Quy định thi hành Luật Đất đai 2024 phải dễ hiểu, dễ thực hiện
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, nghị định thi hành Luật Đất đai 2024 cần xây dựng trên nguyên tắc khoa học, dễ hiểu và dễ thực hiện.
Ngày 11/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý về các nghị định: Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024.
Tại hội nghị, Bộ TN-MT trình bày các nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024. Bộ Bộ TN-MT cũng báo cáo các ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn và các địa phương.
Các đại biểu tại nhiều tỉnh, thành phố đã đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo trong quá trình xây dựng các nghị định quy định thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Các các ý kiến góp ý tại địa phương cơ bản đồng tình với các quy định tại các quy định hướng dẫn thi hành luật. Dựa trên đặc thù nhiều địa phương, các đại biểu đề nghị trong các nghị định cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm, quy định theo hướng cụ thể hơn để dễ triển khai khi thi hành luật.
Một số địa phương đề nghị, cần bổ sung quy định về “điều chỉnh cục bộ” quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì quá trình thẩm định không cần trình HĐND cùng cấp thông qua để tránh kéo dài thời gian.
Nhiều đại biểu có ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, xử lý tài sản gắn liền với đất, trường hợp bất khả kháng khi thu hồi đất…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hội nghị này gần như là bước cuối cùng để các ngành chức năng, địa phương góp ý vào các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Bởi thời gian thi hành luật đang đến gần.
Với những góp ý của các cơ quan chuyên ngành, các bộ, ngành và địa phương lần này, ban soạn thảo cần tổng hợp cụ thể, làm cơ sở để tham mưu Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả.
Đặc biệt, các nghị định cần xây dựng trên nguyên tắc khoa học, dễ hiểu và dễ thực hiện để các địa phương khi áp dụng luật không gặp khó khăn, không phát sinh vướng mắc.