Chính trị

Phụ nữ Đắk Nông “bắt nhịp” chuyển đổi số

Tuệ An 13/06/2024 06:24

Bám sát chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động hội”, các cấp hội phụ nữ tỉnh Đắk Nông đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo, ngày càng “bắt nhịp” với tiến trình chuyển đổi số.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đề ra đó là hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, chủ động thích ứng với cách mạng 4.0. Năm 2024, cùng với tiếp tục tổ chức tập huấn triển khai nội dung chuyển đổi số cho cán bộ hội chuyên trách các cấp, Hội LHPN tỉnh đã phát động cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội” đến các cấp hội. Kết quả, có 15 sản phẩm tham gia dự thi vòng loại cấp tỉnh và lựa chọn được 3 sản phẩm tham gia dự thi vòng loại cấp Trung ương.

Bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài. Bên cạnh những thuận lợi, hội viên, phụ nữ cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tiếp cận CNTT, kiến thức, kỹ năng còn rất hạn chế; thiếu các trang thiết bị, điện thoại thông minh, độ phủ sóng internet yếu. Việc nắm bắt những ứng dụng phần mềm công nghệ mới chậm hơn”.

BA HVI E BAN
Đồ hoạ: Nguyễn Hiền XB

Hiện nay, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đang duy trì hiệu quả trang thông tin điện tử, trang fanpage với số lượt người theo dõi, truy cập ngày càng tăng. Hội LHPN các huyện Krông Nô, Tuy Đức thiết lập và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử riêng, phát huy được vai trò thông tin, tuyên truyền đến đông đảo hội viên, phụ nữ.

Các cấp hội đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tổ chức hoạt động, khai thác tối đa lợi ích từ các trang mạng xã hội, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý cán bộ, hội viên và văn bản điều hành. Đến nay, 100% Hội LHPN cấp huyện và cơ sở hội xây dựng, sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông như: trang fanpage, các nhóm zalo, facebook để tuyên truyền, vận động, tạo diễn đàn lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ. Đồng thời là nguồn thông tin cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho hội viên, phụ nữ và người dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN TP. Gia Nghĩa cho biết: “Phụ nữ thường tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật chậm hơn so với các đối tượng khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, với xu thế chuyển đổi số, đông đảo hội viên, phụ nữ đã thích ứng nhanh, từng bước đáp ứng những yêu cầu của xã hội, nắm bắt kịp thời sự phát triển để phục vụ lao động, sản xuất”.

BA NGOC BAO DT
Đồ hoạ: Nguyễn Hiền XB

Còn theo bà Đỗ Thị Minh Hải, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Song, các cấp hội của huyện đã tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về sử dụng mạng xã hội, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, thanh toán không dùng tiền mặt... Qua đó, chị em có nhiều điều kiện thuận lợi, ngày càng tự tin tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi số.

3333.png
Hội LHPN phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa) triển khai chương trình ứng dụng zalo trong tuyên truyền và hoạt động của hội

Hội LHPN tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng với việc lấy hội viên, phụ nữ làm trung tâm, cán bộ hội các cấp làm nòng cốt trong chỉ đạo, thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động hội. Thông qua đó, các cấp hội có sự đổi mới mạnh mẽ, nhất là hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hội và phong trào phụ nữ.

Bà H’Vi Êban cho biết thêm, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là tất cả người dân, trong đó phụ nữ có những kiến thức, kỹ năng trong ứng dụng các nền tảng công nghệ số để vận dụng, phục vụ quá trình lao động sản xuất, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, cộng đồng xã hội tốt hơn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Tuệ An