Hàng loạt công trình lớn ở Đắk Nông "đứng hình" vì đất đắp
Một loạt các công trình, dự án lớn ở Đắk Nông đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu nguồn vật liệu đất đắp.
Dang dở vì đất đắp
Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Dự án này được khởi công từ cuối năm 2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (BQLDA) làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1)-Bộ Xây dựng là đơn vị thi công.
Căn cứ vào hồ sơ thiết kế, quảng trường cần khoảng 360.000m3 vật liệu để san lấp mặt bằng. Trong số này, dự án tự điều phối trong nội bộ công trình khoảng 60.000m3.
Số còn lại được tính toán lấy từ các dự án: Dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, Dự án trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Đắk Nông và Dự án khu tái định cư Đắk Nur B. Đây đều là những dự án lớn, do BQLDA làm chủ đầu tư.
Theo BQLDA, các nhà thầu đã đưa được hơn 90.000m3 về để đắp cho quảng trường. So với nhu cầu hiện tại, quảng trường còn thiếu khoảng 210.000m3 đất.
Hiện tại, BQLDA đã yêu cầu nhà thầu tạm ngừng đắp đấp nền quảng trường và làm các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cấp phép mỏ đất đắp.
Từ đó tới nay, chỉ khu vực vùng lõi quảng trường được thi công. Toàn bộ khu vực phụ cận cần đắp mặt bằng đã không thể thi công vì thiếu nguồn đất đắp.
Cách đó không xa, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông cũng đang thiếu khoảng 15.000m3 đất đắp. Vào tháng 5/2023, UBND TP. Gia Nghĩa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu phương án xử lý 1 doanh nghiệp tự ý đào đắp, thi công dự án này.
Nhà thầu thi công dự án là Công ty TNHH MTV Thịnh Thành Đắk Nông bị xác định đã khai thác khoảng 50.000m3 đất để đắp cho Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông. Việc đắp đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Sau khi sự việc xảy ra, nhà thầu đã bị yêu cầu dừng đào đắp. Thiếu đất để đắp, lu lèn nền đường, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông đã cơ bản ngừng thi công gần 1 năm nay.
Trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, hiện có rất nhiều công trình lớn đang triển khai bị thiếu hụt nguồn đất đắp. Nhiều công trình đã bị gián đoạn, dang dở vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu đào đắp làm nền. Chưa có mặt bằng, các dự án cơ bản không thể triển khai các bước tiếp theo.
Dự án mới cũng lo thiếu đất đắp
Tháng 4/2024, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất TP. Gia Nghĩa đã chính thức khởi công Dự án đường Lê Duẩn nối đường Võ Văn Kiệt.
Công trình thuộc đường giao thông đô thị, đường phố khu vực cấp III, có tổng chiều dài 2.451m. Tổng vốn đầu tư xây dựng tuyến đường là 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất TP. Gia Nghĩa cho biết, dự án này có cao độ thi công lớn và cần nhiều đất đắp. Khối lượng đất đắp cho dự án này khoảng 180.000m3. Trong điều kiện đất đắp đang khan hiếm, dự án sẽ gặp không ít khó khăn khi triển khai.
Một loạt các dự án khác do Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất TP. Gia Nghĩa làm chủ đầu tư cũng trong tình cảnh tương tự. Có thể kể đến như: Dự án khu tái định cư Thủy điện Đắk R’tíh (kênh phụ trợ số 8); các Dự án đường bờ Tây, bờ Đông, hồ Trung tâm…
Lo ngại về đất đắp cũng là tâm lý chung của nhiều chủ đầu tư tại các địa phương có địa hình chia cắt mạnh. Theo Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp, đơn vị đang làm chủ đầu tư nhiều tuyến đường giao thông cần đất đắp. Mỗi công trình cần khối lượng đất đắp từ vài n m3 đến 30.000m3.
Dự án sắp triển khai cần nhiều đất đắp nhất là Khu tái định cư thôn 11, xã Nhân Cơ. Khu vực triển khai dự án hiện tại là nền đất trũng, thấp. Đại diện Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất ước tính, khối lượng đất đắp cho dự án này có thể lên tới 300.000m3.