ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: Đề nghị sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình MTQG
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 17/6, đại biểu thảo luận tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tham gia thảo luận ở nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: mục đích Chính phủ trình Quốc hội nội dung này là nhằm giải quyết một số khó, vướng mắc khi thực hiện. Tuy nhiên, Chính phủ không có đề nghị sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được Quốc hội phê duyệt tai các Nghị quyết số 88/2019/QH14 và 120/2020/QH14. Để giải quyết khó khăn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án thành phần thuộc chương trình và giữa các chương trình (nếu thí điểm). Vậy nếu điều chuyển vốn sẽ làm thay đổi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các dự án thành phần chương trình.
Vì thế, nếu không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm tại kỳ họp này thì Chính phủ phải có giải pháp để thực hiện hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã được Quốc hội phê duyệt tại các nghị quyết 88 và 120. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn vướng mắc khi thực hiện chương trình này như quy định về đối tượng thụ hưởng tại Tiểu dự án 3, Dự án 5: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung phạm vi thực hiện Tiểu dự án 3: “Tỉnh, huyện có các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Bởi theo đại biểu, hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ( tương tự như các cơ sở giáo dục có trong nội dung bổ sung) nằm tại trung tâm huyện, thành phố không thuộc xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bổ sung là “Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên” danh sách đối tượng thụ hưởng của Chương trình cho phù hợp với thực tế.
Về điều chỉnh phạm vi đầu tư, Chính phủ đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. "Tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về bổ sung vốn đầu tư 4.142,8 tỷ đồng cho nội dung này. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần làm rõ kinh phí 4.142,8 tỷ đồng được sử dụng từ nguồn nào vì trong Nghị quyết 120 của Quốc hội đã quy định số vốn cụ thể", đại biểu Mai đề nghị.
Về một số nội dung liên quan đến các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, trong đó có nội dung chuyển Dự án số 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng dân tộc thiểu số vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Vì vậy, cần xem xét, rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm không bị trùng lặp, không bị chồng lấn trong việc bố trí nguồn vốn.