Kinh tế

Hơn 1.000 sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông được số hóa nguồn gốc

Trần Thị Thoan 27/06/2024 06:07

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Đây là cơ hội để Đắk Nông thúc đẩy, nâng cao giá trị các loại nông sản.

Trước vấn nạn như hàng giả, hàng nhái; hàng không có nguồn gốc xuất xứ, chứa chất cấm, độc hại ngày càng phố biến trên thị trường, việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm được xem như giải pháp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

dsc_0802.jpg
Rau, củ, quả của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, huyện Đắk Glong có truy xuất nguồn gốc

TXNG hiện đã được nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, người dân ở Đắk Nông quan tâm. Theo ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, đơn vị hiện đang liên kết với gần 100 nông dân canh tác trên vùng nguyên liệu hơn 300ha.

Sản phẩm rau, củ, quả của HTX canh tác theo hướng an toàn được chứng nhận VietGAP. Các quy trình sản xuất đều được xã viên tuân thủ nghiêm ngặt nhằm bảo đảm nông sản an toàn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.

Trên mỗi lô sản phẩm của HTX đều có mã TXNG rõ ràng. Điều này đã giúp cho HTX thuận lợi hơn khi tiếp cận khách hàng. Khách hàng chỉ cần quét mã vạch là biết các thông tin về sản phẩm. Ví dụ như ngày nào xuống giống, phân bón loại gì, thu hoạch ngày nào, thậm chí là do hộ nào trực tiếp sản xuất, theo quy trình nào…

dsc_0489.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, huyện Đắk Glong có quy chế kiểm tra, giám sát việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng xã viên, hộ liên kết

HTX đã xây dựng hệ thống quản lý thông tin phục vụ truy xuất rõ ràng, cụ thể, minh bạch và phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong việc theo dõi, giám sát.

“Truy xuất nguồn gốc là một tiêu chuẩn để các mặt hàng của HTX vượt qua các vòng kiểm tra chất lượng của khách hàng. Nói cách khác là giá trị nông sản tăng khi có truy xuất”, ông Hương khẳng định.

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song, việc TXNG giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác về sản phẩm. Đây là giải pháp giúp HTX hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về hàng hóa.

z4831737081298_269497b6daae79bad0ca2de1ca322daa.jpg
Hồ tiêu của HTX Hồ tiêu hữu cơ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông truy xuất nguồn gốc cụ thể, rõ ràng

Bà Thu nhấn mạnh, TXNG không chỉ bó hẹp ở truy xuất thông tin về thành phẩm cuối cùng. Nó là thông tin trong toàn bộ quá trình sản xuất từ khi canh tác, nguyên liệu thô, đến quy trình sản xuất. TXNG cũng thể hiện vùng trồng nào, chế biến ra sao, chất lượng cuối cùng đến khi tới tay người tiêu dùng có bảo đảm hay không.

"Nó là một hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin liên tục của cả chuỗi sản xuất và phải có khả năng truy xuất một cách chính xác theo các mục đích khác nhau", bà Thu cho hay.

bieu do so hoa dt

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, TXNG có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng công nghệ thông tin, mã số, mã vạch... Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống TXNG điện tử và áp dụng công nghệ QR trên nhãn TXNG đang phổ biến. Vấn đề này những năm gần đây đang được các nông hộ, chủ doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh quan tâm, đẩy mạnh triển khai.

TXNG nông sản là một trong những nội dung của chuyển đổi số nông nghiệp. Những sản phẩm được sản xuất theo các quy trình chứng nhận riêng, vùng trồng riêng sẽ có những điểm mạnh, lợi thế cạnh tranh khác nhau.

img_8608.jpg
Đắk Nông đã số hóa cho khoảng 1.000 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cạnh tranh, sản phẩm OCOP

Thống kê của Sở NN-PTNT, đến đầu năm 2024, các ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, số hóa truy xuất nguồn gốc cho khoảng 1.000 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cạnh tranh, OCOP. Trên địa bàn tỉnh đã có 111.000 hộ sản xuất nông nghiệp được số hóa thông tin, đạt hơn 92,8%; trên 135.700 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số, đạt tỷ lệ trên 80,5%.

Trần Thị Thoan