Cách người trẻ vượt qua hội chứng “nỗ lực ảo”
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:21, 18/06/2024
Một người cháu của tôi đang học lớp 12, gấp rút chuẩn bị cho các kỳ thi đang đến gần, từng chia sẻ : "Hiện tại, cháu đang cảm giác thấy bản thân mình không còn một chút niềm tin nào cả! Cháu dành rất nhiều thời gian để học nhưng lại chẳng có kết quả tốt đẹp gì là mấy. Tham gia vào rất nhiều hội nhóm học tập, lưu được nhiều tài liệu hay ho nhưng chẳng có thời gian xem và dần dần bị lãng quên. Cháu đã chăm chỉ học tập, nhưng gặp những bài khó hay không phải dạng mình biết làm thì cháu lại thường để lại với dự định giải quyết sau, nhưng thường là bỏ qua và chưa bao giờ thực sự tìm cách để giải quyết triệt để".
Tôi đột nhiên nhận ra, một số người trẻ hiện nay đang mắc phải hội chứng "nỗ lực ảo" mà không hay biết gì. Họ lúc nào cũng "đầu tắt mặt tối" với những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn nhưng kết quả dường như chỉ dừng lại ở mức 20 - 30% mục tiêu.
Ranh giới mong manh giữa thực và ảo
Nỗ lực và nỗ lực ảo là 2 thái cực khác nhau nhưng lại khó để nhận ra đâu là nỗ lực, đâu là nỗ lực ảo. Người trẻ cần phải hiểu rõ hơn về 2 khái niệm này.
Nỗ lực chính việc cố gắng hết sức để làm một việc gì đó, kiên trì và chăm chỉ rất nhiều lần so với những gì có thể để theo đuổi những mục tiêu, đam mê của bản thân. Với những công sức bỏ ra, chắc chắn sẽ thu lại một kết quả mong muốn và nếu không thì vẫn thấy được sự tiến bộ tích cực.
Còn đối với nỗ lực ảo, đó chỉ là một loại cảm giác. Những người mắc chứng nỗ lực ảo luôn biết rằng mình cần phải nỗ lực và cảm giác bản thân đã vô cùng nỗ lực, chăm chỉ, nhưng sự thật thì đó mới chỉ là cảm giác của bản thân họ. Thay vì cố gắng kiên trì để làm tốt một việc gì đó thì họ dễ bị sao nhãng vào các hoạt động khác. Đôi khi là có làm, có thực hiện nhưng lại không tới nơi tới chốn. Đến lúc nhận kết quả thì lại thất vọng tràn trề, dẫn đến chán chường, mất niềm tin vào bản thân.
Vậy thì, đâu là nguyên nhân dẫn đến hội chứng này?
Những yếu tố bên ngoài có tác động rất lớn đến hội chứng nỗ lực ảo của người trẻ. Hiện nay, có quá nhiều người giỏi giang, có các thành tựu lớn trong xã hội ngay khi tuổi còn rất trẻ. Việc này vô tình gây ra những áp lực cho một số bộ phận người trẻ, nóng vội mà sinh ra nỗ lực ảo.
Bản thân luôn không ngừng so sánh bản thân mình với những người khác, mong muốn có được những thành tựu như người khác nhưng vẫn chưa xác định bản thân mình năng lực đến đâu, có được những thành tựu đó là gì hay bản thân mình có thích hay không.
Bên cạnh đó, thường sẽ có xu hướng mong muốn bản thân có được sự công nhận của người khác với sự nỗ lực, cố gắng của mình mà quên mất điều mà bản thân muốn đạt được có mục đích gì.
Đến cuối cùng, hệ quả là bỏ dở giữa chừng, tốn thời gian, tiền bạc và công sức. Khi kéo dài tình trạng này có thể dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức, tư duy và khi không đạt được kết quả thì lại đổ lỗi cho những lý do khách quan chứ không thực sự nhìn nhận lại bản thân.
