Đắk Nông lấy ý kiến Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Sáng 13/6, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Dương Khắc Mai, TUV, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định trong luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập, cần được bổ sung mới, phù hợp nhằm bảo đảm tính thống nhất. Vì vậy, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 9 chương, 102 điều tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng. Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực, cụ thể cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Theo đó, luật cần có quy định cụ thể về chế độ cho nghệ nhân ở cơ sở và nghệ nhân được vinh danh. Bởi đây là động lực để các nghệ nhân tiếp tục, tâm huyết với công tác duy trì, thực hành các di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Về quy định đầu tư xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích cũng cần có quy định khoảng cách tối thiểu để tránh tác động tới di tích,...
Luật quy định chi tiết cụ thể về đối tượng được hỗ trợ kinh phí phân bổ cho việc trùng tu, bảo vệ các di sản nằm trong Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Bên cạnh đó, luật cần khái niệm rõ ràng về các di sản cũng như quy định cụ thể trong việc mua, chuyển nhượng di vật, cổ vật, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn xác định giá trị của các di sản. Ngoài ra quy định cụ thể, thống nhất về việc chi thường xuyên và đầu tư trong quá trình tu bổ các công trình di sản.
Các quy định về việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển văn hóa cần mang tính mở rộng nhằm tránh việc hạn chế các lợi thế về tuyên truyền trong thời đại công nghệ số.
Kết luận hội nghị, đồng chí Dương Khắc Mai ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia góp hết sức toàn diện, sâu sắc, cụ thể. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, các nội dung tham gia vào dự án Luật, tổng hợp, xem xét làm cơ sở tham gia đóng góp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.