Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua diễn đàn Quốc hội
Sáng 17/6, ngày làm việc đầu tiên (đợt 2), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Sáng 17/6, ngày làm việc đầu tiên (đợt 2), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Phiên thảo luận đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, với đa phần các ý kiến cơ bản thống nhất với chủ trương xây dựng dự án quan trọng này. Báo Đắk Nông trích đăng ý kiến đại biểu từ diễn đàn Quốc hội.
ÔNG PHẠM VĂN HÒA, ĐBQH TỈNH ĐỒNG THÁP
Về sự cần thiết của dự án, tôi rất thống nhất theo báo cáo Tờ trình và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Phải nói rằng đoạn đường này cũng cực kỳ quan trọng trong việc nối đường cao tốc ở phía Bắc cũng như phía Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Con đường này cũng là một huyết mạch của các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, cho nên tôi nghĩ rằng xây dựng đường cao tốc này rất cần thiết và tôi rất đồng tình.
Về quy mô và dự án đầu tư, tôi nghĩ rằng đây là một phương án hết sức cầu thị và hết sức quan trọng. Cho nên ngoài đầu tư từ ngân sách Nhà nước thì cũng phải sử dụng từ phương thức đối tác công - tư theo quy định và được cơ chế đặc thù đối với đoạn đường này. Ví dụ phương thức công - tư thì Nhà nước đầu tư không quá 70% về ngân sách Nhà nước, còn lại của nhà đầu tư. Tôi nghĩ đây là một phương thức có khả năng nhà đầu tư sẽ tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, trong dự án đầu tư có một số đoạn đề nghị cân nhắc, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa trong quy hoạch không phải như vậy mà do điều kiện tiền nong hoặc như thế nào đó nên quy hoạch chỉ xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, đoạn này là 2km nối với đoạn đầu của TP. Hồ Chí Minh. Tôi đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, xem xét có thể nâng cấp đoạn đường này cùng một tuyến với nhau là 4 làn xe như đoạn của Gia Nghĩa - Chơn Thành. Tôi đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải có nghiên cứu, đầu tư trường hợp này cho hợp lý.
BÀ ĐIỂU HUỲNH SANG, ĐBQH TỈNH BÌNH PHƯỚC
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa của Đắk Nông và Chơn Thành của Bình Phước nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, từ năm 2021 đến năm 2030 và đã được định hướng đầu tư tại các Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Khi hệ thống giao thông phát triển, nó là tiền đề tạo đà phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Theo quy hoạch, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây và là trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Việc đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu rất rõ và đánh giá rất sát với tình hình thực tiễn. So với hướng tuyến tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì hướng tuyến đề xuất của dự án có một số thay đổi nhằm tối ưu hơn trong công tác thi công, khai thác và tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy về kinh tế - xã hội cho địa phương.
Dự án cũng bảo đảm cơ bản và phù hợp với các quy hoạch có liên quan, các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất và cũng đã đánh giá kỹ việc hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, trong đó có việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, cũng đã đánh giá tác động của việc đầu tư dự án đến các dự án BOT hiện hữu để phù hợp, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người dân và doanh nghiệp.
ÔNG NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, ĐBQH TỈNH ĐẮK NÔNG
Trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội đã thể hiện những nội dung quy định tại Nghị quyết 106 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và để phù hợp với địa bàn Tây Nguyên, nơi có quy hoạch bô xít chiếm diện tích rất lớn và các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tận thu khoáng sản khi triển khai dự án sẽ gây ra những vướng mắc và rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các dự án trên địa bàn nhằm đơn giản hóa thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong thời gian chờ sửa Luật khoáng sản thì trước mắt thực hiện cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép tại các nghị quyết của Quốc hội như ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Tôi kiến nghị các nội dung sau với Quốc hội để đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các diện tích nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực thì được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù như sau:
Thứ nhất, đối với khu vực chưa có giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, nhà thầu thi công dự án được lựa chọn để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, không thông qua đấu giá, hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và không phải thực hiện các thủ tục về cấp phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khoáng sản và thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và nhà thầu thi công phải lập bản đăng ký, kế hoạch khai thác, nội dung bảo vệ môi trường và giao UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông xác nhận kế hoạch khai thác nội dung bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường.
Thứ hai, đối với khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn khai thác thì được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án và không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản điều chỉnh, thực hiện các thủ tục về thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản khi nâng công suất và việc khai thác khoáng sản để phục vụ triển khai dự án như tôi đã kiến nghị ở trên là không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản.
ÔNG TRẦN VĂN TIẾN, ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ. Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội nên Chính phủ trình Quốc hội là phù hợp.
