Mỏ khoáng sản trùng quy hoạch bô xít - Đắk Nông đau đầu chờ tháo gỡ
Đắk Nông có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhưng rất nhiều điểm quy hoạch mỏ đang trùng với quy hoạch bô xít, nên chưa thể khai thác.
Bô xít bao trùm 36% mỏ khoáng sản khác
Đắk Nông là tỉnh giàu tiềm năng về tài nguyên khoáng sản của khu vực Tây Nguyên. Khoáng sản của Đắk Nông đa dạng về chủng loại, gồm: đất sét gạch ngói, đá bazan, cát xây dựng, đất san lấp…
Ngày 31/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1757/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1757). Trong quy hoạch này đã thể hiện rõ tiềm năng lớn về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của Đắk Nông.
Trong Quy hoạch 1757, tỉnh Đắk Nông được phê duyệt 232 mỏ khoáng sản với diện tích hơn 2.876ha. Tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng trên 239 triệu m3, trong đó trữ lượng khai thác tới năm 2030 là hơn 116 triệu m3.
Đối với các mỏ khoáng sản được phê duyệt, vật liệu san lấp có số lượng mỏ lớn nhất với 112 mỏ, diện tích hơn 1.053ha và trữ lượng hơn hơn 79 triệu m3.
Đá xây dựng có 81 mỏ với diện tích gần 1.080ha và trữ lượng gần 137 triệu m3. Số còn lại gồm 19 mỏ cát xây dựng, 11 mỏ sét gạch ngói, 8 mỏ than bùn và 1 mỏ ốp lát.
Quy hoạch 1757 nhấn mạnh, việc khai thác, sử dụng các tài nguyên khoáng sản phải hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Không chỉ phục vụ nhu cầu hiện tại, Đắk Nông cần phải tính đến sự phát triển khoa học công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai.
Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản không làm ảnh hưởng tới môi trường, các danh lam, thắng cảnh và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản tại Đắk Nông phải phù hợp với Quyết định số 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 866). Phương án cũng phải phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia và các quy định khác có liên quan.
Theo Quy hoạch 866, bô xít là khoáng sản đáng kể nhất của Đắk Nông. Bô xít phân bố trên 5 huyện, 1 thành phố của Đắk Nông và chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên (diện tích Đắk Nông gần 6.510 km2) của tỉnh.
Do diện tích quy hoạch bô xít quá rộng, chiếm hàng ngàn km2 nên luôn tồn tại, xen kẽ là loại khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường.
Qua rà soát, tỉnh Đắk Nông xác định có 83/232 (gần 36%) mỏ vật liệu xây dựng thông thường và đất làm vật liệu san lấp nằm lẫn trong vùng quy hoạch bô xít.
Chờ cơ chế tháo gỡ
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, bô xít là loại khoáng sản đặc thù, khác biệt so với hầu hết khoáng sản kim loại khác.
Với thân quặng mỏng, phân bố trên đỉnh đồi, sườn đồi với diện tích lớn nên không tránh khỏi bao trùm lên các khu vực diễn ra hoạt động kinh tế - xã hội khác. Các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp cũng bị quy hoạch bô xít bao trùm lên.
Dù mang tính đặc thù nhưng hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, khai thác và bảo vệ bô xít vẫn áp dụng như các loại khoáng sản kim loại khác.
Điều này đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vấn đề trùng quy hoạch bô xít với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khác.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là của UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, thẩm quyền cấp phép khai thác bô xít là của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quy hoạch 1757 nêu rõ, UBND tỉnh căn cứ vào quy hoạch để rà soát và tự bổ sung, điều chỉnh số lượng, ranh giới, công suất… để bảo đảm phù hợp với thực tế địa phương.
Đối với các điểm mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền của bộ, sẽ căn cứ các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, thực hiện.
Điều này có nghĩa là muốn cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trong vùng quy hoạch bô xít, buộc phải có ý kiến cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, phần lớn các mỏ vật liệu xây dựng thông thường bị trùng với quy hoạch bô xít ở các huyện: Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song và TP. Gia Nghĩa.
Nếu không được quy hoạch cả mỏ vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương này thì 5/8 đơn vị cấp huyện không có mỏ để phục vụ hoạt động xây dựng cơ bản.
Đáng kể nhất là các mỏ vật liệu san lấp, có tới gần 1/2 số mỏ nằm trong vùng quy hoạch bô xít. Nếu các địa phương trên triển khai các dự án thì sẽ phải thu hồi bô xít, đồng thời đưa đất từ nơi khác về đắp lấy mặt bằng.
Nếu không khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu tư xây dựng.
Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ TN-MT tháo gỡ khó khăn này. UBND tỉnh Đắk Nông mong Bộ TN-MT đồng ý cho địa phương được thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.
Đắk Nông cũng kiến nghị Bộ TN-MT hướng dẫn giải pháp phát hiện, thu hồi và bảo vệ bô xít trong khu vực mỏ.
Những khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc quy hoạch trùng mỏ vật liệu xây dựng thông thường và bô xít ở Đắk Nông rất cần được sớm tháo gỡ.
Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông hồi tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đã yêu cầu các cục thuộc bộ phối hợp với địa phương tháo gỡ.
Nhưng tới nay, Bộ TN-MT vẫn chưa có hướng dẫn nên việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong vùng quy hoạch bô xít chưa thực hiện được.