Kinh tế

Ai gỡ vướng đất đào đắp cho Đắk Nông?

Thanh Hà 16/06/2024 08:14

Khó khăn về thiếu vật liệu đất để đắp công trình đang là thực trạng chung của nhiều địa phương, các ngành, chủ đầu tư. Do vậy, Đắk Nông rất cần tháo gỡ sớm để triển khai các công trình, dự án lớn.

Tìm giải pháp điều phối đất nội bộ

Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Đây là công trình dự kiến hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 20 năm gày tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024).

Căn cứ vào khảo sát địa chất của Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa do Công ty TNHH MTV tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng (Bộ Quốc phòng) lập tháng 9/2022 thì đất san lấp cho quảng trường sẽ được khai thác từ dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông và Khu tái định cư Đắk Nur B.

dji_0666.jpg
Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa thiếu nguồn đất đắp hơn 1 năm nay

Đất san lấp từ 2 công trình này được xác định là đất dôi dư trong quá trình xây dựng. Các phần đất này có các yếu tố cơ lý, kỹ thuật bảo đảm đủ điều kiện để sử dụng làm vật liệu san lấp và khoảng cách vận chuyển tương đối gần (dưới 5km).

Thêm nữa, cả 3 dự án (Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa, Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông và Dự án Khu tái định cư Đắk Nur B) đều do Ban uản lý các dự án đầu tư xây dựng (BQLDA) tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

Việc điều phối đất san lấp giữa các công trình này cũng thuận tiện. BQLDA tỉnh Đắk Nông tận dụng đất dôi dư từ Dự án nâng cấp Bệnh viện a khoa tỉnh Đắk Nông để huy động đất đắp cho công trình quảng trường.

Theo lãnh đạo BQLDA tỉnh Đắk Nông, việc khai thác đất thừa từ Dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông đã được Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án thông qua và đã được phê duyệt vào tháng 7/2022. Thêm nữa, việc tận dụng đất là phù hợp với tình hình thực tế, vừa tránh lãng phí tài nguyên đất, vừa không tốn chi phí vận chuyển để đổ bỏ.

Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các dự án do BQLDA tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Giám đốc BQLDA tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, từ trước tới nay, tỉnh chưa có cấp phép mỏ vật liệu san lấp nào.

Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Trước tình hình trên, các đơn vị chủ đầu tư chủ động lập hồ sơ thiết kế dự án theo hình thức điều phối đất trong dự án hoặc các dự án với nhau.

anh 2
Nhiều dự án chủ động lập hồ sơ thiết kế theo hình thức điều phối đất trong dự án hoặc giữa các dự án với nhau

Tuy nhiên, khi BQLDA thực hiện việc điều phối đất ở Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa đầu năm 2023 thì bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.

Cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư phải làm các thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện mới được chở đất từ dự án này sang dự án khác. Từ đó tới nay, nhiều công trình, dự án cần đất đắp ở Đắk Nông bị chững lại, không thể thực hiện các phần việc tiếp theo.

Thủ tục cấp phép còn chậm trễ

Theo Sở TN-MT Đắk Nông, các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác đất san lấp công trình thì phải tiến hành đăng ký khối lượng, công suất, phạm vi khai thác.

Việc thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 53, Điều 54, Nghị định số 158 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Đây là một trong những yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII khi kiểm toán chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (báo cáo tháng 6/2022). Ngoài việc yêu cầu đăng ký khối lượng đất san lấp, các chủ đầu tư còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác theo quy định.

Đối với việc cấp phép khai thác, đào đắp giữa các công trình với nhau thì thủ tục phức tạp hơn. Trước hết, chủ đầu tư phải làm các thủ tục để cấp giấy phép khai thác đất san lấp tại công trình, dự án có đất dư. Chỉ khi nào được UBND tỉnh cấp phép thì chủ đầu tư mới được thực hiện các bước đào múc, vận chuyển…

dji_0627.jpg
Nhiều dự án giữa TP. Gia Nghĩa phải ngừng thi công vì không tìm được nguồn đất đắp có phép

Liên quan tới việc tận dụng, tận thu đất để đào, đắp, san lấp tại công trình xây dựng, Luật Khoáng sản 2010, các văn bản liên quan đã quy định rõ và Sở TN-MT đã có văn bản gửi chủ đầu tư, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố để hướng dẫn thực hiện, quản lý. Nhưng kết quả tới nay hết sức khiêm tốn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 11 công trình, dự án đã được xác nhận cho phép điều phối vật liệu san lấp trong nội bộ công trình. Trong số này, có 6 giấy phép còn hiệu lực với khối lượng đăng ký trên 360.000m3.

Đối với việc cấp phép khai thác đất san lấp, UBND tỉnh Đắk Nông mới chỉ cấp duy nhất 1 giấy phép khai thác khoáng sản cho BQLDA tỉnh.

