Moody's: Khủng hoảng nước tại Ấn Độ có thể dẫn đến bất ổn xã hội
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:15, 27/06/2024
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Ratings, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng quốc gia của nước này, Moody's cảnh báo cuộc khủng hoảng nước có thể dẫn đến bất ổn xã hội nếu các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự mở rộng kinh tế mạnh mẽ, đã dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Moody's cho biết trong một báo cáo mới đây rằng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng và hạn hán đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước, khiến quốc gia đông dân nhất thế giới này rơi vào tình trạng rủi ro. Moody’s cũng cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm nước có thể ảnh hướng đến đánh giá “sức khỏe” tín dụng quốc gia của nước này.
Hiện tại, Moody's đánh giá Ấn Độ ở mức BAA3 với triển vọng ổn định.
Ấn Độ phụ thuộc đáng kể vào lượng mưa gió mùa để cung cấp nước, nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dữ dội.
Thủ đô Delhi, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với hơn 200 triệu người, đang phải đối mặt với khủng hoảng nước trầm trọng. Sản lượng nước ở thủ đô của Ấn Độ đang giảm liên tục do lượng nước đổ đến sông Yamuna đoạn chảy qua khu vực này ngày càng ít, đồng thời cho rằng bang lân cận Haryana đã không giải phóng phần nước dành cho Delhi.
Ngân hàng Thế giới cho biết Ấn Độ là nơi sinh sống của gần 18% dân số toàn cầu nhưng chỉ sở hữu 4% nguồn tài nguyên nước toàn cầu. Lượng nước sẵn có bình quân đầu người của Ấn Độ là khoảng 1.100m3 khối, “thấp hơn nhiều so với ngưỡng được quốc tế công nhận về tình trạng căng thẳng về nước là 1.700 m3/người và gần đến mức nguy hiểm với ngưỡng khan hiếm nước là 1.000 m3/người." Để so sánh, lượng nước sẵn có bình quân đầu người trên toàn cầu là 5.500 m3.
Tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế đã cùng nhau gây áp lực lên tài nguyên nước. Nửa thế kỷ trước, vào năm 1970, lượng nước bình quân đầu người ở Ấn Độ cao gấp 2,5 lần so với mức hiện tại.
Theo Ngân hàng Thế giới, lượng nước ngọt bình quân đầu người ở Ấn Độ là 2.594 m3 vào năm 1970. Con số này giảm dần xuống còn 1.661 m3 vào năm 1990 và 1.036 m3 vào năm 2020.
Theo các quan chức Ấn Độ, tình trạng thiếu nước có thể làm trầm trọng thêm sự bất ổn tăng trưởng của Ấn Độ và làm suy yếu khả năng chống chịu cú sốc của nền kinh tế, vì hơn 40% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Moody's cảnh báo rằng tình trạng thiếu nước có thể gây gián đoạn sản xuất nông nghiệp và hoạt động công nghiệp, "dẫn đến lạm phát giá lương thực và giảm thu nhập cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt là nông dân, đồng thời gây ra bất ổn xã hội.
Là một cường quốc nông nghiệp, Ấn Độ là nước sản xuất sữa và gia vị lớn nhất thế giới. Đây cũng là nước sản xuất gạo, lúa mỳ, rau, trái cây và bông lớn thứ hai thế giới. Nông nghiệp chiếm 90% lượng nước sử dụng ở Ấn Độ.
Theo Moody's, các ngành phụ thuộc nhiều vào nước như nhà máy điện than và nhà sản xuất thép sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo giải thích rằng việc gián đoạn hoạt động sẽ cản trở tăng trưởng doanh thu và hạn chế khả năng tín dụng.
Moody's cho biết việc đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng nước và năng lượng tái tạo có thể giảm thiểu những rủi ro này và cải thiện việc sử dụng nước hiệu quả hơn.
Theo Bộ Thống kê và Thực thi Chương trình Ấn Độ, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 8,2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, củng cố vị thế của Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nói trên vượt mức dự báo 7,6% trước đó của Chính phủ Ấn Độ. Trong quý cuối cùng của năm tài chính 2023, GDP của Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và đạt 7,8% nhờ hiệu quả hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. Các nhà kinh tế kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong năm nay.
Bà Ankita Amajuri, trợ lý kinh tế tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cho biết “chúng tôi dự kiến hoạt động kinh tế của Ấn Độ sẽ chững lại hơn một chút trong những quý tới, nhưng nước này sẽ vẫn là quốc gia vượt trội trên toàn cầu."
Bà Garima Kapoor, nhà kinh tế học tại Elara Securities có trụ sở tại Mumbai, cho biết số liệu tăng trưởng được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giảm và dự báo mưa gió mùa bình thường, có thể giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Sự xuất hiện của những cơn mưa gió mùa ở Ấn Độ có thể hỗ trợ sản lượng nông nghiệp và tiền lương ở nông thôn. Theo bà Kapoor, những con số trên cho thấy năm tài chính 2024 đã bắt đầu trên một nền tảng tương đối ổn định.
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng 55% từ năm 2014 đến năm 2023. Ấn Độ đã từ nền kinh tế lớn thứ chín thế giới vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới trong khoảng thời gian đó và cũng có mức tăng trưởng GDP lớn nhất so với các nền kinh tế lớn khác./.