Về giải phóng mặt bằng và tái định cư, đề xuất giải phóng mặt bằng và tái định cư một lần theo quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang đường 6 làn xe, tôi đồng tình với đề xuất của dự án.
Về hướng tuyến trắc dọc và trắc ngang, Hướng tuyến cơ bản phù hợp với quy hoạch được duyệt, tuy nhiên một số đoạn, tuyến dự kiến có sự điều chỉnh cục bộ so với quy hoạch đã được phê duyệt đến nay chưa được điều chỉnh nên chủ đầu tư cần lưu ý và triển khai điều chỉnh cục bộ trước khi dự án được phê duyệt. Trắc dọc và trắc ngang đã bám sát vào tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cấp đường và vận tốc thiết kế.
Về vị trí trắc dọc tuyến giai đoạn 1, tư vấn đưa ra 3 phương án lựa chọn vị trí trắc dọc tuyến và lựa chọn phương án 2, tức là tim tuyến trắc dọc giai đoạn 1 trùng với tim tuyến khi hoàn chỉnh 6 làn xe. Tôi không tán thành với phương án này bởi phương án này gây lãng phí cho đầu tư ở cả 2 giai đoạn.
Một, phải đầu tư mới giai đoạn 1 và phá bỏ toàn bộ các công trình an toàn giao thông ở 2 bên cao tốc khi đầu tư ở giai đoạn 2. Hai, khi đầu tư giai đoạn sau khó thi công vì mỗi bên chỉ còn một làn xe. Ba, ảnh hưởng đến sự kết nối giữa các nút giao ở 2 phía của đường cao tốc v.v..
Do vậy, tôi đề nghị giai đoạn 1 nên đầu tư hoàn chỉnh về một bên theo quy hoạch. Hiện tại, một số tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực hiện theo phương án này.
ÔNG TRÌNH LAM SINH, ĐBQH TỈNH AN GIANG
Thứ nhất, về thời gian triển khai và hoàn thành của dự án. Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án này có thời gian chuẩn bị là năm 2023-2024, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ năm 2024-2025, thi công từ năm 2025 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2026. Như vậy, các công việc này sẽ gối đầu lẫn nhau để trong khoảng 2,5 năm, chúng ta phải hoàn thành toàn bộ công việc từ xây dựng cho đến đưa vào vận hành. Theo tôi, vấn đề này hơi khó khả thi bởi một số lý do. Hiện giờ đã gần cuối tháng 6/2024. Quốc hội chúng ta vẫn đang tiếp tục bàn thảo về chủ trương này. Trong khi đó, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc khác cho thấy vấn đề chúng ta giải tỏa, hỗ trợ tái định cư rất phức tạp và sẽ mất thời gian, trong khi dự án này có diện tích đất thực hiện khoảng 1111 ha đất các loại, như đất nông nghiệp, đất rừng, đất thổ cư, đất trồng lúa, v.v với khoảng 1229 hộ bị ảnh hưởng. Như vậy, có thể thấy thủ tục để chúng ta chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù tái định cư có khối lượng công việc rất lớn, trong khi tờ trình lại đề xuất đất sạch cho toàn tuyến cho cả giai đoạn 2, có nghĩa cả 6 làn xe hoàn thiện. Như vậy chúng ta phải rất quyết liệt thì mới có hy vọng hoàn thành được công trình trọng điểm này.
Về thời gian, thực hiện đến hết tháng 1/2026 theo quy định đối với vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tôi rất thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 để thực hiện các dự án này.
ÔNG NGUYỄN CÔNG LONG, ĐBQH TỈNH ĐỒNG NAI
Về phương thức bố trí vốn, chúng ta vẫn theo kinh nghiệm của các dự án trước, đó là cả vốn trung ương, vốn địa phương và một phần của nhà đầu tư, trong đó vốn bố trí từ ngân sách địa phương chúng tôi cho rằng khá lớn. Hiện nay đoạn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng theo phương thức này. Với 2 tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh như Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai, lúc nào cũng đứng trong Top 5, Top 6 GRDP cả nước nhưng việc bố trí ngân sách địa phương cũng đang khó khăn. Theo Nghị quyết 59 năm 2022 của Quốc hội thì đã biết Đồng Nai được giao vốn đối ứng là 2.600 tỷ trong dự án đường cao tốc và khi bố trí cũng đã khó khăn chứ chưa nói đến tỉnh Đắk Nông là 1 nghìn tỷ và Bình Phước là 1.233 tỷ. Chúng tôi cho rằng tính khả thi của việc này rất khó khăn, nếu không đảm bảo được thì cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Cho nên, chúng tôi cho rằng nếu như có thể được thì chúng ta đã bố trí theo phương thức vốn trung ương và vốn của nhà đầu tư và trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo yếu tố đầu tư công phải dẫn dắt, tức là vai trò nhà nước là dẫn dắt ở đây. Chúng tôi cho rằng bố trí 2 địa phương này dù nói là cam kết nhưng tôi chưa biết sẽ cam kết bằng cách nào vì ngân sách tự cân đối còn chưa cân đối được.
