Giải mã bí mật trường thọ của người dân Nhật Bản
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:00, 23/06/2024
Nhật Bản được biết đến là một quốc gia có dân số siêu già. Nhóm dân số cao tuổi (65 tuổi trở lên) của nước này vào năm 2022 là 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số; trong khi số người trên 80 tuổi chiếm tới hơn 10% dân số.
Với tuổi thọ trung bình là 84, Nhật Bản liên tục đứng trong top các nước có dân số sống thọ nhất thế giới, trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 81, còn nữ giới là 87.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (tính đến tháng 9/2023), ước tính số người sống thọ trên 100 tuổi của nước này ở mức kỷ lục với 92.139 người, tăng 1.613 người so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói, không chỉ sống thọ mà những người già Nhật Bản rất khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Vì sao người Nhật sống lâu như vậy? Có bí mật ẩn giấu nào đằng sau tuổi thọ của họ? Cuối cùng, các nhà khoa học cũng đã khám phá ra 7 bí quyết giúp người dân xứ Phù Tang có tuổi già khỏe mạnh và trường thọ nhất thế giới.
Chế độ ăn uống hoàn hảo
Chế độ ăn uống của người Nhật là một ví dụ hoàn hảo về lời khuyên của bác sỹ Hy Lạp Hippocrates từ thế kỷ thứ 5 và là lý do chính giúp họ kéo dài tuổi thọ: “Hãy biến thức ăn thành thuốc chữa bệnh.
Người Nhật thích ăn uống, song họ coi thực phẩm không chỉ là thực phẩm mà còn là phương tiện để có cuộc sống khỏe mạnh. Chế độ ăn uống của người Nhật thường bao gồm các nguyên liệu tươi và chưa qua chế biến, có lượng calo thấp và ít chất béo.
Thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn của người Nhật thường gồm cá giàu omega, gạo, ngũ cốc nguyên hạt, đậu phụ, đậu nành, miso, rong biển và rau xanh và rất ít thịt. Tất cả những thực phẩm này đều ít chất béo bão hòa, ít đường, đồng thời giàu vitamin và khoáng chất, giúp giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.
Nhiều về loại, ít về lượng, chỉ ăn no 80%
Người Nhật ăn rất nhiều loại thức ăn trong bữa cơm của mình nhưng nghi thức ăn uống và kiểm soát khẩu phần ăn luôn là một phần quan trọng trong văn hóa ăn uống Nhật Bản.
Trong mỗi bữa cơm hằng ngày của người Nhật, (bữa sáng, bữa trưa, và bữa tối) thường bao gồm cơm, soup và 3-4 món ăn, nhưng tất cả đều là những khẩu phần nhỏ, được bày trong các bát, đĩa nhỏ.
Khi ăn, người Nhật nhai chậm và không bao giờ ăn quá no. Thông thường, họ chỉ ăn đến khi no khoảng 80% là dừng lại.
Bí kíp để ăn no 80% chính là nhai kỹ, nuốt chậm, điều này rất có lợi cho dạ dày, giúp hạn chế bớt áp lực, đảm bảo no lâu, cung cấp được dinh dưỡng và năng lượng cần thiết.
Uống trà
Trà đạo là nét văn hóa truyền thống có lịch sử hàng nghìn năm của người Nhật, một phần không thể thiếu trong lối sống của người dân xứ Phù Tang.
Trong hàng nghìn năm nay, người Nhật duy trì thói quen uống trà xanh nguyên chất hằng ngày, một trong những bí quyết tăng cường sức khỏe.
Các nghiên cứu đã chỉ ra thức uống cổ xưa này rất giàu chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa ung thư, tăng tuổi thọ. Nó cũng giúp tiêu hóa, tăng mức năng lượng và điều hòa huyết áp.
Trà thậm chí còn giúp bảo vệ tế bào màng và làm chậm quá trình lão hóa tế bào, giúp trẻ lâu và khỏe mạnh.
Lối sống năng động
Cứ 6h30 sáng hàng ngày, trên đường phố Nhật Bản lại xuất hiện những nhóm người từ già đến trẻ tập rajio taiso qua đài radio. Đây là chương trình tập thể dục buổi sáng ra đời từ năm 1928 và tồn tại cho đến tận ngày nay, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất nước Mặt trời mọc
Ngoài tập rajio taiso, người dân Nhật Bản đi bộ rất nhiều. Nhật Bản phát triển cơ sở hạ tầng rất chú trọng cho việc đi bộ thuận tiện và bạn có thể thấy việc đi lại hàng ngày ở các thành phố lớn rất sôi động.
