Đời sống

Cẩn trọng khi sử dụng lao động dưới 18 tuổi

Mỹ Hằng 13/06/2024 06:26

Nghỉ học sớm và gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên nhiều trẻ em chưa đủ 18 tuổi trên địa bàn Đắk Nông vẫn phải đi làm kiếm tiền phụ gia đình với mức lương thấp, nhiều rủi ro, cám dỗ.

Giữa thời tiết nắng, mưa thất thường của những ngày hè ở Tây Nguyên, em K'xíu (16 tuổi) ở thôn 2, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong khệ nệ bưng xếp các chồng gạch để mang đến cho các chú thợ xây.

Thân hình gầy gò, nhỏ xíu nhưng K'xíu làm việc rất nghiêm túc, thi thoảng vừa làm vừa trêu đùa cho vui. Qua tìm hiểu, năm nay K’xíu vừa tròn 16 tuổi nhưng cũng đã có “thâm niên” đi làm thuê được 2 năm. Không có nghề gì cụ thể nên ai thuê gì K’Xíu làm nấy. Tiền công một ngày làm việc em K’Xíu được chủ trả khoảng 100 ngàn đồng nhưng không phải ngày nào cũng có việc.

K’Xíu cho biết: “Gia đình khó khăn nên học hết lớp 7 em đã nghỉ học để đi làm phụ thêm gia đình. Ai thuê gì em làm nấy, có việc, có tiền phụ giúp cha mẹ dù ít hay nhiều vẫn quý. Nhiều người thấy em còn nhỏ thương tình còn cho ăn cơm, uống sữa...”.

hinh1-4-(2).jpg
K'Xíu năm năm 16 tuổi (áo đen bên phải) đã nghỉ học và đi làm phụ giúp gia đình

Em K'Hùng, bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong năm nay cũng vừa tròn 17 tuổi nhưng cũng đã đi làm thuê từ nhiều năm nay. Ai thuê gì làm nấy chứ em K'Hùng không cố định một công việc. K'Hùng chia sẻ: “Tiền công của em được 150 ngàn đồng/ngày, chủ có việc gì thì làm nấy. Không học hành, không nghề nên được người ta thuê, có việc là may mắn lắm rồi. Có lúc việc nhiều em làm tới tận 9-10h đêm, dù mệt nhưng em lại có thêm tiền phụ giúp gia đình”.

hinh1-5-(4).jpg
Số lao động dưới 18 tuổi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ học đi làm kiếm tiền từ rất sớm

Qua tìm hiểu được biết, tình trạng sử dụng lao động dưới 18 tuổi vẫn diễn ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Số lao động dưới 18 tuổi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ học đi làm kiếm tiền từ rất sớm.

Một số cơ sở tư nhân, cá nhân vẫn lén lút sử dụng lao động dưới 18 tuổi; hoặc thấy thương tình hoàn cảnh khó khăn của các em ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên "vô tình" vi phạm các quy định của pháp luật trong sử dụng lao động.

Pháp luật không cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 147, Bộ luật Lao động 2019 cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vào các công việc như: mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng...

Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

hinh1-7-(2).jpg
Do độ tuổi cũng như sức khoẻ không đảm bảo và chưa lường trước được những vấn đề phức tạp nên lao động dưới 18 tuổi dễ bị lừa, dụ dỗ làm những việc sai trái

Riêng những người từ đủ 13 - 15 tuổi chỉ được làm các công việc nhẹ như diễn viên múa, hát, điện ảnh; vận động viên năng khiếu bơi lội, cờ vua, cờ tướng; đan lát; thêu ren... Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi...

Điều 29, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, ngày 17/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động chưa thành niên, với mức phạt lên đến 75 triệu đồng.

Mỹ Hằng