ÔNG TẠ VĂN HẠ, ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM
Ở đây tôi chỉ góp ý mấy nội dung mà tôi còn băn khoăn, băn khoăn là để cho chúng ta có những giải pháp tốt hơn, có nghĩa là để triển khai dự án này tốt hơn và hoàn thành đúng tiến độ.
Về nguồn vốn, chúng ta dùng nguồn tăng thu tiết kiệm chi thường xuyên của năm 2022, việc này tôi nhất trí, tuy nhiên có một nguồn vốn đó 1.500 tỷ đồng dự phòng của đầu tư công trung hạn thì dự phòng đầu tư công trung hạn của giai đoạn này đến năm 2025 kết thúc là để phục vụ cho việc có sự thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, có sự điều chỉnh, ví dụ tới đây chúng ta tăng lương, giá nhân công thay đổi, giá nguyên vật liệu thay đổi và trượt giá... Dự phòng là để phục vụ hoàn thiện hệ thống đầu tư công ở trong giai đoạn đó, nếu chúng ta chưa kết thúc giai đoạn này mà chúng ta đã tính dự phòng sẽ thừa ra. Chúng ta có thể sử dụng được thì cân nhắc cho kỹ về nguồn vốn này.
Nguồn vốn thứ hai là nguồn vốn của địa phương. Tôi thống nhất với anh Công Long vừa phát biểu, tôi rất phân vân, đặc biệt với những tỉnh còn khó khăn như Đắk Nông. Năm ngoái Đắk Nông chỉ thu được tổng 3.000 tỷ đồng, bây giờ trong 2 năm chuẩn bị 1.500 tỷ đồng là một vấn đề. Cho nên, nếu có thể được chúng ta tăng nguồn ngân sách của trung ương và nghiên cứu để hỗ trợ. Con số 1.500 tỷ đồng đối với những tỉnh khó khăn là tương đối khó khăn. Cho nên, chúng ta cân nhắc để tỉnh có thể bảo đảm được cân đối nguồn ngân sách của tỉnh để phục vụ cho dự án này.
ÔNG NGUYỄN TẠO, ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG
Chúng ta phải quan tâm và đề nghị Chính phủ phải quan tâm về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài thời gian kể từ khi đề xuất điều kiện thi công, rút kinh nghiệm của đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Qua đó, cần có sự phối hợp tính toán toàn diện, phải chủ động trong quản lý việc thực hiện quy hoạch, tránh bị trùng lặp giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, phát triển quy hoạch quốc gia và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên, quy hoạch vùng tỉnh so với quy hoạch của rừng tự nhiên với quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản hiện nay đã và đang bị chọn lọc rất nhiều do khi triển khai một việc mà có mâu thuẫn thì chúng ta sẽ ngồi rà soát lại, phần lớn mất rất nhiều thời gian và qua các hội đồng thẩm định quốc gia kéo dài từ 6 tháng, 9 tháng, chúng ta gần mất 1 năm kéo dài thủ tục, mà kéo dài thủ tục thì sẽ đội vốn. Đó là vấn đề chúng tôi băn khoăn.
Đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành được đầu tư khoảng 128,8km, trong đó tuyến đi qua địa phận Đắk Nông là 27,8km, đi qua địa phận Bình Phước là 101km, bao gồm 2km đường kết nối với đường Hồ Chí Minh, Chơn Thành - Đức Hòa. Chúng tôi xin đề nghị cơ chế giải phóng mặt bằng 4 làn rồi sau đó chúng ta tính toán, dự liệu, trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục làm để phù hợp với đơn giá, áp giá cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
ÔNG PHẠM VĂN THỊNH, ĐBQH TỈNH BẮC GIANG
Tôi cho rằng trong hợp đồng bắt buộc phải có một điều khoản về việc thu hẹp lại, rút ngắn lại thời gian thực hiện hợp đồng của dự án BOT này, trong trường hợp nào đó sẽ phải rút ngắn lại. Trước đây, khi chưa có Luật PPP, chúng ta cũng có những điều khoản đó và qua kiểm toán một số dự án đã được rút ngắn.
