Số người châu Á di cư ra nước ngoài lao động đạt mức cao kỷ lục

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:00, 27/06/2024

Số người châu Á di cư ra nước ngoài làm việc ghi nhận mức cao kỷ lục 6,93 triệu người trong năm ngoái, khi nhiều người từ Philippines, Bangladesh... tìm kiếm việc ở các nền kinh tế thiếu lao động.
Công nhân Bangladesh ở Dhaka xếp hàng mua vé máy bay để trở về Saudi Arabia. (Nguồn: AP)
Công nhân Bangladesh ở Dhaka xếp hàng mua vé máy bay để trở về Saudi Arabia. (Nguồn: AP)

Theo số liệu của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số người châu Á di cư ra nước ngoài để làm việc đã ghi nhận mức cao kỷ lục 6,93 triệu người trong năm ngoái, khi ngày càng nhiều người từ Philippines, Bangladesh và các quốc gia khác tìm kiếm cơ hội tại các nền kinh tế phát triển thiếu hụt lao động.

Số liệu thống kê của năm 2022 cũng được điều chỉnh từ 4,6 triệu lên 5,2 triệu người. Số lượng người di cư mới từ châu Á đã giảm mạnh khi dịch COVID-19 lan rộng, sau khi đạt đỉnh 6,1 triệu người vào năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, con số này đã phục hồi trở lại, tăng 34% vào năm ngoái và cao hơn mức kỷ lục trước đó khoảng 800.000 người.

ADBI cho rằng sự gia tăng này không chỉ do sự phục hồi của hoạt động dịch chuyển lao động (labor migration) mà còn do những thay đổi cơ cấu như dân số trong độ tuổi lao động giảm tại các nền kinh tế phát triển.

Kiều hối của người lao động di cư gửi về khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đạt mức kỷ lục vào năm 2023, khoảng 371,5 tỷ USD, chiếm 43% tổng kiều hối toàn cầu.

Philippines là nước có số lượng người di cư lớn nhất với 2,3 triệu người, tăng 93% so với năm 2022 và chiếm một phần ba tổng số lao động di cư từ các nước châu Á. Bangladesh đứng thứ hai với 1,3 triệu người, tiếp theo là Pakistan với 860.000 người.

Khoảng hai phần ba lao động di cư từ Philippines là phụ nữ, nhiều người trong số họ làm nghề giúp việc nhà, nhân viên vệ sinh, y tá và người chăm sóc. Các điểm đến hàng đầu bao gồm Trung Đông, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Trong khi đó, nhiều người di cư Bangladesh và Pakistan làm việc trong ngành xây dựng.

Về điểm đến, khoảng một nửa số người di cư của châu Á hướng đến các nước vùng Vịnh Ba Tư. Saudi Arabia đứng đầu danh sách các quốc gia tiếp nhận lao động di cư với 1,6 triệu người, tiếp theo là Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Malaysia cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về lao động nhập cư, lên mức khoảng 760.000 người.

Nhìn chung, hành lang di cư từ Nam Á, bao gồm các nước như Bangladesh và Pakistan, đến Trung Đông vẫn hoạt động tích cực vào năm 2023. Tuy nhiên, các hành lang khác cũng nổi lên, với nhiều người lao động Bangladesh di cư đến Malaysia và nhiều người Philippines di cư đến UAE.

Ấn Độ tiếp tục chiếm một phần lớn trong số người lao động di cư đến các nền kinh tế phát triển ở phương Tây, nơi các kỹ sư phần mềm nói tiếng Anh rất được săn đón. Ấn Độ là nước đứng đầu về số người di cư đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Australia trong năm 2023.

Mỹ đã cấp 193.000 thị thực H-1B, thường được các kỹ sư phần mềm sử dụng, cho công dân Ấn Độ vào năm 2023, giảm nhẹ so với năm trước đó. Trong khi đó, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với công dân Ấn Độ, nhưng số thị thực cấp cho công dân Trung Quốc đã tăng 275%, phục hồi sau đợt sụt giảm trong khoảng thời gian 2020-2022 do đại dịch COVID-19 và căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc.

Tính đến tháng 10/2023, Nhật Bản có 2 triệu người lao động nước ngoài. Nhưng các nền kinh tế phát triển khác trong khu vực, chẳng hạn như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc), cũng đang thu hút lao động từ nước ngoài do tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Kiều hối của những người lao động này là động lực kinh tế cho nhiều nước đang phát triển và mới nổi, chiếm tới hơn 20% Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Tajikistan, Tonga, Samoa và Nepal.

Tổng kiều hối gửi về châu Đại Dương, Nam Á và Đông Nam Á tăng trong năm 2023. Trong khi đó, kiều hối gửi về Trung Á giảm, một phần do ảnh hưởng của tình hình căng thẳng giữa Ukraine và Nga./.

Khánh Ly