Hầu hết mọi người đều đi bộ hoặc đạp xe đến ga tàu điện ngầm, sau đó họ đứng trên tàu suốt lộ trình cho đến ga đích, họ xuống tàu và tiếp tục đi bộ đến chỗ làm.
Cuộc khảo sát Dinh dưỡng và Sức khỏe quốc gia do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện năm 2019 cho thấy mỗi ngày nam giới Nhật Bản trung bình đi gần 7.000 bước, còn phụ nữ đi bộ khoảng 6.000 bước.
Khoảng 98% trẻ em Nhật Bản cũng đi bộ hoặc đạp xe đến trường.
Chú trọng chăm sóc sức khỏe
Tuổi thọ cao của người Nhật một phần là do họ được chăm sóc sức khỏe rất tốt. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới.
Kể từ những năm 1960, chính phủ Nhật Bản đã chi trả 70% các chi phí y tế cho người dân, những người dân có thu nhập thấp được chi trả tới 90%.
Người dân Nhật Bản đến gặp bác sỹ trung bình 13 lần một năm để kiểm tra sức khỏe. Điều này có nghĩa là bệnh tật có nhiều khả năng được phát hiện sớm hơn để điều trị.
Ngoài ra, chính phủ rất chú trọng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Chính quyền địa phương thực hiện sàng lọc hàng loạt cho các công dân ở trường học, nơi làm việc hoặc trong cộng đồng.
Người dân phải điền câu trả lời cụ thể vào bảng những câu hỏi y tế về lối sống. Những cuộc kiểm tra sức khỏe hàng năm này có thể giúp mọi người nâng cao ý thức hơn về sức khỏe.
Cùng với các sáng kiến của chính phủ, chăm sóc người già cũng cũng một phần của văn hóa Nhật Bản. Trong các gia đình người Nhật, các thành viên lớn tuổi luôn được quan tâm và sống vui vầy cùng con cháu, thay vì phải sống trong trung tâm dưỡng lão.
Lợi ích tâm lý của việc sống cùng gia đình khi về già giúp con người hạnh phúc hơn và sống lâu hơn.
Gene tốt
Ngoài việc ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng giúp phần nào giảm nguy cơ bệnh tật và tăng tuổi thọ thì người Nhật cũng có lợi thế về mặt di truyền.
Nghiên cứu cho biết nhiều người Nhật sở hữu hai mã gene DNA 5178 và ND2-237 Met, được cho là yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ đột quỵ và mắc các bệnh về tim mạch.
Các yếu tố di truyền khác, bao gồm cả tính cách (đặc biệt là những đặc điểm như tận tâm, cởi mở và hướng ngoại ) dường như cũng rất quan trọng. Các nhà khoa học cho rằng chúng góp phần kéo dài tuổi thọ thông qua các hành vi có lợi liên quan đến sức khỏe, giảm căng thẳng và thích ứng với các vấn đề của tuổi già.
Ikigai - Sống có mục đích
Ikigai là một triết lý cổ xưa của người Nhật cho rằng người ta phải tìm kiếm niềm vui và mục đích nào đó trong cuộc sống thay vì chỉ tồn tại. Cuộc sống là việc thực hành để hướng bạn tới sự thỏa mãn.
Khái niệm này không mang tới cho bạn sự hài lòng ngay lập tức mà giúp bạn xác định mục đích sống, sứ mệnh cá nhân của bạn và khai thác toàn bộ tiềm năng cuộc sống. Theo các nhà tâm lý học, nó dẫn đến cảm giác tự trọng cao hơn.
Lối sống Ikigai đặc biệt phổ biến ở Okinawa, Nhật Bản - nơi có rất nhiều cư dân có tuổi thọ trên 100 tuổi, không hề tồn tại khái niệm “nghỉ hưu.”
Người dân Okinawa sống một cuộc đời tích cực và hạnh phúc, trong đó họ trân trọng cộng đồng và xây dựng mối liên kết chặt chẽ cùng sự chia sẻ với tất cả những người xung quanh./.