Kinh tế

Anh K’Khiêm kiên trì làm giàu với cây cà phê

Phan Thanh Nga 11/06/2024 05:46

Anh K’Khiêm, trú tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã kiên trì sản xuất cà phê để vươn lên làm giàu.

Anh K’Khiêm cho biết, gia đình bắt đầu trồng cà phê từ năm 2009 với diện tích chỉ 4 sào. Sau đó, mỗi năm gia đình mở rộng thêm và hiện có 2,5ha cà phê.

“Tôi lập gia đình lúc mới 22 tuổi, cuộc sống khó khăn. Sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên, tôi thấy nhiều gia đình có kinh tế ổn định từ trồng cà phê cho nên quyết định chọn cây trồng này”, anh K’Khiêm cho biết.

img_0057(3).jpg
Anh K'Khiêm chọn cây cà phê để phát triển kinh tế gia đình

Với khát khao vươn lên làm giàu, anh K’Khiêm luôn học hỏi để nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê. Ban đầu, anh chưa biết chọn giống cây trồng tốt, lại chưa có kỹ thuật, nên cà phê đạt năng suất thấp.

Sau đó, anh chú trọng học hỏi kỹ thuật. Giống cà phê cũ được anh thay thế bằng những giống năng suất cao, chất lượng tốt.

"Hiện tại, vườn cà phê của gia đình tôi chủ yếu trồng giống TR4, TR9. Đây là những giống cà phê cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với vùng đất Đắk Nia”, anh K’Khiêm chia sẻ.

img_0021(3).jpg
Từ năm 2019, anh K'Khiêm đã mua máy cày phục vụ canh tác cà phê

Gia đình anh K’Khiêm hiện có 2.000 cây cà phê đang thời kỳ kinh doanh và 500 cây mới được tái canh 2 năm. Anh đã có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cà phê. Anh tận dụng vỏ cà phê kết hợp với chế phẩm sinh học,phân chuồng tự ủđể chăm sóc vườn cà phê.

Điều này vừa giảm chi phí, vừa bảo vệ đất đai tơi xốp. Khoảng 10 năm nay, mỗi năm gia đình thu về từ 6-8 tấn cà phê nhân. Năm vừa rồi, 2.000 cây cà phê đã đem lại cho gia đình hơn 6 tấn cà phê nhân.

“Tôi thường xuyên theo dõi thông tin thị trường để bán cà phê được giá cao. Sau khi thu hoạch xong, tôi chỉ bán một ít để trang trải cuộc sống và tái đầu tư cho vườn cây, còn lại tôi chờ giá cao hoặc khi nào gia đình cần tiền mới bán. Năm nay, thu hoạch xong tôi cũng đợi đến khi giá cà phê lên 85.000 đồng/kg mới bán hết, thu về hơn 450 triệu đồng”, anh K’Khiêm vui vẻ cho biết.

Với đức tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm, nên vợ chồng anh K’Khiêm mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng thuộc diện giàu có trong xã. Năm 2019, vợ chồng anh đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ máy móc phục vụ cho sản xuất, vận chuyển cà phê.

Hiện nay, vợ chồng anh K'Khiêm có 2 người con, trong đó con đầu học lớp 7, con út học lớp 1. "Chúng tôi chăm chỉ lao động để tích góp của cải phục vụ cuộc sống và nuôi các con học hành thành đạt sau này", anh K'Khiêm hướng về tương lai.

img_0030(1).jpg
Gia đình anh K'Khiêm có nhà cửa khang trang từ 5 năm trước

Theo anh K’Khiêm, làm nông nghiệp vất vả, giá cả bấp bênh, nhưng đã trồng cây gì thì phải kiên trì và chịu khó đầu tư kinh phí, công chăm sóc thì mới hiệu quả. Cà phê là cây trồng chủ lực ở Đắk Nông, nên cứ yên tâm mà chăm sóc, đầu tư phát triển.

"Cà phê cũng như các cây trồng khác giá có những năm giá cao, giá thấp nhưng mình chăm sóc tốt sẽ có thu nhập ổn định. Với suy nghĩ đó, những năm cà phê giá thấp tôi không bỏ bê mà vẫn chú tâm chăm sóc nên năng suất hàng năm luôn ổn định”, anh K’Khiêm chia sẻ.

Xã Đắk Nia có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng điều kiện kinh tế khá, giàu như anh K’Khiêm rất ít. Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nia cho biết, anh K’Khiêm là tấm gương sáng về phát triển kinh tế để nhiều nông dân học hỏi.

Anh đã góp phần lan tỏa tinh thần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ kinh nghiệm trồng cà phê của mình, anh K’Khiêm luôn nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật cho các hộ khác để cùng vươn lên phát triển kinh tế.

Nhiều năm qua, anh K’Khiêm đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của TP. Gia Nghĩa. Với uy tín của mình, từ năm 2011 đến nay, anh K’Khiêm được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bon N’Jriêng.

Phan Thanh Nga