Đời sống

Tai nạn thương tích trẻ em - Vì đâu nên nỗi đau lòng

Đặng Dương 22/06/2024 12:00

Tình trạng tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em ngày càng gia tăng về số vụ và số nạn nhân. Trong đó, lễ, tết và kỳ nghỉ hè là giai đoạn ghi nhận sự gia tăng của TNTT trẻ em, thậm chí là có tử vong.

Gia tăng số vụ TNTT ở trẻ

Khoảng 16h chiều 5/4, một nhóm học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp được nghỉ học nên rủ nhau đi chơi.

Trong quá trình chơi tại hồ chứa nước tưới cây ở thôn 15, 2 trong số 5 em không may bị đuối nước dẫn đến tử vong. Ở thời điểm gặp nạn, cả 2 nạn nhân mới chỉ 10 tuổi.

img_1221.jpg
Hiện trường một vụ đuối nước khiến trẻ em Đắk Nông tử vong

Ngày 13/5, chị S, thôn 8 xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong đi làm nên để các con ở nhà tự chơi. Đến trưa cùng ngày, chị S. về nhà nhưng không thấy con nên đã đi tìm.

Trong lúc tìm kiếm, chị S. phát hiện cháu L.T.H (SN 2017, hàng xóm) tử vong tại ao cá của ông T.V.C, trú cùng thôn. Trong quá trình đưa thi thể cháu S. lên bờ, người dân còn phát hiện thêm cháu T.T.B.T (SN 2017, con chị S.) cũng tử vong ở ao nước này.

Theo Sở Lao động Thương binh - Xã hội (LĐTB - XH) Đắk Nông, từ năm 2020 đến hết quý I năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã có 104 trẻ em tử vong do đuối nước. Điều đáng nói, số trẻ bị tử vong do đuối nước có chiều hướng gia tăng qua các năm.

Cụ thể, năm 2020 là 18 em; năm 2021 có 21 em; năm 2023 là 34 em; từ đầu năm 2024 đến nay đã có 22 trẻ tử vong vì đuối nước.

img_1211.jpg
Đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiểm tra hiện trường nơi trẻ bị đuối nước

Xếp sau tai nạn đuối nước là các vụ trẻ em bị động vật tấn công (chủ yếu là chó dại cắn). Nhiều trường hợp trẻ tử vong hoặc phải điều trị dài ngày do động vật mắc bệnh dại.

Gần đây nhất, cơ quan chức năng ghi nhận 3 trường hợp (1 tử vong, 2 phải điều trị tại bệnh viện) tại xã Đắk Sắk và xã Đức Mạnh bị chó dại cắn. Điều đáng nói, có trường hợp tử vong sau khi bị chó dại tấn công trước đó hơn 4 tháng.

Vì sao trẻ liên tục gặp nạn?

Lãnh đạo một địa phương tại huyện Đắk Glong cho biết, nhiều năm nay, địa phương thường xuyên xảy ra các vụ đuối nước khiến trẻ nhỏ tử vong. Chính quyền địa phương cũng chưa có những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng đuối nước.

“Trên địa bàn có nhiều hồ đập chứa nước, không thể rào chắn hết được. Các em vào buổi chiều thường rủ nhau đi tắm không có người lớn quản lý. Bố mẹ thì thường lo bận làm nông nên không thể quản lý chặt chẽ được do vậy mới xảy ra đuối nước”, vị này nói.

Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT ở trẻ như ý thức trách nhiệm của gia đình đối với việc bảo đảm an toàn cho trẻ em chưa cao; bố mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự giám sát thường xuyên đối với trẻ.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, gia đình, cộng đồng về công tác phòng, chống TNTT trẻ em còn hạn chế; trẻ nhỏ thiếu các kỹ năng phòng, tránh tai nạn, thương tích.

Hinh 1
Một lớp dạy bơi cho trẻ em xã Đắk Wer hoạt động được là nhờ sự đóng góp của phụ huynh và sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn

Đặc biệt, trẻ em, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa đang thiếu các điểm vui chơi, giải trí, các sân chơi lành mạnh, an toàn; môi trường sống tại gia đình, nhà trường, cộng đồng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT cho trẻ em.

Ông Phan Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh cho biết, Đắk Nông là tỉnh miền núi nên có nhiều hệ thống ao, hồ, sông, suối. Ngoài ra, nơi đây còn có các đập thủy lợi, thủy điện, các ao hồ do người dân dùng để tích trữ nước tưới tiêu cho cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... Tất cả đều tiềm ẩn cao nguy cơ dẫn đến TNTT đuối nước ở trẻ em.

Toàn tỉnh Đắk Nông đang có khoảng 201.631 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 29,2% tổng dân số, nhưng năm nay chỉ có khoảng 170 triệu đồng dành cho công tác trẻ em.

Trong khi số vụ TNTT ở trẻ có chiều hướng gia tăng thì nguồn lực dành cho hoạt động phòng, tránh TNTT lại hạn chế. Toàn tỉnh Đắk Nông đang có khoảng 201.631 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 29,2% tổng dân số, nhưng năm nay chỉ có khoảng 170 triệu đồng dành cho công tác trẻ em. Gần một nửa trong số này là kinh phí dành cho học bơi, số tiền còn lại để thực hiện in ấn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền và lắp đặt biển cảnh báo.

“So với các lĩnh vực khác, kinh phí dành cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em rất hạn chế. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em của tỉnh Đắk Nông đã giải thể nên việc huy động các nguồn lực dành cho trẻ em cũng bị ảnh hưởng. Hiện quỹ còn khoảng 500 triệu đồng, giao cho Sở LĐTB-XH quản lý để thực hiện một số hoạt động chăm lo cho trẻ em”, ông Phan Văn Quốc cho hay.

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông nói thêm, thực tế hiện nay, các ngành chức năng, địa phương chưa thể thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh TNTT trẻ em. Để hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống TNTT trẻ em. Giải pháp cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng các khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, trang bị kỹ năng cho trẻ thông qua hình thức dạy bơi miễn phí...

Xuất phát từ tình hình thực tế, tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính bố trí cho công tác phòng, chống TNTT ở trẻ em còn thấp so với yêu cầu, mới đây Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đề nghị Cục Trẻ em, Bộ LĐTB-XH quan tâm, xem xét, hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Có thể thấy, hàng loạt nguyên nhân đan xen, tạo nên bức tranh u ám đã diễn ra rất nhiều năm tại Đắk Nông liên quan đến TNTT ở trẻ em. Để công tác phòng, chống TNTT ở trẻ em đạt hiệu quả cao, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt, mỗi gia đình cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ, nhất là vào dịp hè nhằm tránh các TNTT đáng tiếc xảy ra đối với trẻ em.

Đặng Dương