Các đảng phái tại Pháp ráo riết vận động bầu cử Quốc hội

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:28, 13/06/2024

Ngày 12/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã họp báo để đưa ra định hướng vận động tranh cử cho đảng cầm quyền Phục hưng và liên minh đa số cầm quyền. Trong khi đó, một số đảng cánh tả thành lập liên minh tranh cử còn đảng cánh hữu Những người Cộng hòa bị chia rẽ nghiêm trọng.
Ngày 12/6, Chủ tịch Thượng Viện, thuộc đảng LR, Gérard Larcher khẳng định không ủng hộ liên minh với đảng cựu hữu RN. Ảnh: Le Monde.
Ngày 12/6, Chủ tịch Thượng Viện, thuộc đảng LR, Gérard Larcher khẳng định không ủng hộ liên minh với đảng cựu hữu RN. Ảnh: Le Monde.

Giải thích về quyết định giải tán Quốc hội sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 9/6, Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng không thể kéo dài tình trạng bế tắc khi liên minh cầm quyền không có đa số không quá bán tại Quốc hội và khi 50% dân Pháp bầu cho phe cực hữu. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, việc giải tán Quốc hội và cho bầu cử sớm còn nhằm "làm rõ" lập trường của các đảng trước "nguy cơ đe dọa đất nước của đảng cựu hữu RN".

Tổng thống Pháp kêu gọi các đảng trong liên minh đa số cầm quyền tiến hành đàm phán với các chính đảng không chấp nhận hợp tác với phe cực hữu nhằm xây dựng "một dự án chung một cách thành thực và cần thiết để lãnh đạo đất nước".

Trong khi đó bốn đảng phái chính của cánh tả và cực tả gồm đảng Xã hội, đảng Nước Pháp bất khuất, đảng Xanh và đảng Cộng sản đã đạt thỏa thuận về nguyên tắc thành lập "Mặt trận Bình dân" mới để đồng thuận trong việc cử các ứng viên ra tranh cử ngay từ vòng một cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 30/6. Tham gia liên mình này còn có các nghiệp đoàn và hội đoàn.

Năm 1936, một liên minh như vậy của các đảng phái cánh tả đã tạo nên chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, chiếm đa số để thông qua một số luật quan trọng như tuần làm việc 40 giờ, ngày nghị được trả lương cùng một số luật quan trọng khác.

Còn đảng cánh hữu truyền thống Những người Cộng hòa (LR) bị chia rẽ nghiêm trọng sau khi ông Eric Ciotti, Chủ tịch đảng này đưa ra thông báo thỏa thuận lập liên minh tranh cử với đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN). Nhiều lãnh đạo LR phản đối gay gắt và ngày 12/6, Văn phòng chính trị của LR ra thông báo khai trừ ông Éric Ciotti. Một số lãnh đạo địa phương của LR đã tuyên bố từ chức hoặc rời khỏi đảng này, khiến cho LR có nguy cơ tan rã.

Theo kết quả thăm dò ý định bầu do hãng Elabe công bố ngày 12/6, đảng cực hữu RN có thể dẫn đầu với 31% phiếu, tiếp đó là liên minh cánh tả (28%). Còn đảng cầm quyền và liên minh đứng thứ ba.

Diễn biến trên chính trường Pháp hiện rất phức tạp, khó dự đoán vì thời hạn tổ chức bầu cử ngắn nhất trong nền Cộng hòa V.

Ba kịch bản có nhiều khả năng xảy ra. Đảng cực hữu RN có thể giành được đa số quá bán, có quyền lập chính phủ và Tổng thống Emmanuel Macron sẽ buộc phải chấp nhận bổ nhiệm đại diện của đảng đối lập RN làm thủ tướng.

Khả năng thứ hai là ‘‘giữ nguyên trạng’’ khi đảng cầm quyền cũng như RN và liên minh cánh tả giành được thêm nhiều ghế, nhưng không đạt được đa số quá bán.

