Nghị viện mới sẽ ảnh hưởng đến đường hướng chính sách kinh tế của EU
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:53, 10/06/2024
Nghị viện châu Âu đang nghiêng về cánh hữu sau cuộc bầu cử kéo dài bốn ngày kết thúc vào ngày 9/6, và sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến một loạt các lĩnh vực chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Khí hậu
5 năm tới sẽ rất quan trọng để xác định liệu châu Âu có đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đến năm mục tiêu 2030 hay không.
EU đã dành 5 năm qua để thông qua một gói luật năng lượng sạch và giảm CO2 nhằm đạt được các mục tiêu năm 2030 của mình, và những chính sách đó sẽ khó có thể hủy bỏ được.
Nhưng một Nghị viện châu Âu hoài nghi hơn về khí hậu có thể cố gắng làm suy yếu các luật đó, vì nhiều luật sẽ được xem xét lại trong vài năm tới, trong đó có quy định ngừng bán xe ôtô sử dụng động cơ đốt trong mới vào năm 2035 của khối này, vốn đã phải đối mặt với những chỉ trích trong chiến dịch bầu cử của EU.
Nghị viện châu Âu cũng sẽ đàm phán với các nước EU về một mục tiêu mới có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm cắt giảm khí thải vào năm 2040.
Mục tiêu đó sẽ đặt ra lộ trình cho một loại chính sách tương lai nhằm hạn chế khí thải trong những năm 2030 ở mọi lĩnh vực, từ nông nghiệp đến sản xuất và vận tải.
Thương mại
Vai trò chính của Nghị viện châu Âu trong chính sách thương mại của EU là phê duyệt các hiệp định thương mại tự do trước khi thực thi. Nghị viện không trực tiếp tham gia vào việc phòng vệ thương mại, chẳng hạn như áp thuế quan.
Ủy ban châu Âu (EC) và một số nhà lãnh đạo EU cho rằng khối này cần thêm các hiệp định thương mại với các đối tác đáng tin cậy để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và bù đắp cho việc sụt giảm hoạt động kinh doanh với Nga.
Một số hiệp định thương mại vẫn đang chờ phê duyệt, như hiệp định với Mexico và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), trong khi EC cũng đang tìm cách đạt được thỏa thuận với các nước như Australia.
Tất cả các thỏa thuận đó, và đặc biệt là thỏa thuận với Mercosur, đều đang phải đối mặt với những ý kiến phản đối, và việc thúc đẩy để nghị viện thông qua giờ đây có thể còn khó khăn hơn khi số lượng các nghị sỹ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu gia tăng.
Quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng EU cần phải thể hiện lập trường thống nhất đối với các đối thủ cạnh tranh chính như Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt nếu cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
EC cũng cho biết EU cần một chiến lược công nghiệp thống nhất rõ ràng hơn để duy trì vị thế là một cơ sở công nghiệp chính cho các sản phẩm xanh và kỹ thuật số, trong bối cảnh các đối thủ đang tăng cường các khoản trợ cấp khổng lồ.
Những người chỉ trích cho rằng các đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc sẽ ủng hộ một châu Âu lỏng lẻo, phân mảnh hơn, và điều này sẽ khiến EU khó vượt qua những thách thức nói trên hơn.
Mở rộng và cải cách
EU cần cải cách chính sách nông nghiệp nội bộ và cách thức hỗ trợ các nước thành viên để cân bằng mức sống trước khi chấp nhận thêm các quốc gia mới, đặc biệt là các nước lớn như Ukraine, vì hệ thống chuyển giao hiện tại đã được xem là quá tốn kém.
Để đón nhận thêm các thành viên mới như Ukraine, Moldova và các nước Tây Balkan, EU cũng cần thay đổi cách thức ra quyết định, giảm sự cần thiết phải có sự đồng thuận tuyệt đối giữa các nước thành viên, vốn là việc ngày càng khó khăn.
Nếu các cải cách như vậy được đề xuất trong 5 năm tới, Nghị viện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các cải cách này, và tiếng nói mạnh mẽ hơn của phe cực hữu, những người phản đối sự hội nhập sâu hơn của EU, có thể có tác động quan trọng./.