Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Chính sách - Ngày đăng : 16:56, 13/06/2024
Chiều 12/6/2024, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 34, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham dự, thay mặt Cơ quan soạn thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.
Bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ là phù hợp
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội cho biết, về bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (điểm b khoản 3 điều 1), Thường trực UBQPAN thấy rằng, quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê các đối tượng cảnh vệ cụ thể là thống nhất với kết luận của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Dự thảo Luật bổ sung người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư là đối tượng cảnh vệ là phù hợp và không mâu thuẫn với quy định tại Quy chế làm việc của Ban Bí thư. Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại quy định về đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong dự thảo Luật và không bổ sung quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư.
Bố trí lực lượng Cảnh vệ
Về lực lượng Cảnh vệ, Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, luật hiện hành quy định lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; đồng thời quy định trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác cảnh vệ và tổ chức thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh công tác cảnh vệ của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, phối hợp với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác cảnh vệ trên địa bàn. Các quy định này đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay, với số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, nhu cầu thành lập các đơn vị cảnh vệ cấp đội thuộc đơn vị cấp phòng của Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết, trên cơ sở bố trí, điều chỉnh các biên chế hiện có, không làm phát sinh tổ chức, biên chế.
Các đại biểu dự phiên họp. |
“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại nội dung quy định của Luật Cảnh vệ hiện hành để tạo sự thống nhất ngay trong dự thảo Luật và bảo đảm thống nhất với quy định của các luật khác có liên quan; đồng thời, bổ sung cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ thuộc đơn vị cấp phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ như tại khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp khi có đề nghị
Về đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật đã bao quát, đầy đủ và thực hiện ổn định trong thời gian qua, thể hiện được vị thế, vai trò Việt Nam trong quan hệ quốc tế; bảo đảm an ninh, an toàn, tạo sự tin tưởng của bạn bè quốc tế về môi trường an ninh, an toàn của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại. Đối với các khách quốc tế không thuộc một trong hai nhóm đã được quy định trong Luật, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp khi có đề nghị của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh.
“Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên hai nhóm khách quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật này) và chỉnh sửa về kỹ thuật văn bản cho phù hợp” – Chủ nhiệm UBQPAN nêu.
Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định trong Luật Cảnh vệ, Thường trực UBQPAN cho rằng: Theo quy định của pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Do đó, việc dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH và công tác cảnh vệ.
Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định trong Luật Cảnh vệ, Thường trực UBQPAN cho rằng: Theo quy định của pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Do đó, việc dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH và công tác cảnh vệ.
Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại phiên họp. |
Thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cảnh vệ
Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ, Thường trực UBQPAN cho rằng, thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ đối với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều kiện về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật. Nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác nhau về thể chế chính trị; khác nhau về quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ, quy định quản lý, sử dụng vũ khí; một số hoạt động của đoàn ngoài chương trình đã thống nhất nên các nước không thực hiện biện pháp cảnh vệ…
Do đó, cần phải có cơ chế cho lực lượng Cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài (không phải trong nước) trong trường hợp bất khả khảng là khi đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị kỹ thuật mang theo mà không đáp ứng được yêu cầu của công tác cảnh vệ.
Do đó, cần phải có cơ chế cho lực lượng Cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài (không phải trong nước) trong trường hợp bất khả khảng là khi đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị kỹ thuật mang theo mà không đáp ứng được yêu cầu của công tác cảnh vệ.
“Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài là phù hợp, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu.
Nhất trí với ý kiến cơ quan soạn thảo, thẩm tra
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đều đánh giá hồ sơ Luật được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị rất tốt, tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình với tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, khẳng định, các ý kiến thảo luận tại tổ, tại hội trường đều được tiếp thu giải trình thấu đáo. Về nội dung các ý kiến khác nhau, Tổng Thư ký Quốc hội nhất trí với giải trình, đề xuất của UBQPAN.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cũng bày tỏ nhất trí với quan điểm của Cơ quan thẩm tra, đề nghị bổ sung đối tượng đề nghị biện pháp cảnh vệ là Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, để khi Quốc hội tiếp khách quốc tế thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cũng thống nhất việc thuê phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cảnh vệ khi nguyên thủ nước ta ra nước ngoài, nhất là các thiết bị kỹ thuật để đảm bảo an toàn của Đoàn. “Tuy nhiên không phải lúc nào Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cũng đi cùng đoàn ra nước ngoài, có thể Phó Tư lệnh đi. Chính vì vậy, tôi đề nghị quy định như thế nào cho phù hợp, tránh quy định cứng chức danh, sau này sẽ khó xử lý” – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đánh giá công tác chuẩn bị dự án Luật Cảnh vệ rất tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nói về thành lập đội Cảnh vệ ở Công an địa phương khi có yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần viết rõ để các đại biểu hiểu. Theo đó, quy định lực lượng Cảnh vệ thành lập ở Bộ, khi cần mới thành lập đội Cảnh vệ ở Công an tỉnh, quân số lấy từ các đơn vị. Đây không phải là lực lượng có biên chế chính thức, chỉ thành lập khi có yêu cầu, có thể lấy từ các lực lượng khác như: giao thông, trật tự, bảo vệ an ninh…
Chỉ thành lập đội Cảnh vệ ở Công an tỉnh khi có yêu cầu
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu. |
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của đại biểu, nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình của UBQPAN của Quốc hội về các vấn đề lớn: đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ, thuê thiết bị kỹ thuật khi thực hiện biện pháp cảnh vệ ở nước ngoài... “Các vấn đề này nằm trong ý kiến tham gia của đại biểu qua thảo luận tại hội trường và tại tổ, Ban soạn thảo nhất trí tiếp thu. Hôm nay, các đại biểu nêu một số nội dung, chúng tôi cơ bản đồng tình và tiếp thu, chỉnh sửa hợp lý trong Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá các ý kiến thảo luận cơ bản nhất trí với các báo cáo của dự án Luật và đề nghị UBQPAN tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu giải trình rõ hơn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, về đối tượng cảnh vệ, cần viết rõ là người giữ chức vụ chức danh Thường trực Ban Bí thư. Về đối tượng cảnh vệ khách đến thăm thì bổ sung thêm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội là đơn vị được đề nghị biện pháp cảnh vệ. Đối với các địa phương, hoặc Viện Kiểm sát, Toà án…, đề nghị các đồng chí tính toán nếu cần. “Chỉ thành lập đội Cảnh vệ thuộc phòng của Công an tỉnh khi có yêu cầu nhiệm vụ cảnh vệ. Tôi biết Bộ Công an có ý tưởng như thế, tức là lập đội Cảnh vệ khi có đối tượng cảnh vệ về địa phương chứ không phải một đội chuyên nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu viết như thế nào cho phù hợp” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.