Kinh tế

Ai gỡ vướng quy hoạch bô xít ở Đắk Nông?

Lê Phước 28/06/2024 11:57

Quy hoạch bô xít đang gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc đến việc phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông và cần sớm được tháo gỡ.

Nhiều vướng mắc phát sinh

Đắk Nông nằm ở phía Nam khu vực Tây Nguyên với diện tích tự nhiên hơn 6.500km2. Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 866), Đắk Nông là tỉnh có tài nguyên bô xít lớn nhất cả nước.

Theo kết quả thống kê, Đắk Nông có khoảng 2.396 km2 (chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh) đã được đánh giá xác định tài nguyên, trữ lượng bô xít.

Trong Quy hoạch 866, tổng diện tích khu vực phân bố quặng bô xít là hơn 1.670 km2. Số lượng này chiếm 25% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

so lieu chuan quy hoach
Một số thông tin về bô xít của tỉnh Đắk Nông theo quy hoạch khoáng sản quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bô xít được xác định là nguồn tài nguyên quý, có quy mô và giá trị lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các mỏ bô xít là thân quặng có hình dạng phức tạp, bị phân cắt nhiều. Bô xít phân bố trên các đỉnh và sườn đồi thoải, có bề dày trung bình từ 4 - 5m, dày nhất 9m.

Diện tích bô xít phân bố rộng, thuận lợi cho việc khai thác, thu hồi khoáng sản. Tuy nhiên, phạm vi chiếm dụng đất lớn trong quy hoạch bô xít đang gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho Đắk Nông. Trong số này, có 2 khó khăn tác động mạnh, toàn diện đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khó khăn đầu tiên liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực có bô xít. Theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Quy hoạch 866, các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia công cộng theo Điều 62, Luật Đất đai trên khu vực có khoáng sản được phép triển khai nhưng cần có giải pháp thu hồi, bảo vệ khoáng sản.

Tuy nhiên, Quy hoạch 866 chưa quy định rõ việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản bô xít như thế nào. Quy hoạch 866 cũng chưa làm rõ thế nào là khu vực khoáng sản, phạm vi phân bố khoáng sản.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, có 1.062 dự án có nhu cầu sử dụng đất phục vụ các công trình với diện tích quy hoạch bô xít chiếm khoảng 6.692ha. Những vướng mắc này khiến nhiều dự án đầu tư công, dự án khu tái định cư… tại Đắk Nông không thể triển khai.

a1 cao dang cong dong
Đắk Nông có 1.062 dự án (Trong ảnh là Dự án Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông) gặp vướng mắc vì quy hoạch bô xít

Một khó khăn khác cũng khá lớn là việc trùng lắp quy hoạch bô xít với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tại Đắk Nông, 83/232 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch trùng với quy hoạch bô xít.

Nếu không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ này thì 5/8 đơn vị hành chính cấp huyện ở Đắk Nông sẽ thiếu hụt nguyên liệu phục vụ xây dựng cơ bản.

Địa phương chủ động đề xuất giải pháp

Cuối tháng 7/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã mời Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vào làm việc. Qua gợi mở của các đơn vị thuộc 2 bộ, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập hợp cụ thể các khó khăn, vướng mắc. Căn cứ vào tình hình thực tế, báo cáo gửi Trung ương phải đề xuất các giải pháp phù hợp.

Liên tục sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản, báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Có 3 nhóm vấn đề mà tỉnh Đắk Nông mong được giải quyết là: khó khăn về giải pháp thu hồi, bảo vệ khoáng sản để thực hiện các dự án trong vùng quy hoạch bô xít; khó khăn về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong vùng quy hoạch bô xít và khó khăn trong cấp phép, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

a IMG_1731
Nhiều dự án đầu tư công (Trong ảnh là Dự án nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 5) ở Đắk Nông đang gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan tới bô xít

Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ TN-MT ủy quyền cho tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam và các đơn vị được cấp phép khai thác bô xít trên địa bàn tỉnh quyết định việc thu hồi bô xít trước khi dự án được phê duyệt. Các đơn vị có thể quyết định không thu hồi nếu xét thấy việc thu hồi không hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, trong trường hợp đơn vị có chức năng xác định việc thu hồi bô xít không hiệu quả thì kiến nghị Bộ TN-MT có biện pháp tổ chức bảo vệ bô xít bằng phương án sử dụng làm vật liệu san lấp cho công trình.

Ở Tây Nguyên không có thị trường tiêu thụ quặng bô xít nên sẽ không có việc lợi dụng khai thác đất san lấp để khai thác quặng trái phép.

Hơn nữa, các công trình có niên hạn nhất định, khi hết tuổi thọ thì có thể khai thác bô xít. Đây được xem là hình thức dự trữ khoáng sản cho thế hệ tương lai.

img_5856.jpg
Tỉnh Đắk Nông đề xuất cho triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông hư hỏng trên cơ sở các tuyến đường hiện hữu

Đối với các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trùng với quy hoạch bô xít, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị các bộ cho thăm dò, khai thác các mỏ này.

