Pháp luật

Thu hồi đất do sạt lở, sụt lún "tắc" vì thiếu hướng dẫn

Thanh Hà 12/06/2024 07:19

Mặc dù Luật Đất đai năm 2024 quy định việc thu hồi đất do sạt lở, sụt lún nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.

Tháng 8/2023, khoảng 300m của phía âm đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông bị sụt lún. Vết sụt nhanh chóng lan rộng với độ sâu lên đến cả chục mét. UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp tại khu vực này.

Phía dưới đoạn đường bị sụt lún có gần 20 hộ dân sinh sống. Khối đất từ phía đường bị tràn xuống, xô vào tường nhà, làm hư hỏng, nứt toát nhà cửa của người dân.

Trước nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân, TP. Gia Nghĩa đã nhanh chóng di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm…

anh 1
Nhiều hộ dân ở TP. Gia Nghĩa sống lo lắng bên dưới đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún

Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau, người dân đã quay lại khu vực nhà cũ để sinh sống. Đối với phần lớn hộ dân trong khu vực này, căn nhà chính là tài sản duy nhất, nơi ở duy nhất của họ.

Thời tiết khô ráo trở lại, các vết sụt lún cũng đã ổn định dần. Không thể mãi ở nhờ ngà người quen hoặc ở trọ, họ mặc nguy hiểm rình rập để trở về căn nhà cũ sinh sống.

Nhiều người dân đề nghị cơ quan chức năng có phương án thu hồi đất hoặc khắc phục sụt đường để họ yên tâm sinh sống. Nhưng sau gần 1 năm trôi qua, chính quyền vẫn chưa trả lời cho người dân rõ có thu hồi đất hay không và bao giờ thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh, người dân đang sinh sống trong những căn nhà nứt là khá nguy hiểm.

Mặc dù cơ quan chuyên môn đã kiểm đếm tài sản trên đất của người dân nhưng thành phố hiện chưa có căn cứ để thực hiện di dời hay hỗ trợ cho các trường hợp này.

Ông Tịnh cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng do ảnh hưởng thiên tai thì phải xác định nguyên nhân và các điều kiện cụ thể. Nhưng tới nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân làm căn cứ thu hồi đất.

Hiện tại, nếu di dời người dân khẩn cấp do thiên tai thì chỉ hỗ trợ được tối đa 30 triệu đồng/trường hợp theo quy định tại Điều 15, Nghị định 20 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

anh 2
Nhiều hộ dân ở vùng sụt lún tại Gia Nghĩa kiến nghị cơ quan chức năng gần 1 năm nay nhưng chưa có hướng xử lý

Đây cũng là khó khăn tại khu vực sạt lở đất tại khu vực bon Bu Krắc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Đầu tháng 8/2023, tại bon Bu Krắc xuất hiện các vết nứt gãy trên mặt đất, kéo dài hàng trăm mét.

Cơ quan chức năng nhận định các vết nứt này báo hiệu nguy cơ sạt lở đất. Đã có khoảng 60 hộ dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tới nay, việc thu hồi đất của người dân trong khu vực có nguy cơ này chưa được triển khai.

Theo Sở TN-MT Đắk Nông, Điều 65, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc thu hồi đất ở khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún và hiện tượng thiên tai khác.

Điều 16, Nghị định 47 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi do nguy cơ sạt lở, sụt lún. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục để thu hồi đất đối với 2 trường hợp trên là rất khó.

Trong Luật Đất đai năm 2024, việc thu hồi đất do sạt lở, sụt lún được quy định tại Điều 82. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 không có nội dung này.

Lãnh đạo Sở TN-MT Đắk Nông đề nghị, nên quy định rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào ban hành căn cứ thu hồi đất. Việc thu hồi đất đối với các trường hợp này cũng khá rút gọn, nên cần quy định rõ việc lập phương án tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hồ sơ thẩm định và cả giá đất.

Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương thuận lợi trong quá trình thu hồi đất, bảo đảm cuộc sống của người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún hoặc thiên tai khác.

Thanh Hà