Đơn vị này được cấp phép khai thác 22.645m3 đất nguyên khối tại Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông để đưa về phục vụ san lấp công trình Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Võ Văn Minh khẳng định, đơn vị có chức năng hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị chuyên môn thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Trách nhiệm trong việc đăng ký khối lượng hoặc làm các thủ tục cấp phép là của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

dji_0665.jpg
Việc cấp phép đất đào đắp công trình, dự án ở Đắk Nông thời gian qua rất chậm và gặp nhiều vướng mắc

Ông Minh chia sẻ: Nhiều đơn vị báo cáo là do “vướng” đất đắp nên không thể triển khai được công trình, dự án. Nhưng họ không nộp hồ sơ, không làm theo hướng dẫn của Sở TN-MT thì không đủ điều kiện để cấp phép. Sở TN-MT là đơn vị quản lý Nhà nước, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứ không thể làm thay cho họ hồ sơ được.

Ngoài việc chậm thực hiện các hồ sơ, việc đăng ký khối lượng và cấp phép khai thác đất làm vật liệu xây dựng ở Đắk Nông đang gặp khó khăn lớn.

Khó khăn này chính là việc nhiều dự án, công trình đang nằm trong quy hoạch bô xít theo Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chung tay để tháo gỡ

Giai đoạn trước năm 2020, tỉnh Đắk Nông không có quy hoạch mỏ đất san lấp công trình. Đây là thực trạng chung của nhiều tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác trong nước.

Việc thiếu đất san lấp là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều công trình, dự án lớn, đặc biệt là dự án giao thông trên cả nước bị chậm tiến độ.

Sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý khoáng sản tại địa phương, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khảo sát, điều tra về nhu cầu vật liệu san lấp.

Căn cứ vào đó, các sở, ngành chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các mỏ vật liệu san lấp để phục vụ cho các công trình, dự án.

Tỉnh Đắk Nông đã lập quy hoạch các mỏ đất làm vật liệu san lấp vào trong quy hoạch tỉnh. Theo Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông có 112 mỏ đất san lấp. Diện tích các mỏ quy hoạch là 1.053,57ha và tổng trữ lượng trên 79 triệu m3.

Sau khi rà soát, tỉnh Đắk Nông xác định có 51/112 mỏ đất san lấp “vướng” vào quy hoạch bô xít. Đối với vướng mắc này, thẩm quyền tháo gỡ là của Bộ TN-MT.

Hiện tỉnh Đắk Nông đã tổng hợp các mỏ này vào trong những khó khăn, vướng mắc đối với quy hoạch bô xít và đang trình Trung ương xem xét, tháo gỡ.

anh mo dat
Các mỏ đất san lấp mặt bằng đều phải làm quy trình để được cấp phép rồi mới khai thác

Do đó, chỉ có 61 mỏ đất san lấp với diện tích 550,19ha và trữ lượng trên 39,6 triệu m3 đủ điều kiện để làm các thủ tục cấp phép theo quy định.

Tuy nhiên, để mỏ đất có thể đi vào hoạt động cần không ít thời gian và cần sự chung tay của các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh, hiện nhà thầu tư vấn thực hiện quy hoạch tỉnh vẫn chưa hoàn thiện bản đồ về diện tích, vị trí các mỏ đất san lấp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông đang chủ trì cùng các sở, ngành đốc thúc đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ này trong tháng 6/2024. Khi bản đồ được ký thì Sở TN-MT mới thực hiện được trình tự, thủ tục cấp phép theo quy định.

Hiện nay, đất làm vật liệu san lấp được xác định là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản đối với các mỏ đất là của UBND cấp tỉnh. Và quy trình cấp phép mỏ đất san lấp hiện được thực hiện giống như các loại khoáng sản khác như cát, đá…

phat ngon ong minh

Do thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp, chưa phân loại đối tượng nên quy trình cấp phép vẫn phải thực hiện như các khoáng sản khác. Các mỏ đất sẽ phải tiến hành trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Sau khi đấu giá, đơn vị trúng đấu giá sẽ làm thủ tục cấp phép theo Điều 59, Luật Khoáng sản năm 2010. Bộ hồ sơ cấp phép sẽ đầy đủ các thành phần như: Đơn đề nghị cấp phép, bản đồ khu vực khai thác, quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Võ Văn Minh, tính chất của mỏ đất san lấp khác nên vẫn có thể rút ngắn thời hạn giải quyết nhưng vẫn phải bảo đảm thành phần hồ sơ, thủ tục.

do-hoa-trang-6(1).jpg

Nếu không tính thời gian đấu giá, Sở TN-MT sẽ nỗ lực rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để cấp phép xuống còn khoảng 154 ngày làm việc.

“Muốn rút ngắn thời gian thì đơn vị có nhu cầu phải tích cực thực hiện các hồ sơ theo hướng dẫn. Các sở, ngành cũng có sự chung tay, góp sức thì tiến độ mới đẩy nhanh được. Nếu tất cả các điều kiện đều lý tưởng, ít nhất cũng đến đầu hoặc giữa năm 2025 thì các mỏ đất trên địa bàn Đắk Nông mới đi vào khai thác được”, ông Minh cho hay.

Thanh Hà