Để nhận ra chứng "nỗ lực ảo" thì bản thân người trẻ phải nghiêm túc tự nhìn nhận và đánh giá lại năng lực cũng như mục đích cuối cùng khi thực hiện công việc đó là gì.
Ranh giới giữa nỗ lực và nỗ lực ảo rất mong manh, nhưng chỉ cần chú tâm đến thì điều này lại làm cho việc nhận biết cũng trở nên dễ dàng. Mua sách nhiều nhưng không có thời gian để đọc cuốn nào, lưu hàng ngàn tài liệu nhưng không mở ra đọc, thức khuya dậy sớm nhưng phần lớn thời gian dành cho lướt web, nhắn tin, xem review phim,... chính là những dấu hiệu của người trẻ đang mắc phải "nỗ lực ảo". Nếu theo dõi một cách hời hợt hoặc viện cớ với những lý do "hợp lý" thì khó thể nhận ra.
Đâu là lối thoát cho người trẻ khỏi vấn đề?
Trước tiên, để vượt qua tình trạng này, người trẻ cần xác định được nguyên nhân mình gặp phải tình trạng này là gì rồi bắt đầu vạch ra những phương pháp đúng đắn, phù hợp với bản thân.
Việc cần làm khi đã nhận ra nguyên nhân là hãy dừng việc ôm đồm nhiều mục tiêu, hãy khách quan đánh giá năng lực bản thân và chọn 1 – 2 mục tiêu dài hạn hoặc ngắn hạn để lập kế hoạch. Như vậy, sự nỗ lực của bản thân sẽ có sự tập trung cao độ, không bị phân tâm cho quá nhiều yếu tố không phù hợp, ít nhất là tại thời điểm hiện tại.
Khi thực hiện mục tiêu, hãy xây dựng một kế hoạch chi tiết. Trong quá trình này, có lẽ sẽ có thể chỉ có một mình, rất dễ xao nhãng và nản chí, nhưng cũng đừng vì thế mà vội vàng ép kế hoạch diễn ra quá nhanh.
Hãy chia nhỏ nhiều bước thực hiện với lịch trình cụ thể, đặt ra kết quả cần đạt được ở mỗi bước để cảm nhận rõ hành trình đang được rút ngắn – và nhâm nhi tận hưởng hạnh phúc của mọi sự nỗ lực be bé xinh xinh đó, để tạo động lực, hứng khởi cho các bước tiếp theo.
Chặng đường dài với nhiều cố gắng có thể khiến người trẻ dễ nản lòng, hãy tìm cho bản thân một nguồn lực động viên để làm cháy lại ngọn lửa đam mê, tránh tình trạng chán nản, mệt mỏi rồi bỏ cuộc giữa chừng hoặc tạm gác lại vô thời hạn. Hoặc có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, người thân cho những khó khăn mang tính nhất thời…
Tất nhiên, người trẻ hãy ngừng ngay việc so sánh với người khác! Đó có thể là động lực truyền cảm hứng nếu chúng ta nhìn với cái nhìn tích cực, nhưng ở chiều ngược lại, nó lại là áp lực vô cùng lớn nếu như cứ chăm chăm vào thành công của người khác rồi áp đặt lên bản thân.
Con đường thành công chưa bao giờ là bằng phẳng với bất kì ai, kể cả với những người sinh ra đã ở "vạch đích"! Tony Schwartz, Jean Gomes, Catherine McCarthy đã viết: "Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh". Vì thế, hãy đủ thông minh để không vướng vào chứng "nỗ lực ảo" lúc nào không hay. Và một việc rất quan trọng là bản thân, bên cạnh việc nỗ lực "hết ga, hết số" thì phải quan tâm tâm sức khỏe thể chất và tinh thần, tập trung hoàn thiện bản thân theo lối lành mạnh nhất.
Tiến sĩ khoa học giáo dục Phạm Hồng Bắc
Chuyên gia giáo dục Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục AES