Châu Phi nâng tầm vị thế
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:05, 19/06/2024
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (giữa) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi ở Seoul ngày 4/6/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) |
Khoảng một năm trước, nêu ý kiến về việc các nhà lãnh đạo châu Phi có thể không cần phải ra nước ngoài để tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa châu Phi và quốc gia đối tác, Tổng thống Kenya William Ruto cho rằng, để đại diện châu lục, dường như chỉ cần lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) và những người đứng đầu cộng đồng kinh tế khu vực là đủ. Nhưng rồi chính Tổng thống Kenya William Ruto đã cùng khoảng 24 nhà lãnh đạo và các đại diện 23 quốc gia châu Phi khác vừa đích thân dự Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi lần đầu tiên. Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, ông Ruto cũng có mặt tại Rome tham dự Hội nghị thượng đỉnh Italia-châu Phi.
Quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Phi có một số thay đổi, có thể là vì chiến lược hội nghị được cân nhắc kỹ lưỡng từ các nước chủ nhà như Hàn Quốc. Với chủ đề “Tương lai cùng kiến tạo”, Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-châu Phi nhấn mạnh ba mục tiêu chính là phát triển đồng hành, phát triển bền vững và đoàn kết. Chưa hết, Hội nghị tập trung sáu lĩnh vực hợp tác trọng điểm mà Lục địa Ðen đang ưu tiên là thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, đối phó thách thức toàn cầu, hòa bình và an ninh.
Tại Hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết 14 tỷ USD vốn vay ưu đãi cho các công ty Hàn Quốc để thâm nhập thị trường châu Phi và thêm 10 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức cho châu Phi cho tới năm 2030. Nhưng quan trọng hơn, nhà lãnh đạo Hàn Quốc không giấu giếm điều mà quốc gia Ðông Bắc Á mong đợi từ mối quan hệ này, đó là hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Ðây chính là thứ Seoul cần cho phát triển công nghệ tiên tiến, sản xuất xe điện, pin và chất bán dẫn để xuất khẩu.
Nhờ hàng loạt cam kết đưa ra, đề xuất của Hàn Quốc được lắng nghe. Các đại diện quốc gia châu Phi cùng nước chủ nhà tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác về khoáng sản. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc thông báo, nước này đã ký các thỏa thuận với Tanzania và Madagascar, hai trong số hàng chục văn bản hợp tác giữa nước chủ nhà và các quốc gia khách mời được công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh.
Chiếm tới 30% nguồn tài nguyên khoáng sản của thế giới, châu Phi ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về nhiều loại khoáng sản trở nên cấp thiết. Không chỉ do áp lực toàn cầu ngày càng tăng trong việc đẩy nhanh tiến trình phi các-bon hóa để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, mà còn vì cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, việc tiếp cận các khoáng sản quan trọng trở thành mục tiêu cấp bách với nhiều quốc gia. Lục địa đen còn thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm nhờ vị trí địa chiến lược quan trọng cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ, với thị trường tiêu dùng lớn và lực lượng lao động được dự báo đông đảo nhất thế giới trong thập niên tới.
Khi cả Nga, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia dầu mỏ Vùng Vịnh đều thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược kết nối với châu Phi, Lục địa Ðen từ chối hình ảnh “châu lục nhận viện trợ” để yêu cầu hợp tác bình đẳng và có được tiếng nói lớn hơn.
Năm 2023, AU đã soạn thảo Chiến lược Ðối tác châu Phi và khung chính sách về quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế. Trong đó, đối với các hội nghị thượng đỉnh giữa châu Phi và đối tác, AU nhấn mạnh yêu cầu nêu rõ quan điểm và kỳ vọng của châu Phi. Kế hoạch hành động cho mỗi hội nghị thượng đỉnh cũng đã được đề xuất.
Khung chính sách trên vẫn chờ được xem xét thông qua, để phù hợp vị thế đang lên của châu Phi. Các bên hy vọng, những điều khoản mới sẽ được thảo luận một cách toàn diện, bảo đảm lợi ích lâu dài cho toàn châu lục. Hiện tại, việc các lãnh đạo châu Phi trực tiếp tìm kiếm thỏa thuận với các đối tác từ các hội nghị thượng đỉnh vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu.