Làm sống lại con đường huyền thoại

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:54, 25/06/2024

Nằm ở phía tây Trung Quốc, Đôn Hoàng là điểm dừng chân nổi tiếng của con đường tơ lụa lịch sử. Đôn Hoàng vẫn giữ trong mình nhiều di sản văn hóa cổ đại quý giá. Chính quyền Trung Quốc đã và đang đổ hàng tỷ USD nhằm làm sống lại con đường huyền thoại này.
Hang Mạc Cao được gọi là kho báu nghệ thuật trên con đường tơ lụa.
Hang Mạc Cao được gọi là kho báu nghệ thuật trên con đường tơ lụa.

Con đường tơ lụa lịch sử bắt đầu từ Trường An và kéo dài tới Constantinopolis. Đây là cửa khẩu thông thương, giao lưu chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai châu lục Á-Âu. Trên con đường huyền thoại này, các thương nhân thường dừng chân tại Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc để đổi lấy những con lạc đà còn khỏe mạnh, thực phẩm và người bảo vệ cho cuộc hành trình đầy nguy hiểm qua sa mạc Taklamakan. Trước khi rời Đôn Hoàng họ thường cầu nguyện tại hang Mạc Cao để xin một chuyến đi an toàn và khi trở lại họ sẽ lại tạ ơn trời đất tại hang này.

Hang Mạc Cao gần Đôn Hoàng được gọi là kho báu nghệ thuật trên con đường tơ lụa. Hang Mạc Cao chứa đựng cả một bộ sưu tập đồ sộ về nghệ thuật và tôn giáo của Phật giáo được khắc trong lòng hang, trên các vách đá. Hang Mạc Cao được Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới kể từ năm 1987, thu hút rất nhiều khách du lịch tới thăm.

Làm sống lại con đường huyền thoại ảnh 1
Hang Mạc Cao được UNESCO công nhận là di sản thế giới kể từ năm 1987.

Truyền thuyết kể rằng, có một nhà sư khất thực tên là Lạc Tôn. Một đêm trăng, nhà sư nhìn thấy hàng nghìn đức Phật tỏa sáng trên bầu trời Minh Sa. Bị choáng ngợp bởi cảnh tượng đó, nhà sư đục một hang ngồi thiền bên vách đá cẩm thạch, nơi được biết đến với tên hang Mạc Cao. Nhà sư cùng học trò đã vẽ những bức tranh về Đức Phật cùng cuộc sống hằng ngày lên vách và trần hang. Sau này, một nhà sư khác có pháp danh Fa Liang đến thăm Đôn Hoàng và tạo một chiếc hang thứ 2.

Trong vòng vài thập kỷ, 70 hang động đã được chạm khắc ở Mạc Cao. Trải qua 1.000 năm, các nghệ sĩ đã tạo ra hơn 735 ngôi đền trong hang với 45.000 m2 các bức bích họa.

Hiện có khoảng 2.415 bức tượng còn tồn tại ở Đôn Hoàng, nhiều bức được khôi phục từ triều Thanh. Trong các triều đại trước, mặt sau các bức tượng được gắn vào tường, đầu được làm riêng, sau đó đặt lên thân. Đến thời nhà Đường, các bức tượng mới được hoàn toàn tách ra. Hang từ thời Đường được coi là đỉnh cao kiến trúc ở Mạc Cao. Kích thước của một số tác phẩm điêu khắc rất đáng kinh ngạc. Trong một hang động, chúng tôi được tận mắt thấy một tượng Phật cao 23m, chạm khắc từ đá.

Là cụm hang đá lớn nhất Trung Quốc, hang Mạc Cao là trung tâm văn hóa và nghệ thuật của Đôn Hoàng, mang trong mình bầu không khí rất huyền bí. Những ai đến hang Mạc Cao đều say mê ngước nhìn vòm hang được trang trí bằng những bức tranh trang nghiêm nhưng hấp dẫn. Chính vì vậy, Đôn Hoàng không chỉ phát triển thương mại cực kỳ phồn thịnh mà nó còn góp phần đặt nền móng cho sự phát triển nghệ thuật, để lại dấu ấn cho quãng lịch sử nghệ thuật huy hoàng cho mảnh đất này. Đến năm 1400, khi các tuyến đường hàng hải thay thế con đường tơ lụa, Đôn Hoàng dần bị quên lãng. Sa mạc cát khiến một vài hang động bị phá hoặc hư hỏng, nhưng vẫn được lưu giữ ít nhiều.

Nói đến Đôn Hoàng, không thể không nhắc tới núi cát khổng lồ Minh Sa (nghĩa là “cát hát”) nằm ở phía nam thành phố. Rặng núi này dài 40km dọc con đường tơ lụa, với đỉnh cao nhất nằm trên mực nước biển 1715m. Minh Sa từng đón nhận danh hiệu một trong năm đại sa mạc đẹp nhất Trung Quốc năm 1994.

Làm sống lại con đường huyền thoại ảnh 3
Ốc đảo tại núi cát Minh Sa.

Nguyệt Nha Tuyền là một hồ nước hình mặt trăng lưỡi liềm nằm trong một ốc đảo ở Minh Sa. Nguyệt Nha Tuyền có tuổi đời ước tính khoảng 2.000 năm, dài 218m, rộng 54m, chứa trong lòng làn nước trong xanh như ngọc bích. Trong nhiều thế kỷ, nơi đây được ví như hồ nước trên sa mạc, hay khuôn miệng kiều diễm của một người đàn bà đẹp do có hình bán nguyệt.

Chị Gao Nana, hướng dẫn viên du lịch ở Đôn Hoàng cho biết, hồ nước này được đặt tên là Nguyệt Nha Tuyền vào triều đại nhà Thanh. Trải qua hàng nghìn năm, dù nằm giữa sa mạc cát cháy, hồ nước vẫn không bị cát phủ lấp, quanh năm nước trong vắt. Tương truyền, chưa bao giờ nước trong hồ bị bão cát làm vẩn đục cũng như khô cạn.

Ngồi bên hồ trong một trưa hè đầy nắng, ngắm nhìn làn nước pha giữa màu xanh của trời và nước, thấy lòng mình thật thư thái.

Được mệnh danh là “chúa tể sa mạc”, lạc đà 2 bướu Bactria là phương tiện di chuyển tốt nhất trên sa mạc cát. Hiện có khoảng hơn 1.000 chú lạc đà Bactria và cả trăm “hoa tiêu” làm nghề dắt lạc đà, chụp ảnh kỷ niệm cho du khách trên sa mạc ở núi cát Minh Sa. Mỗi tốp gồm 5 chú lạc đà Bactria do một hoa tiêu phụ trách, dẫn đường cho du khách trong suốt hành trình suốt 4km tiến sâu vào sa mạc cát.

Từng đàn lạc đà nối bước nhau trên núi cát Minh Sa gợi nhớ tới hình ảnh các lái buôn lỉnh kỉnh hàng hóa, rong ruổi trên con đường nối từ phía Đông Trung Quốc, qua Trung Á, tới Địa Trung Hải cả nghìn năm trước. Trên lưng lạc đà, núi cát Minh Sa hiện ra như một bức họa cát hùng vĩ với những đụn cát tự nhiên uốn lượn đủ mọi hình dáng, trải dài trong mênh mông vạn dặm của sa mạc. Cưỡi lạc đà giữa bao la bốn bề gió cát của sa mạc Gobi sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ của bất kỳ du khách nào khi đến nơi đây

BH