Đề án 06 tiết kiệm cho Nhà nước 3.500 tỷ đồng/năm
Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06.
Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ Công an cho biết, tính đến hết tháng 4/2024, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.
Đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản.
Bộ Công an tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành, với trung bình khoảng 150.000 lượt đăng nhập/ngày từ đầu năm 2024 đến nay; dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng...
Hội nghị xác định 6 nguyên nhân, 6 bài học kinh nghiệm và 35 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới để tháo gỡ những "điểm nghẽn" về pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nhân lực, kinh phí... trong thực hiện Đề án 06.
Các bộ, ngành, địa phương đã có những tham luận nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong thực hiện Đề án 06.
Các địa phương, bộ, ngành đã chỉ ra nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập nêu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thách thức, bất cập.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, tích cực, hiệu quả trong thực hiện Đề án 06..
Việc triển khai Đề án 06 mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Đề án 06 đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, thủ trưởng các cơ quan, các địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuyển đổi số nói chung và các nhiệm vụ Đề án 06 đã nêu.
Tại hội nghị, Bộ Tài Chính đã báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Hiện nay, Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Thương mai điện tử năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Đến nay, cả nước đã có 61.009 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu hóa đơn. Ngành Thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.