Kinh tế

Thu nhập 350 triệu đồng từ 1,2ha rau hữu cơ

Hưng Nguyên 11/06/2024 22:14

Tập trung vào khâu chăm sóc đất để tạo môi trường thuận lợi cho vườn rau phát triển khỏe mạnh, chống lại sâu bệnh, mang lại giá trị kinh tế cao.

Vườn của chị Trương Thị Đạm Tuyết, thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) nằm trên mái đồi thoai thoải dốc rộng 1,2ha. Trong đó, chị trồng khoảng 8.000m2 rau, củ, quả các loại; 4.000m2 trồng cây ăn quả.

Để thuận lợi cho việc canh tác, trên đất chị chia thành lô, mỗi lô được đánh số và bố trí các loại cây trồng. Ở mỗi lô đều có những giàn lưới cố định đều nhau để kết hợp trồng các loại rau quả dạng thân leo như mướp đắng, bầu, bí… bên cạnh những luống rau.

rau-1-(1).jpg
Trồng cây họ đậu để vừa cải tạo đất, vừa làm phân xanh, khi cây đậu bắt đầu cho hoa sẽ được cắt bỏ, rải các loại phân, phủ bạt ủ...

Chị Tuyết cho biết, các loại rau vô cùng nhạy cảm và dễ bị sâu bệnh. Để phát triển bền vững, chị tuân thủ nguyên tắc lấy đi của đất cái gì thì trả lại cho đất cái đó và nhiều hơn thế.

Chị không bao giờ trồng liên tiếp 2 đợt rau trên một lô đất. Vì như vậy, các mầm bệnh ở rau sẽ không thể phát triển.

Vườn rau của chị Tuyết được áp dụng quy trình sản xuất rau hữu cơ, sử dụng toàn bộ phân chuồng trộn với bã thực vật, phân lân, men vi sinh… ủ hoai mục. Các loại phân này giúp cây hấp thu tốt, hạn chế nguy cơ tồn dư các chất có hại, giúp đất ngày càng tơi xốp hơn.

Chị thường áp dụng phương pháp luân canh. Đầu tiên, chị trồng cây họ đậu tạo nguồn thu. Khi cây đậu cho thu hoạch xong, chị cắt bỏ và rải các loại phân lên thân đậu rồi dùng bạt phủ kín khoảng 2 tuần trước khi trồng lứa rau mới.

Khi trồng xong cây rau, chị Tuyết sẽ rải một lớp vỏ các loại phế phẩm nông nghiệp như vỏ đậu phộng, cùi bắp xay nhỏ để tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển, giúp đất có thêm dinh dưỡng.

Cách luân canh với cây họ đậu làm khởi đầu mà chị Tuyết sử dụng được xem là giải pháp bền vững trong sản xuất rau xanh.

Cách làm này giúp đất khỏe, tạo nền tảng cho cây trồng khỏe, giảm thiểu sự tấn công của sâu bệnh và tăng năng suất, chất lượng rau.

rau-3-(1).jpg
Nhân công vườn rau của chị Trương Đạm Tuyết phủ các phụ phẩm nông nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho cây rau phát triển

Để phòng trừ sâu bệnh, chị Tuyết sử dụng dầu ép từ hạt xoan Ấn Độ và chế phẩm sinh học BT phun, xịt thường xuyên lên vườn rau. Các chế phẩm này không gây hại đến con người, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với các loại quả như khổ qua, bầu, bí..., chị sử dụng phương pháp bọc thủ công từng quả bằng túi bóng hoặc bao lưới. Bọc quả thủ công giúp chống lại côn trùng chích hút, hạn chế ruồi vàng đục quả, bảo đảm chất lượng cho sản phẩm.

Vườn rau không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nên tạo môi trường thuận lợi cho các loại côn trùng, vi sinh vật có lợi phát triển. Đối với các diện tích đất trống hoặc đang trong giai đoạn cho đất nghỉ, chị Tuyết thường dùng bạt phủ để hạn chế cỏ, chống rửa trôi và cải tạo đất.

Chị Tuyết chia sẻ: "Điều quan trọng để làm nên chất lượng của vườn rau là rau được chăm sóc bằng các nguồn phân hữu cơ. Cách làm của tôi không phải là mới, nhưng đòi hỏi phải kiên trì".

rau-6-(1).jpg
Nhân công bọc thủ công cho quả khổ khoa (mướp đắng) để ngăn chặn các loại côn trùng chích hút

Theo chị Tuyết, mỗi năm vườn rau của chị cung cấp ra thị trường gần chục tấn rau, củ, quả các loại. Giá rau quả được chị bán từ 30.000 – 80.000 đồng/kg tùy loại, từng thời điểm. Mức giá này cao hơn từ 20-40% so với các loại rau thông thường trên thị trường.

Tuy giá có phần cao, nhưng do chất lượng sản phẩm tốt, nên vẫn có rất nhiều khách hàng tìm đến vườn rau của chị để mua.

Nhiều đầu mối kinh doanh rau lớn cũng đặt hàng để lấy sản phẩm của chị cung cấp cho người tiêu dùng. Vườn rau giúp chị Tuyết có thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm.

Để thuận lợi cho việc tiêu thụ, chị Tuyết đã mở cửa hàng bán rau củ quả tại TP. Gia Nghĩa. Việc mở cửa hàng giúp chị bảo đảm nguồn không bị pha trộn, giữ uy tín trên thị trường.

Hưng Nguyên