Bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 16:32, 17/06/2024
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng động viên các em học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Vĩnh Yên. |
Tại đây, đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị, động viên các em học sinh đang ôn tập tại điểm thi Trường trung học phổ thông Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) và Trường trung học phổ thông Vĩnh Yên (thành phố Vĩnh Phúc); địa điểm in sao đề thi.
Không lơ là, chủ quan trong tổ chức kỳ thi
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến cho biết: Năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 15.563 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, giáo dục phổ thông có 11.545 thí sinh, giáo dục thường xuyên có 3.557 thí sinh và 461 thí sinh tự do (có 50 thí sinh xét tuyển đại học bằng kết quả học bạ điểm thi tốt nghiệp năm trước nên không dự thi), tăng 1.470 thí sinh so với kỳ thi tốt nghiệp năm 2023.
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã bố trí 30 điểm thi với 706 phòng thi và hơn 2.500 cán bộ trong, ngoài ngành và giáo viên tham gia các khâu của kỳ thi. Trong đó, trên 1.430 cán bộ coi thi, 316 người làm cán bộ giám sát; lực lượng công an và gần 100 người làm thanh tra...
Đến thời điểm này, toàn bộ 30 điểm thi đã được rà soát, kiểm tra, đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp an toàn, đúng quy chế; Phương án giao đề thi và bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi được bảo đảm an toàn, bảo mật, đúng quy định. Các điểm thi đều bảo đảm là khu vực biệt lập, bảo đảm an ninh, an toàn, thuận tiện giao thông. Phương án vận chuyển đề thi, bài thi, phòng chống cháy nổ, trang bị máy phát điện dự phòng, công tác chuẩn bị đối phó với tình huống bất thường, mưa bão cũng được chuẩn bị chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là nhiệm vụ quốc gia và cũng là nhiệm vụ quan trọng của địa phương nên tỉnh Vĩnh Phúc xác định làm sao cho tốt nhất. Nhấn mạnh hai từ khóa được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là trọng tâm trong tổ chức kỳ thi là “chu đáo” và “an toàn”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Chúng tôi xác định đây là “chiến dịch”, phải kỹ càng, vất vả mới có kết quả và phải làm hết trách nhiệm. Tinh thần chung của tỉnh là cầu thị và nghiêm túc; không tạo ra căng thẳng nhưng không lơ là, chủ quan".
Quang cảnh buổi làm việc. |
Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh Vĩnh Phúc, các thành viên Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia đã có những trao đổi, lưu ý với tỉnh trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Liên quan đến việc gian lận trong kỳ thi, Trưởng phòng An ninh thông tin mạng, Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Đại tá Phan Thị Kim Dung cho biết: Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin thì việc xuất hiện các thiết bị công nghệ cao giúp thí sinh gian lận trong các kỳ thi diễn ra ngày càng phổ biến. Về cơ bản các thiết bị có hình dạng giống các đồ vật thông dụng, thiết kế tinh vi, nhỏ gọn, mắt thường không phát hiện được ra.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua đã phát hiện nhiều hội nhóm rao bán thiết bị gian lận trong kỳ thi và được nhiều người đặt mua. Vì vậy, ngành giáo dục cần nâng cao nhận thức cho trưởng điểm thi, cán bộ trông thi, thí sinh về mức độ nghiêm trọng của hành vi gian lận, cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Các cán bộ làm công tác tổ chức thi không được lơ là, chủ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm (nếu có).
Chủ động phương án, kịch bản dự phòng
Qua kiểm tra công tác chuẩn bị và đi thực tế một số điểm thi trên địa bàn, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và ban hành Chỉ thị về kỳ thi của địa phương sớm. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cũng được địa phương quan tâm thực hiện với tinh thần chu đáo với ngành, với học sinh, phụ huynh và cán bộ tham gia kỳ thi.
Thứ trưởng cho biết, năm 2024 là năm cuối cùng của kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đây là kỳ thi có quy mô toàn quốc, kết quả của kỳ thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng giáo dục, do đó kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi, Ban Chỉ đạo quốc gia mong muốn các địa phương quán triệt đầy đủ nội dung cơ bản trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Trong đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh năm nhóm vấn đề trong tổ chức kỳ thi năm nay. Cụ thể là công tác chỉ đạo sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; công tác tổ chức đúng quy trình, đúng quy chế; công tác truyền thông chủ động, kịp thời, cung cấp đầy đủ thông tin, công khai minh bạch.
Lưu ý một số việc cần làm tiếp theo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc tại các điểm thi, chủ động kịch bản các phương án dự phòng, chú trọng công tác phối hợp và quan tâm công tác lựa chọn nhân sự. Thiết bị hỗ trợ tối tân đến đâu nhưng nếu con người cố tình vi phạm vẫn không thể tránh được. Vì vậy, Thứ trưởng lưu ý và đề nghị địa phương quan tâm công tác tập huấn nâng cao nhận thức và thông tin đầy đủ về những hệ lụy khi xảy ra sai sót, sai phạm.
Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương về yêu cầu “bốn đúng”, “ba không” trong tổ chức kỳ thi. Cụ thể, “bốn đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “Ba không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.