Chính trị

Trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023

Nhóm PV 22/06/2024 05:54

Hội đồng chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023 - Giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước đã trao 10 Giải A, 26 Giải B, 45 Giải C, 41 Giải Khuyến khích cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. Tác giả Dương Xuân Hạnh của Đài PTTH Đắk Nông, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông đoạt giải C với tác phẩm “Người giữ rừng bỏ rừng…?”.

Tối 21/6, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023 - Giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước trong năm, đã diễn ra trang trọng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự và phát biểu tại buổi Lễ.

Dự buổi lễ còn có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia. Các nhà báo lão thành, các đồng chí Uỷ viên Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

lam.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi đến các thế hệ nhà báo, người làm báo, công chúng báo chí trong, ngoài nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu cao quý, thiêng liêng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trải qua 99 năm ra đời, phát triển, đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Vượt qua mọi khó khăn thử thách, không nề gian khó, hy sinh, sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, các thế hệ nhà báo đã chung sức, đồng lòng xây dựng nên nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, của dân; cầu nối tin cậy của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân ta với bạn bè quốc tế. Trong quá trình đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, báo chí và đội ngũ những người làm báo đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, tích cực tuyên truyền, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, khơi dậy khát vọng cháy bỏng phát triển đất nước độc lập, phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.

Ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng 122 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - giải thưởng cao quý nhất của Hội nhà báo dành tặng các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất năm 2023. “Các tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII phản ánh bức tranh lao động sôi động của báo giới cả nước trong năm qua, đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo Việt Nam hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam” – Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.

a.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả

Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: Năm 2025, kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên", phải luôn thường trực lời Bác dạy: "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ viết", "tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được". Cùng với đó, phải kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.

Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao. Tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp quần chúng thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; giáo dục, hướng dẫn các giai tầng trong xã hội hành động theo chuẩn mực, đạo đức xã hội chủ nghĩa; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm cũng yêu cầu tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới và hấp dẫn về hình thức, hiện đại trong phương pháp thể hiện và phương thức phát hành. “Các tác phẩm báo chí phải không ngừng giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam; định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” – Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

b.jpg
Các tác giả nhận giải B

Chủ tịch nước đề nghị báo chí cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số. Xác định rõ mục tiêu, lộ trình, triển khai chuyển đối số mạnh mẽ và có kết quả cụ thể. Chú trọng thúc đẩy tất cả các yếu tố trong các giai đoạn của chuyển đổi số báo chí, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số, nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng rằng, tiếp nối truyền thống 99 năm ra đời và phát triển, với kinh nghiệm, bản lĩnh, ý chí, đội ngũ những người làm báo - lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó.

c.jpg
Các tác giả nhận Giải C

Ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà, Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia nhấn mạnh: 99 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng dân tộc. Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước từ khi có Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao vai trò, những thành tựu và sự đóng góp to lớn của báo chí trong suốt những năm qua.

Tiếp nối truyền thống đó, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như vũ bão cùng sự thay đổi về cách thức tiếp nhận thông tin của người dùng, phát huy hơn lúc nào hết năng lực, phẩm chất những người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp cần phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam, đổi mới mạnh mẽ, đảm bảo chất lượng nội dung, hình thức, phương thức chuyển tải; đổi mới quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm, cá nhân hoá và mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.

minh.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia phát biểu tại buổi lễ

Trong năm qua, báo chí đã phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược phát triển đất nước nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; phát hiện ra các mô hình phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cập tới những vấn đề, những điểm nghẽn của nền kinh tế; đề cập trực diện những vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội...

Cùng với đó, nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chân thực, bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng của xã hội; nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Người làm báo đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp. “Và điều đáng mừng là nhiều tác phẩm xuất sắc trong số đó sẽ được vinh danh trong lễ trao Giải hôm nay” – Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Năm nay là năm thứ XVIII Giải Báo chí Quốc gia được tổ chức với số lượng tác phẩm dự giải đạt ở mức cao nhất trong những năm gần đây là 1.905 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội nhà báo trong cả nước. Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm Sơ khảo, Chung khảo được tiến hành đúng theo Hướng dẫn, Điều lệ Giải, khách quan, công tâm, hiện đại và chuyên nghiệp.

Hội đồng Chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo, và quyết định trao 10 Giải A, 26 Giải B, 45 Giải C, 41 Giải Khuyến khích, theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện, đặc biệt có nhiều tác phẩm không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương mà các cơ quan báo chí địa phương đã ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, thu hút và tạo ra trải nghiệm mới, hấp dẫn công chúng báo chí quan tâm và cùng tương tác.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 10 Giải A, 26 Giải B, 45 Giải C, 41 Giải Khuyến khích cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải.

Danh sách các tác phẩm đoạt giải A, Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023

1. Loạt 5 bài “Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử” của tác giả: Lê Thị Thanh Hà (Nguyên Đức) – Chi hội Nhà báo Báo Đầu tư.

2. Loạt 3 bài “Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tác giả Lê Hải –Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản.

3. Loạt 3 bài “Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt”” của nhóm tác giả Bùi Thanh Hải, Nguyễn Thanh Sơn – Báo Nông thôn ngày nay, Liên chi hội Nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

4. Tác phẩm “Trở về” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Phạm Huân, Nguyễn Quỳnh Hoa – Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

5. Loạt 3 bài “Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số “bị nhốt” trong kho bạc?” của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu (Đình Thiệu), Nguyễn Long Phi (Long Phi) – Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

6. Tác phẩm “Nỗi đau của sông mẹ” của nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn (Anh Tuấn), Chu Sỹ Thanh (Chu Thanh) – Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

7. Tác phẩm “Hiệp định Paris - Khát vọng hoà bình” của nhóm tác giả Nguyễn Thu Yến, Phan Thị Hoài, Đặng Thị Hải Bằng, Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Đức Dân –Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

8. Loạt 2 bài “Hồ Chí Minh – Con đường phía trước” của nhóm tác giả Ngô Quang Thịnh, Vũ Quang Lãm, Phạm Ngọc Lan, Trương Ngọc Dũng, Vũ Nguyễn Thành Khôi – Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

9. Loạt 5 bài “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Nguyễn Hoài Nam – Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

10. Loạt 3 bài “Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh” của nhóm tác giả Hoàng Văn Chiên, Đỗ Doãn Hoàng, Phạm Sỹ Công, Nguyễn Đức Minh – Báo điện tử Dân Việt, Liên chi hội Nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Nhóm PV