Kịch bản thứ ba là đảng cầm quyền Phục hưng giành lại được đa số quá bán để Tổng thống Emmanuel Macron có thể dễ dàng cầm quyền trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Nhìn lại hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, liên minh cánh tả đóng vai trò rất quan trọng để ngăn chặn phe cực hữu lên nắm quyền.

Theo điều 12 của Hiến pháp, Tổng thống Cộng hòa Pháp có thể, sau khi tham vấn thủ tướng và chủ tịch Quốc hội lưỡng viện, thông báo giải tán Hạ viện, trong tình huống xảy ra "sự việc hoặc khủng hoảng nghiêm trọng. Bầu cử phải được tổ chức sớm nhất là 20 ngày và muộn nhất là 40 ngày sau khi giải tán Hạ viện.

Kể từ khi bắt đầu nền Cộng hòa thứ V vào năm 1958, đây là lần thứ sáu Tổng thống Pháp giải tán Hạ viện, chấm dứt nhiệm kỳ của các nghị sĩ và cho tổ chức bầu cử trước thời hạn. Ba tổng thống từng giải tán Hạ viện là Jacques Chirac (1997), François Mitterrand (1981 và 1988) và tướng De Gaulle (1962 và 1966). Như vậy trong hơn 100 năm qua, nước Pháp trải qua 8 lần giải tán Hạ viện, mới nhất là quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 9/6/2024.

Tất cả dự luật đang được thảo luận tại Hạ viện đều phải ngừng lại và mọi thủ tục phải được bắt đầu lại từ đầu khi có Hạ viện mới. Tạm thời chính phủ của Thủ tướng Gabriel Attal vẫn hoạt động và xử lý các hồ sơ thông thường. Sau khi Hạ viện mới được thành lập, chính phủ sẽ phải giải tán và Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chỉ định thủ tướng mới.

Quyết định giải tán Quốc hội của tổng thống Macron đã nhận được các bình luận khác nhau. Nhiều chính trị gia ủng hộ, xem đó là quyết định dũng cảm, cần thiết nhưng cũng có ý kiến cho rằng quyết định của ông Emmanuel Macron là mạo hiểm, có thể gây nhiều rủi ro… Tại Pháp, bầu cử Hạ viện thường được xem là kỳ bầu cử tổng thống vòng 3.

Nếu đảng hoặc liên minh đối lập chiếm đa số tại Quốc hội mới, tổng thống sẽ phải chỉ định thủ tướng thuộc đảng này. Tình trạng này được gọi là "chung sống chính trị" từng xảy ra ở thời Tổng thống François Mitterrand vào năm 1986. Khi đó, Tổng thống François Mitterrand, dù thuộc cánh tả, nhưng buộc phải chọn một thủ tướng thuộc cánh hữu - ông Jacques Chirac. Tương tự, vào năm 1997, ông Jacques Chirac là tổng thống và đã giải tán Quốc hội (Hạ viện). Khi bầu cử lại, đa số Hạ viện lại rơi vào tay cánh tả. Ông Lionel Jospin (cánh tả) được Tổng thống Jacques Chirac (cánh hữu) chọn làm thủ tướng. Việc "chung sống" như vậy có thể dẫn đến những căng thẳng chính trị, khiến việc điều hành đất nước cùng với những cải cách cơ cấu và chính sách trở nên phức tạp hơn.

Trong trường hợp kết quả bầu cử Hạ viện mới không được như ý, Tổng thống Emmanuel Macron cũng sẽ không thể giải tán ngay Hạ viện. Vì theo điều 12 của Hiến pháp, tổng thống không thể giải tán Hạ viện trong vòng 1 năm sau bầu cử. Như vậy, ít nhất là từ ngày 8/7/2025 trở đi, Hạ viện mới có thể bị tổng thống giải tán một lần nữa.

KHẢI HOÀN