Kinh tế

Vật liệu đất đắp - Nút thắt kìm hãm tiến độ đầu tư công ở Đắk Nông

Nguyễn Lương 14/06/2024 05:49

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Đắk Nông đang diễn ra chậm và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu vật liệu đất đắp.

Nghịch lý thừa - thiếu

Đắk Nông là một địa phương có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp khá lớn. Giai đoạn 2015-2020, Đắk Nông có 43 điểm mỏ đất được HĐND tỉnh phê duyệt làm vật liệu san lấp để thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

Trong số này, huyện Krông Nô có 17 mỏ, Cư Jút có 10 mỏ, Đắk Mil có 4 mỏ. Các huyện, thành phố khác có từ 2 đến 3 mỏ. Hầu hết, các mỏ đất này đa dạng nguồn vật liệu san lấp và có khoảng cách, cự ly vận chuyển đất san lấp phù hợp để thực hiện dự án, giảm nguồn chi cho ngân sách.

Các dự án, công trình triển khai trong giai đoạn 2015-2020 và đầu tư công trung hạn 2021-2025 đều được phê duyệt lấy đất san lấp ở các mỏ đất này.

z5530200908244_53ec27c70cc1a7d94ce60d9fd6245084-1-.jpg
Trữ lượng vật liệu san lấp trên địa bàn Đắk Nông rất phong phú

Trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đã xác định có 112 mỏ đất san lấp. Diện tích các mỏ quy hoạch là 1.053,57ha và tổng trữ lượng trên 79 triệu m3.

Trong số này, có 51 mỏ vướng quy hoạch bô xít, 61 mỏ nằm ngoài quy hoạch. Các mỏ nằm ngoài quy hoạch đang được địa phương đẩy nhanh thủ tục cấp phép. Có thể khẳng định, với số lượng, trữ lượng như thế, nguồn vật liệu đất đắp trên địa bàn Đắk Nông không thiếu.

ban-sao-z4836446742321_c705e946b64a19a18ff8132ea8806967(1).jpg
Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa đang chưa giải quyết được vướng mắc về vật liệu đất đắp

Mặc dù, vật liệu san lấp phong phú nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư đều “than” thiếu nguồn đất đắp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nghịch lý này đã kéo theo những hệ lụy và áp lực lên địa phương, doanh nghiệp.

Vì thiếu hụt nguồn đất đắp công trình, thời gian gần đây, Đắk Nông đã xảy ra tình trạng khai thác trộm đất, cát. Thậm chí, có nhà thầu vì áp lực tiến độ đã tự ý khai thác mỏ đất để san lấp công trình khi chưa đủ điều kiện.

Theo Sở TN-MT Đắk Nông, đất san lấp là một loại khoáng sản. Việc khai thác, vận chuyển phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, bất kể lớn hay nhỏ. Tuy còn nhiều bất cập, nhưng các đơn vị phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định hiện hành.

Để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi thiếu đất san lấp, đơn vị đã phối hợp các sở, ngành liên quan tích cực hướng dẫn, rút ngắn thời gian thẩm định. Sở tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác, vận chuyển cho những tổ chức, cá nhân có đầy đủ hồ sơ, pháp lý.

z5530201291010_114eb30ea40c9e1de28e7126f7674391(1).jpg
Nhiều nhà thầu vì áp lực tiến độ đã tự ý khai thác mỏ đất để san lấp công trình khi chưa đủ điều kiện

Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản cũng như việc thanh quyết toán, giải ngân vốn của các dự án được siết chặt. Trong đó, nguồn nguyên vật liệu phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ khiến các đơn vị thi công khó có thể lợi dụng việc khai thác “lậu” để “hợp thức hóa” vật liệu đầu vào để thanh quyết toán.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương đưa các mỏ đất đã được quy hoạch vào đấu giá.

Các mỏ khác nhanh chóng lập thủ tục cấp phép để phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn. Đối với các chủ đầu tư, các sở, ban ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, thẩm định dự án đầu tư phải tính toán chỉ ra được nguồn cung cấp khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) cho dự án…

Ghìm chân đầu tư công

Theo Sở KH-ĐT, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc giải quyết vật liệu đất đắp phục vụ dự án vẫn chưa có kết quả. Thực tế này dẫn đến hàng chục dự án trên địa bàn đang thiếu vật liệu đất đắp. Dự án Đường Đạo Nghĩa- Quảng Khê (giai đoạn 2) là một ví dụ.

Theo thiết kế, để phục vụ dự án, Đắk Nông phải điều phối hơn 211.000 m3 đất đắp. Tuy nhiên, vấn đề này kéo dài và hiện vẫn chưa có giải pháp. Cũng chính vì lý do này, trong nhiều năm liền, dự án phải xin điều chuyển vốn vì không có khả năng hấp thụ.

z4686455174906_e453a21ff3496097ebd23d0cf413318f-1-.jpg
Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2) đang thiếu vật liệu đất đắp

Đơn cử năm 2023, dự án này điều chuyển 90 tỷ đồng. Năm 2024, dự án bố trí 150 tỷ đồng, nhưng khả năng phải điều chuyển 80 tỷ đồng. Năm 2025, dự án được bố trí hơn 200 tỷ đồng nữa. Như vậy, nếu không giải quyết được vấn đề vật liệu đất đắp, số vốn mà dự án phải trả lại, xin điều chuyển lên đến hàng trăm tỷ đồng.

“Đây là dự án trọng điểm liên kết vùng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào năm 2025. Nếu không tranh thủ tập trung nguồn lực thực hiện, Trung ương không đồng ý kéo dài thời gian thì rất khó bố trí vốn. Theo Luật Đầu tư công, ngân sách địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm bố trí vốn còn lại để hoàn thành dự án”, Giám đốc Sở KH-ĐT Đắk Nông Trần Đình Ninh cho biết.

Không riêng gì dự án Đường Đạo Nghĩa- Quảng Khê, trên địa bàn Đắk Nông còn rất nhiều công trình thiếu vật liệu đất đắp. Nếu các dự án tạm dừng, tỉnh Đắk Nông sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tiến độ đầu tư công năm 2024 chắc chắn bị ảnh hưởng. Không những thế, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 rất khó về đích. Chưa kể, các dự án không đúng tiến độ, thi công dở dang, gây ra mất nguy cơ an toàn giao thông, hạn chế lưu thông và mất mĩ quan đô thị.

Giám đốc Sở KH-ĐT Đắk Nông Trần Đình Ninh nhận định: “Nếu giai đoạn 2021-2025 không giải ngân hết, giai đoạn tới rất khó có thêm nguồn vốn. Trường hợp Trung ương có giao vốn sẽ trừ vào nguồn chưa tiêu hết của giai đoạn 2021-2025. Do vậy, bằng mọi cách, Đắk Nông phải tháo gỡ nút thắt vật liệu đất đắp, đẩy mạnh giải ngân”.

Nguyễn Lương