EU. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Ai Cập trong năm tài chính 2023-2024 sẽ thu hẹp còn 2,8%, trong bối cảnh doanh thu từ kênh đào Suez giảm mạnh và ngành du lịch phục hồi chậm do xung đột. Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế Ai Cập thông báo, doanh thu từ kênh đào Suez tính từ đầu năm 2024 đã sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023 do căng thẳng ở Biển Ðỏ.
Trước hàng loạt rủi ro về kinh tế, Ai Cập đang nỗ lực vươn lên trở thành trung tâm đầu tư của khu vực, với những cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn trong lĩnh vực năng lượng xanh, công nghệ, truyền thông, nông nghiệp, logistics...