Kinh tế

Thủ tục của mỏ đất san lấp y như thủ tục mỏ vàng

P.V 15/06/2024 16:56

Đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT). Hiện nay, thủ tục cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp, chưa phân loại để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp mà thực hiện như một mỏ vàng.

Nhiều thủ tục, thành phần hồ sơ

Theo Sở TN-MT Đắk Nông, hiện nay việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ, thời hạn thực hiện thủ tục áp dụng chung như các loại khoáng sản khác theo quy định của Luật Khoáng sản. Nghĩa là hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT cũng tương tự như hồ sơ cấp phép các đối tượng khoáng sản khác (vàng, titan, than…).

thủ tục 1

Quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân không lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mà thực hiện hành vi khai thác trái phép, làm thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, nhất là đối với cát sỏi lòng sông, đất san lấp.

Thực tế quản lý Nhà nước về khoáng sản làm VLXDTT đã phát sinh khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn này tồn tại đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm VLXDTT trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình mà sau khi phục vụ cho công trình đó dôi dư một khối lượng nhất định có thể phục vụ công trình khác. Các hộ gia đình khai thác khoáng sản làm VLXDTT trong diện tích đất ở của hộ gia đình cá nhân để xây dựng công trình của gia đình trong diện tích đó, sau khi sử dụng cho công trình có dôi dư một khối lượng đất, đá, có thể sử dụng làm vật liệu san lấp để phục vụ san lấp cho công trình khác…

Screenshot (2116)
Nhu cầu về đất, đá, cát làm vật liệu san lấp cho các dự án lớn. Ảnh: Nguồn TTXVN

Theo quy định của Luật Khoáng sản, các trường hợp trên phải được cấp phép khai thác khoáng sản như đối với các loại khoáng sản khác (không phân biệt diện tích khu vực, khối lượng khoáng sản dôi dư nhiều hay ít). Điều này không phù hợp, do trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản phức tạp so với quy mô. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục phức tạp, đầu tư nhiều kinh phí dẫn đến các tổ chức, cá nhân không đầu tư các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp do đầu tư không hiệu quả.

Hiện nay, nhu cầu về khoáng sản làm VLXDTT (đất, đá, cát làm vật liệu san lấp) cho các dự án trọng điểm rất lớn. Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, việc xin cấp mỏ vật liệu, đất đắp đưa vào xây dựng, thủ tục thực hiện phải trải qua nhiều bước theo quy định của Luật Khoáng sản và nhiều văn bản khác, đồng thời tuân thủ pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng. Theo đó, trình tự các bước bao gồm: lập hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản; lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp; báo cáo kết quả thăm dò và trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản; báo cáo đánh giá tác động môi trường… Nếu thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục từ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản thì phải mất nhiều thời gian, ít nhất là 6 - 9 tháng, thậm chí đến 2 năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng VLXDTT tại các địa phương mang tính liên tục.

cuoi.png

Thủ tục cần đơn giản hóa

Thời gian qua, những vướng mắc đối với khoáng sản làm VLXDTT là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông tại tỉnh Đắk Nông chậm tiến độ. Đây cũng là vấn đề “nóng” diễn ra tại các công trình trọng điểm ở các tỉnh và quốc gia.

Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, trong quá trình thi công đã gặp vướng mắc về VLXDTT. Để giải quyết khó khăn, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT. Nhờ áp dụng cơ chế đặc thù tại các địa phương có các dự án đi qua mà tình trạng thiếu đất san lấp đã được giải quyết. Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài, theo Cục Khoáng sản Việt Nam cần quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép VLXDTT theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian cấp phép, nhất là cho các dự án trọng điểm ngành Giao thông.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 4/6, một trong ba nhóm vấn đề lớn được các đại biểu quan tâm là giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN - MT Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010, vật liệu san lấp được quy định để cấp mỏ cũng giống như các kim loại quý, quy định chưa được phân loại, phân nhóm. Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo, Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó, phân loại 4 nhóm: nhóm 1 kim loại quý; nhóm 2 vật liệu xây dựng cao cấp; nhóm 3 vật liệu xây dựng thông thường; nhóm 4 vật liệu đất, đá sỏi.

Nhóm 3 và nhóm 4 sẽ được phân cấp cho các địa phương và trong dự thảo không phải cấp phép mỏ, thay vào đó đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế. Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương.

Khoáng sản làm VLXDTT đã được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010. Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, khoáng sản làm VLXDTT là loại khoáng sản rất phổ biến và dễ khai thác, phục vụ rất lớn và thường xuyên cho việc xây dựng công trình, xây dựng dân dụng...

P.V