Đường cao tốc "kích hoạt" tiềm năng Tây Nguyên

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 07:43, 24/06/2024

Thời gian qua, do ảnh hưởng nhiều yếu tố, trong đó một trong những nguyên nhân cơ bản là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và khu vực còn yếu, chưa đồng bộ, khiến vùng Tây Nguyên bị kìm hãm trong không gian chật hẹp, kết nối thiếu thuận lợi, khó kích hoạt tiềm năng, lợi thế trở thành động lực phát triển.
Điểm cuối trên tuyến cao tốc Liên Khương-Prenn địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điểm cuối trên tuyến cao tốc Liên Khương-Prenn địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều ý kiến của bộ, ngành, chuyên gia cho rằng, để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững thì chìa khóa chính là đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng. Và đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng chính là “đường băng” giúp Tây Nguyên “cất cánh”.

Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng đất đại ngàn hùng vĩ là nơi sinh sống của gần sáu triệu người, gồm tất cả 54 dân tộc anh em. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn là “vùng trũng” của cả nước, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một trong những nguyên nhân cơ bản là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và khu vực còn yếu, chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả vận tải thấp, chi phí tăng cao đã kìm hãm quá trình lưu thông.

Do đặc điểm về địa hình, Tây Nguyên không thể phát triển giao thông đường thủy, còn nhiều hạn chế trong phát triển đường sắt, chỉ có vận tải đường bộ và hàng không là phương thức phù hợp. Tuy nhiên, toàn vùng Tây Nguyên mới chỉ có 19 km đường cao tốc tại Lâm Đồng, cùng 117,5 km cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đang được triển khai thi công giai đoạn một và hơn 3.100 km quốc lộ nối các tỉnh duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ và các cảng biển, qua thời gian cũng đã xuống cấp; các sân bay trong vùng khai thác chưa thật sự hiệu quả.

Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ quan điểm, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng. Chương trình hành động của Chính phủ cũng nêu rõ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Trong đó, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ huyết mạch và hàng không, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông của vùng, để bảo đảm tính chất lan tỏa, liên vùng hình thành kết nối Tây Nguyên với duyên hải Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối quốc tế trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công, khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và các nước ASEAN... để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.

Đường cao tốc
Cao tốc Liên Khương-Prenn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Các tuyến cao tốc kết nối là khát vọng bấy lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Giao thông cao tốc kết nối sẽ phá thế độc đạo, mở rộng cơ hội kết nối thuận lợi giữa vùng phên dậu phía tây Tổ quốc với vùng kinh tế năng động phía Đông Nam Bộ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ; giao thương thông thoáng với các nước bạn Lào và Campuchia...

Được biết, bên cạnh quy hoạch phát triển cao tốc đường bộ, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Nhà nước sẽ đầu tư tuyến đường sắt mới, trong đó có tuyến đường sắt dọc các tỉnh Tây Nguyên (Đà Nẵng-Kon Tum-Gia Lai-Đắk Lắk-Đắk Nông-Bình Phước), kết nối với đường sắt quốc gia để tạo thành mạng lưới kết nối vùng và liên vùng đồng bộ; đồng thời khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt phục vụ du lịch. Qua đó, mở thêm cánh cửa hy vọng cho đột phá về giao thông ở khu vực quan trọng này.

Cuối năm 2022, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, vùng Tây Nguyên thiếu sự kết nối nội vùng, trong vùng, trong nước và ngoài nước. Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông kết nối hành lang kinh tế đông-tây, bắc-nam, giao thông kết nối vùng. “Giao thông phát triển sẽ tạo không gian phát triển mới và phát triển văn hóa-xã hội tương ứng. Đường đi đến đâu văn minh đến đấy”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ “đường đi đến đâu văn minh đến đấy” để thấy rằng, “muốn làm giàu thì phải làm đường”, các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên chắc chắn sẽ là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn, đánh thức tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất đỏ bazan, làm sống dậy những khu công nghiệp, phát triển những khu đô thị sầm uất; phát huy giá trị “con đường xanh Tây Nguyên” và lợi thế trục kết nối “con đường di sản miền trung-Tây Nguyên”. Các tuyến cao tốc được đầu tư và đi vào hoạt động, sẽ là những “huyết mạch”, động lực quan trọng giúp Tây Nguyên bứt phá, trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; như “tầm nhìn” trong Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

MAI VĂN BẢO