Lâm Đồng tập trung giải ngân vốn cho 2 dự án đường cao tốc
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 03:57, 20/06/2024
Tuyến đường cao tốc Liên Khương-Prenn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. |
Trong đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh khẩn trương, tập trung hoàn thiện hồ sơ liên quan 2 dự án đường cao tốc nêu trên; bám sát các bộ, ngành trung ương, kịp thời hoàn thiện các nội dung theo ý kiến thẩm định; rà soát khối lượng công việc đã thực hiện, khẩn trương lập thủ tục thanh toán theo quy định, làm cơ sở giải ngân vốn được bố trí trong kế hoạch năm 2024.
Các địa phương liên quan phối hợp các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các khu dân cư, tái định cư phục vụ tái định cư cho 2 dự án đường cao tốc. Hiện 2 dự án đường cao tốc nêu trên đang được địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục để khởi công trong năm 2024.
Đắk Nông ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm ở người
Theo thông tin từ Sở Y tế Đắk Nông, tính đến hết tháng 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 15/44 bệnh truyền nhiễm với 1.334 trường hợp mắc bệnh, ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Đắk Mil, 48 ổ dịch tại 7 huyện, thành phố; trong đó, sốt xuất huyết 26 ổ dịch; thủy đậu 9 ổ dịch; tiêu chảy 8 ổ dịch; tay chân miệng 5 ổ dịch.
So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao như: Sốt xuất huyết 463 ca, tăng 164 ca; bệnh tay chân miệng 164 ca, tăng 132 ca; bệnh lao phổi 65 ca, tăng 15 ca; bệnh cúm 43 ca, tăng 4 ca.
Sở Y tế đã đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế, các đơn vị chuyên môn của tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về đợt giám sát phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm thường quy và nhiều đợt giám sát hỗ trợ phòng chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và tại các địa phương có số ca bệnh truyền nhiễm cao, nhất là các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tử vong cao.
Đào được gần 41m cửa trái hầm Phượng Hoàng Đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột
Ban Điều hành gói thầu XL01 Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột cho biết, sau hơn 1 tháng mở cửa trái hầm Phượng Hoàng - hạng mục thuộc Gói thầu XL01 Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã đào được gần 41m dài, trong đó hầm trái đào được 26,5m dài, hầm phải đào được 14,43m dài.
Liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đang đẩy nhanh việc đào hầm Phượng Hoàng đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. |
Theo tính toán của Ban điều hành dự án, đối với hầm trái có chiều dài 1.678,5m, dự kiến đến ngày 13/10/2025 là thông hầm, nhưng theo tiến độ đào hiện tại, dự kiến đến ngày 21/10/2025 sẽ thông hầm. Đối với hầm phải có chiều dài 1.685,565m, theo dự kiến, đến ngày 6/12/2025 sẽ thông hầm, còn theo tiến độ đào hiện tại, dự kiến đến ngày 7/12/2025 sẽ thông hầm.
Hỗ trợ nông dân canh tác lúa chất lượng cao
Từ năm 2022 đến nay, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã dành hơn 5 tỷ đồng triển khai cánh đồng lúa một giống chất lượng cao, diện tích 1.400 ha với 4.532 hộ tham gia. Vụ mùa 2024, huyện tiếp tục triển khai dự án cánh đồng lúa một giống chất lượng cao HN6, BC15 cho một số xã, tổng diện tích là 420 ha với 1.535 hộ dân tham gia; tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,66 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã triển khai dự án cánh đồng lúa một giống chất lượng cao tại tất cả các xã, thị trấn. Qua đánh giá, các giống lúa mới rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; cho năng suất cao hơn so với giống chủ lực HT1 khoảng 3-5 tạ/ha và cao hơn năng suất trung bình của toàn huyện 4-6 tạ/ha.
Giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền trung và Tây Nguyên
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền trung và Tây Nguyên.
Năm 2023, khu vực miền trung và Tây Nguyên có 1.170 cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm về môi trường với số tiền xử phạt hơn 30,2 tỷ đồng... So với kết quả giao ban năm 2023, tỷ lệ nước thải sinh hoạt của các đô thị được thu gom và xử lý tăng từ 42,69% lên 43,93%; 8/16 tỉnh, thành phố có 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 47/61 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 33/61 khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục.
Tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trên địa bàn khu vực miền trung và Tây Nguyên đạt 93,7%. Nhiều mô hình, cách làm hay và kinh nghiệm đã được thể hiện trong thực tiễn trong công tác kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp và địa phương được triển khai hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường.