Bài toán dạy bơi trong trường học
Việc triển khai xây dựng các bể bơi trong trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông góp phần tích cực trong việc tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, việc vận hành, duy trì hoạt động các bể bơi trong trường học đặt ra nhiều bài toán khó.
Hiệu quả thấy rõ
Được đầu tư từ năm 2019, bể bơi tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil đã góp phần giúp hàng trăm học sinh trên địa bàn biết bơi.
Cụ thể, tính từ năm 2019 đến nay, trường mở được 20 lớp dạy bơi cho học sinh các khối lớp. Riêng trong năm 2024, trường mở được 8 lớp với khoảng trên 250 em tham gia. Ông Phạm Lý Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết: “Trên địa bàn xã gần như không có một bể bơi nào nên việc được đầu tư một bể bơi tại trường là rất ý nghĩa. Mục tiêu của trường hướng tới là làm sao để 100% học sinh được tham gia lớp học bơi khi tốt nghiệp. Khi đưa vào hoạt động, dù gặp rất nhiều khó khăn để vận hành nhưng trường đã cố gắng khắc phục bằng mọi cách để học sinh và trẻ em trên địa bàn có được kỹ năng phòng, chống đuối nước”.
Ông Dương chia sẻ thêm, để có kinh phí hoạt động, trường đã triển khai rất nhiều giải pháp và nhận được sự đồng thuận rất lớn của phụ huynh. Trong đó, trường tăng cường xã hội hóa, huy động đóng góp hỗ trợ từ người học và trích từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị để chi trả tiền nước, hóa chất khử khuẩn, tiền điện… Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phụ huynh và chính từ thực tế nhiều vụ đuối nước thương tâm của trẻ em trên địa bàn nên khi triển khai dạy bơi, trường đã nhận được sự đồng thuận lớn của phụ huynh, nhà hỏa tâm trên địa bàn.
Theo kế hoạch, dịp hè năm 2024, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám mở 4 lớp dạy bơi miễn phí, với khoảng 80 học sinh, trẻ em tham gia. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn nên hiện nay đã có đến hơn 130 học sinh đăng ký học bơi.
Giáo viên Trương Kim Ngân, môn Thể dục, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho hay, qua các lớp học bơi, những năm qua học sinh của trường không có trường hợp nào bị đuối nước thương tâm. Tuy nhiên, hàng năm, trẻ em trên địa bàn xã bị đuối bước còn diễn ra. Do đó, nhu cầu học bơi của học sinh, trẻ em trên địa bàn xã rất cao. Việc phát huy các bể bơi trong trường học là điều cần thiết. "Hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên nhưng vì mong muốn học sinh biết được các kỹ năng phòng, chống đuối nước nên tôi sẵn sàng đi dạy cho các em. Để khích lệ phong trào học bơi, trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi bơi với quy mô cấp xã để thu hút ngày càng nhiều học sinh trên địa bàn tham gia học bơi”, thầy giáo Ngân chia sẻ.
Vẫn là bài toán khó
Toàn tỉnh Đắk Nông có 20 bể bơi được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 04/10/2027 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch xây dựng bể bơi trong các trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, với tổng kinh phí đầu tư 9,723. Trong đó, có 4 bể bơi cố định và 16 bể bơi di động.
Toàn tỉnh Đắk Nông có 20 bể bơi được tỉnh đầu tư xây dựng trong các trường tiểu học công lập, với tổng kinh phí đầu tư 9,723 tỷ đồng. Trong đó, có 4 bể bơi cố định và 16 bể bơi di động.
Các bể bơi chủ yếu được đầu tư cho các trường tiểu học ở 8 huyện, thành phố. Trong đó, các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp, TP. Gia Nghĩa có 4 bể bơi; huyện Krông Nô 3 bể bơi; huyện Đắk Song 2 bể bơi. Các huyện còn lại như Tuy Đức, Đắk Song và Cư Jút mỗi huyện có 1 bể bơi. Hầu hết các công trình bể bơi do các phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố làm chủ đầu tư.
Việc xây dựng bể bơi trong trường học với mục tiêu hướng đến là giúp học sinh tiểu học tốt nghiệp bậc học được trang bị kỹ năng bơi để phòng, chống đuối nước. Tuy nhiên, bên cạnh một số bể bơi hoạt động hiệu quả thì phần lớn hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vận hành. Trong 20 bể bơi được đầu tư thì chỉ có khoảng 9 bể bơi bảo đảm các điều kiện để hoạt động. Số bể bơi còn lại có nhiều hạng mục đã xuống cấp hoặc không đủ nước phục vụ học bơi vào mùa khô.
Theo báo cáo giám sát về kết quả đầu tư, quản lý, vận hành công trình bể bơi tại các trường học của Ban Văn hóa -Xã hội, HĐND tỉnh, tỷ lệ học sinh đăng ký học bơi và biết bơi trong các trường học được đầu tư xây dựng bể bơi đạt thấp so với yêu cầu đề ra. Các bể bơi ở trường học chưa tạo được sự tin tưởng về chất lượng, hiệu quả đối với phụ huynh trong hoạt động dạy bơi. Học sinh chủ yếu học bơi tại các bể bơi của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Điển hình như tại TP. Gia Nghĩa có tổng số 6.348 học sinh tiểu học, trong đó có 4.317 học sinh học và biết bơi, nhưng số học và biết bơi tại 4 bể được đầu tư xây dựng trong các trường học chỉ có 556 em.
Sẽ tiếp tục khắc phục và duy trì hoạt động của các bể bơi
Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng các bể bơi trường học còn hạn chế. Đa số các bể bơi được đầu tư xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng chậm so với kế hoạch đề ra. Một số hạng mục công trình bể bơi di động nhanh hư hỏng, xuống cấp nhưng không được bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Một số địa phương chưa quan tâm cân đối bố trí, hỗ trợ kinh phí bảo đảm việc chi trả cho giáo viên dạy bơi theo quy định. Thời tiết, khí hậu tỉnh Đắk Nông cơ bản lạnh quanh năm, mùa mưa kéo dài, nên rất khó trong xây dựng kế hoạch dạy bơi an toàn cho học sinh.
Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục và phát huy hơn hiệu quả các bể bơi đã được đầu tư trong trường học nhằm tăng số lượng học sinh được hưởng lợi. Sở chỉ đạo các phòng giáo dục tổng hợp nhu cầu kinh phí chi trả cho giáo viên dạy bơi, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành bể bơi, báo cáo, tham mưu UBND các huyện, thành phố cân đối bố trí để các trường tổ chức vận hành bể bơi đạt hiệu quả hơn.
Các trường sử dụng từ nguồn chi thường xuyên được giao và nguồn huy động xã hội hóa hợp pháp khác để tu sửa nhỏ, duy trì, bảo quản một số hạng mục của công trình bể bơi. Các nhà trường lập kế hoạch giáo dục môn học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và điều kiện thời tiết của địa phương để đưa nội dung dạy bơi vào chương trình học phù hợp và hiệu quả cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước đến các em học sinh và cha mẹ học sinh.