EUMETSAT hủy sử dụng tên lửa châu Âu chuyển sang hợp tác với SpaceX của Mỹ
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:17, 29/06/2024
Báo Le Monde của Pháp ngày 28/6 đưa tin Tổ chức Khai thác vệ tinh khí tượng châu Âu (EUMETSAT) đã hủy kế hoạch sử dụng tên lửa Ariane 6 do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phối hợp với tập đoàn ArianeGroup thực hiện, để chuyển sang hợp tác với công ty SpaceX của Mỹ.
Quyết định trên được đưa ra khi chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời điểm Arianespace - công ty con của ArianeGroup, tiến hành vụ phóng đầu tiên của Ariane 6, dự kiến vào ngày 9/7.
Đây được xem là đòn giáng mới nhất nhằm vào nỗ lực không gian của châu Âu, sau 4 năm trì hoãn đối với dự án Ariane 6.
Hệ thống phóng tên lửa này ban đầu được lên kế hoạch phóng vào năm 2020, nhưng đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề kỹ thuật khiến hệ thống này không thể hoạt động.
Theo báo Le Monde, hội đồng điều hành EUMETSAT đã yêu cầu ban giám đốc đại diện cho tổ chức gồm 30 quốc gia thành viên này sử dụng tên lửa Falcon 9 của SpaceX để phóng vệ tinh thời tiết MTG-S1. Điều này đồng nghĩa với việc EUMETSAT quyết định hủy bỏ hợp đồng đã ký với Arianespace cách đây 4 năm.
Le Monde không nêu chính xác lý do khiến EUMETSAT quay lưng với Arianespace để "bắt tay" SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk.
Trong một chia sẻ trên nền tảng LinkedIn, Giám đốc điều hành cơ quan vũ trụ CNES (Pháp) - ông Philippe Baptiste, đánh giá đây là điều "đáng thất vọng đối với những nỗ lực không gian của châu Âu, vào thời điểm mà tất cả các cường quốc phát triển sứ mệnh không gian ở lục địa này, cũng như Ủy ban châu Âu đang kêu gọi phóng vệ tinh châu Âu trên các bệ phóng châu Âu."
Dự án Ariane 6 của châu Âu đang thua kém đáng kể nếu so với tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Ariane 6 đã được đặt hàng triển khai tổng cộng 30 nhiệm vụ tính đến thời điểm này, với tần suất phóng dự kiến 9 lần/năm.
Trong khi đó, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã lên kế hoạch thực hiện 144 lần phóng chỉ riêng trong năm 2024.
Một ưu điểm khác khiến Falcon 9 vượt trội hơn so với Ariane 6 là tên lửa của SpaceX có thể tái sử dụng./.