Tuy nhiên, theo Luật PPP mới chưa đề cập đến tình huống này mà chỉ giải quyết trường hợp khi doanh thu của dự án cao hơn từ 125% phương án tài chính thu hồi một dự án trở lên thì lúc đó Nhà nước mới được hưởng 50%, trường hợp thứ hai nếu doanh thu giảm 75% sau khi đã tính toán các yếu tố chi phí về giá, phí đường bộ và các yếu tố khác thì khi đó Nhà nước sẽ hỗ trợ 5% từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương nhưng chưa tính đến yếu tố trường hợp doanh thu dự báo của chúng ta quá lạc hậu so với doanh thu thực tế thì việc thu hồi, rút ngắn thời gian thực hiện dự án của hợp đồng PPP như thế nào, tôi cho rằng việc này cần được đề cập.
ÔNG NGUYỄN VĂN THẮNG, BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG-- VẬN TẢI
Hiện nay, theo phương án Bộ Giao thông - Vận tải đã trình Chính phủ xem xét sẽ có phương án, sau khi dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đi vào hoạt động, lúc đó chúng ta mới tính toán được mức độ ảnh hưởng đối với 2 dự án BOT song hành như thế nào để chúng ta đưa ra phương án.
Dự kiến chúng tôi sẽ đề xuất ra mấy phương án, một là có thể kéo dài thời gian thu phí, nếu trong trường hợp 2 dự án BOT trên Quốc lộ 14 bị ảnh hưởng nhưng vẫn bảo đảm được lưu lượng xe và vẫn bảo đảm được khả năng tài chính và có thể kéo dài ra thì chúng ta sẽ thực hiện phương án kéo dài và Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra. Trong trường hợp doanh thu quá giảm, lúc đó chúng tôi sẽ cân đối, xem xét để tính toán, trình Chính phủ để trình Quốc hội để chúng ta có thể dùng một phần ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho 2 dự án này và theo phương án các dự án sẽ tiếp tục thu phí.
Về tiến độ dự án, có đại biểu Quốc hội băn khoăn, nếu chúng ta kết thúc vào 2026 có khả thi không? Báo cáo các đại biểu Quốc hội, có lẽ dự án này chúng ta triển khai trong giai đoạn này cũng là một thuận lợi khi chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai rất nhiều các dự án đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc.
Thời gian để triển khai xây dựng dự án này, chúng tôi tính toán trên kinh nghiệm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 thì đâu đó chỉ tối đa khoảng 1,5 năm và 2 năm là quá dài. Nếu như đặt vấn đề năm 2025 chúng ta bắt đầu khởi công thì hết năm 2026, thời gian khoảng 2 năm thì chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành được dự án này.
Ví dụ, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 chúng ta khởi công ngày 1/1/2023, các dự án này có rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về vấn đề nguyên vật liệu, liên quan đến giải phóng mặt bằng, nhưng chúng tôi theo dõi thì tất cả những đoạn tuyến mà chúng ta giải quyết được câu chuyện mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và giải quyết được câu chuyện về nguyên vật liệu thì tối đa không quá 24 tháng, một số dự án sẽ khánh thành ngay từ giai đoạn 30/4/2025. Như vậy, chúng ta đã rút ngắn thời gian khoảng 8 tháng, dự án này khi nhà đầu tư thực hiện thi công xây dựng cơ bản sẽ không phải thực hiện việc đấu thầu lựa chọn đơn vị xây lắp cho nên sẽ rất thuận lợi.
Ngoài ra, về vấn đề giải phóng mặt bằng cũng đã được 2 địa phương chuẩn bị rất kỹ càng, sau khi Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo 2 địa phương tích cực giải phóng mặt bằng và dự kiến là sẽ khởi công trong năm 2024, tức là rất nhanh. Đặc biệt, dự án này là rất thuận lợi về nguyên vật liệu, hiện nay theo đánh giá dữ kiện, dữ liệu của 2 địa phương thì 2 địa phương đã bố trí đầy đủ các vị trí mỏ cộng với trữ lượng. Hiện nay các cơ chế đặc thù liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng Quốc hội đang dự kiến ban hành cũng rất thuận lợi, đó là vấn đề chỉ định thầu để xây dựng các khu tái định cư hay là vấn đề liên quan đến bố trí các mỏ nguyên vật liệu... tất cả những vấn đề này đều rất thuận.
Về cơ chế khai thác mỏ khoáng sản, vật liệu và đặc biệt liên quan đến quá trình triển khai thi công mà dự án có thể vướng mắc, liên quan đến các khoáng sản mà Nhà nước phải thu hồi theo các quy định. Về các nội dung này, về phía Chính phủ hết sức đồng tình với quan điểm của các đại biểu Quốc hội và ghi nhận. Cũng mong Quốc hội có nghiên cứu, xem xét để đưa vào nghị quyết để cho Chính phủ trong quá trình triển khai dự án được thuận lợi hơn.