Bởi việc khai thác các mỏ này bám theo nguyên tắc Điều 4, Luật Khoáng sản, đó là “khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư”.

UBND tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị Bộ TN-MT tham mưu trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản thống nhất một cơ quan thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, lập quy hoạch và cấp phép.

Bởi hiện quy hoạch bô xít do Bộ Công thương tham mưu và quy hoạch vật liệu xây dựng thông thường do Bộ Xây dựng tham mưu. Trong khi đó, thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản bô xít thì do Bộ TN-MT thực hiện.

Chung tay để gỡ vướng

Tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Đắk Nông về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN-MT. Nội dung được quan tâm thảo luận, đề xuất tháo gỡ khó khăn lớn nhất của Đắk Nông chính là vấn đề liên quan tới quy hoạch bô xít.

img_1943.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông Ngô Thanh Danh bày tỏ mong muốn được gỡ vướng mắc quy hoạch bô xít tại buổi làm việc với Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh làm trưởng đoàn vào tháng 3/2024

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc liên quan tới quy hoạch bô xít của Đắk Nông. Những khó khăn này vượt thẩm quyền của địa phương và cần được Trung ương quan tâm, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ.

Riêng Bộ TN-MT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vào làm việc trực tiếp để đề xuất tháo gỡ cho tỉnh trong thẩm quyền. Bộ trưởng khẳng định sẽ quan tâm và hỗ trợ cho Đắk Nông những giải pháp phù hợp, đúng quy định.

Vào ngày 23/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 333 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch 866 (Quyết định 333).

Trong Quyết định 333, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực quy hoạch khoáng sản đặc thù như bô xít.

Trong Quyết định 333, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì thực hiện nhiều vấn đề, nhiệm vụ liên quan đến Quy hoạch 866 ban hành trước đó. Nhiều nhiệm vụ do Bộ TN-MT thực hiện được xem là “chìa khóa” để tháo gỡ nhiều khó khăn mang tính bức thiết tại Đắk Nông.

Đối với khoáng sản đặc thù như bô xít, Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và UBND các tỉnh xem xét, quyết định hình thức hạn chế, cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Việc quyết định dựa trên nguyên tắc bảo vệ và phát triển tài sản công, bảo đảm việc thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản để thực hiện các dự án, công trình cấp bách, quan trọng đặc biệt là các dự án đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh nơi có khoáng sản lập đề án triển khai khoanh định chính xác toạ độ khép góc các khu vực sẽ cấp phép để giảm thiểu diện tích chiếm đất bị ảnh hưởng của các dự án khai thác mỏ.

Địa phương được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác trên phần diện tích không có khoáng sản được loại bỏ trên cùng một khu vực đã quy hoạch.

a IMG_0722
Tỉnh Đắk Nông sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc nếu Bộ TN-MT sớm có hướng dẫn thu gom, bảo vệ bô xít tại các dự án đầu tư

Trước đó, vào tháng 4/2024, Cục Địa chất Việt Nam đã cử đoàn công tác vào thực tế tại Đắk Nông. Hiện Cục Địa chất Việt Nam đã trình Bộ TN-MT đề xuất thực hiện nhiệm vụ tổng hợp tài nguyên, trữ lượng quặng bô xít trong phạm vi các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Đầu tháng 5/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn gửi Bộ TN-MT đề nghị cung cấp tọa độ, ranh giới 37 dự án đầu tư công nằm trong vùng quy hoạch bô xít của tỉnh. Đây đều là những dự án cấp thiết đề nghị có chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hiện tại, Cục Địa chất Việt Nam đã tham mưu Bộ TN-MT cho triển khai nhiệm vụ “tổng hợp tài nguyên, trữ lượng quặng bô xít trong phạm vi các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông”.

Qua nhiệm vụ này, Cục Địa chất Việt Nam sẽ thành lập bản đồ kỹ thuật số tài nguyên, trữ lượng bô xít tại Đắk Nông tính đến năm 2024. Cục sẽ xác định được tài nguyên, trữ lượng quặng bô xít và chi phí đã điều tra, thăm dò trong phạm vi dự án phát triển kinh tế - xã hội.

PHAT NGON ONG KHANH

Đây là cơ sở quan trọng để Đắk Nông kiến nghị Bộ TN-MT tháo gỡ khó khăn để tiếp tục thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, sẽ tích cực kiến nghị để Bộ TN-MT có hướng dẫn cụ thể việc thu hồi, bảo vệ bô xít. Đây là căn cứ để Đắk Nông thực hiện các dự án, công trình cấp bách, đặc biệt là các dự án đầu tư công trên địa bàn thời gian tới.

Lê Phước