Thị trường tài chính nước Pháp "thấp thỏm" trước thềm bầu cử
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:47, 21/06/2024
Quyết định kêu gọi một cuộc bầu cử sớm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể gây ảnh hưởng tới vị trí và triển vọng thị trường tài chính của Pháp trong tương lai.
Các công ty tài chính toàn cầu như ngân hàng JP Morgan Chase&Co và ngân hàng Bank of America Corp đã chuyển hàng tỷ USD tài sản và hàng trăm nhân viên đến Paris trong những năm qua, với kỳ vọng rằng thủ đô của Pháp vào một ngày nào đó sẽ sánh ngang với London trong vai trò là trung tâm tài chính châu Âu.
Tổng thống Macron ước tính sự gia nhập của giới tài chính toàn cầu sẽ tạo thêm hơn 7.000 việc làm cho người dân Pháp.
Xu hướng này chắc chắn không thể bị đảo ngược trong ngắn hạn. Nhưng với những rủi ro biến động chính trị đang diễn ra ở Pháp, một số chủ ngân hàng chia sẻ họ cảm thấy lo lắng về các rủi ro có thể xảy ra, như giấy phép làm việc và thuế.
Các nhà giao dịch đang lên kế hoạch ứng phó với trường hợp giao dịch bị đình chỉ, trong khi các công ty đầu tư cảnh báo về những hậu quả kinh tế có thể rất lớn, nếu các biện pháp cực đoan được áp dụng.
Thị trường chứng khoán Pháp trong những ngày gần đây liên tiếp ngập trong “sắc đỏ,” rất nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng bị sụt giảm, cùng chiều với trái phiếu chính phủ Pháp.
Kết quả của cuộc bầu cử sớm, bắt đầu từ ngày 30/6, sẽ quyết định hướng đi của nền chính trị Pháp và có lẽ cả chính sách kinh tế.
Ngày càng nhiều lo ngại cho rằng nền kinh tế Pháp sẽ rơi vào sự không ổn định và hệ thống tài chính công xấu đi, thể hiện qua sự mất giá của các cổ phiếu ngân hàng.
Cổ phiếu của Credit Agricole SA và BNP Paribas SA, những ngân hàng lớn nhất Pháp, đã bị “bốc hơi” khoảng 9% giá trị kể từ ngày 9/6, sau khi ông Macron tuyên bố giải tán Quốc hội và chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm, đáng chú ý cổ phiếu của ngân hàng Societe Generale SC đã bị giảm tới 14%.
Chuyên gia Francesco Galietti, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Policy Sonar có trụ sở ở Rome, Italy nhận định sự không chắc chắn liên quan tới cuộc bầu cử của Pháp đã khiến cộng đồng tài chính rơi vào trạng thái “chờ xem.”
Mặc dù vậy, các công ty tài chính và ngân hàng đã lựa chọn chuyển từ London sang Paris sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) cho biết họ không có ý định thay đổi bất cứ điều gì, ít nhất là trong ngắn hạn.
Một số nguồn tin thân cận trong ngành tài chính Pháp nói, các khoản đầu tư được thực hiện với tầm nhìn dài hạn và do đó không bị ảnh hưởng bởi sự mất ổn định nhất thời trong hiện tại.
Bên cạnh những lo lắng liên quan tới hoạt động “mua lại” trong lĩnh vực ngân hàng, một số nguồn tin cho biết thêm sự bất ổn chính trị, nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng đến hoạt động săn lùng nhân tài và nỗ lực tuyển dụng của một số ngân hàng quốc tế, vốn đang trong quá trình tăng cường hoạt động tại Paris.
Trong số những ngân hàng cho vay lớn nhất ở Paris có JPMorgan, hiện có khoảng 900 nhân viên. Bank of America là một trong những ngân hàng Mỹ đầu tiên công bố kế hoạch thành lập cơ sở kinh doanh và văn phòng giao dịch cho khu vực châu Âu tại Paris.
Trong năm 2023, số lượng nhân viên địa phương của Bank of America tại Pháp đã tăng từ khoảng 100 người lên 600 người. Tương tự, ngân hàng Citigroup Inc. đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên tại Paris lên khoảng 400 người.
Chuyên gia Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại ngân hàng ING Diba AG ở Frankfrurt (Đức) cho biết không loại trừ khả năng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính sẽ tìm cách chuyển từ Paris sang Frankfurt.
Rất có thể London sẽ được hưởng lợi khi các công ty bắt đầu xem xét lại về tiềm năng của trung tâm tài chính này.
Năm 2023, Chính phủ Anh đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế về lương tối thiểu tại địa phương áp dụng đối với các nhân viên ngân hàng.
Ông Bertrand Rambaud, Chủ tịch France Invest - một nhóm vận động hành lang cổ phần tư nhân, nhận định đối với các công ty đầu tư đang tìm cách huy động hàng tỷ euro tiền vốn của khách hàng để hoạt động trong dài hạn thì sự ổn định là chìa khóa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những lo ngại về thuế đánh vào tài sản và giao dịch mới, các công ty tài chính cũng đang tập trung theo dõi cách mà chính phủ tiếp theo của Pháp sẽ lên kế hoạch như thế nào để “lấp đầy” lỗ hổng ngân sách.
Ngày 19/6, Pháp và Italy đã bị Liên minh châu Âu (EU) nhắc nhở vì vi phạm quy định của Hiệp ước Bình ổn, để thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Vào tháng trước, cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings đã hạ điểm tín nhiệm của Pháp, đồng thời cảnh báo mức thâm hụt ngân sách sẽ vẫn nằm trên mức 3% GDP cho đến năm 2027.
Cơ quan giám sát tài chính của Pháp cho rằng chiến lược giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ thiếu sự mạch lạc và đáng tin cậy, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Chính phủ Pháp cần nỗ lực hơn nữa.
Tuần trước, chỉ số chứng khoán chuẩn CAC 40 của Pháp đã mất 6,2%, khiến Pháp “đánh rơi” vị trí là thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực tính theo giá trị vào tay Anh.
Theo cuộc thăm dò mới nhất của các nhà quản lý quỹ trong khu vực của Bank of America, đối với các nhà đầu tư, chứng khoán Pháp hiện kém hấp dẫn nhất ở châu Âu, một sự thay đổi lớn so với hồi tháng Năm khi cổ phiếu của nước này là lựa chọn hàng đầu của giới tài chính và Bank of America.
Tuy nhiên, chuyên gia Stephane Boujnah, nhà điều hành sàn giao dịch chứng khoán Euronext NV, cho rằng những lo ngại như vậy đã bị thổi phồng quá mức. Ông giải thích những quy định pháp luật của Pháp sẽ đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào sắp xảy ra sẽ không tạo ra những tác động tiêu cực lớn như một số người lo ngại./.