Bầu cử EP: Các đảng truyền thống tiếp tục giữ đa số trong Nghị viện châu Âu
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:53, 10/06/2024
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, kết quả sơ bộ được tổng hợp sau cuộc bầu cử ngày 9/6 cho thấy các nhóm chính trị xuyên quốc gia, gồm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu (RE) vẫn giữ được đa số với tổng cộng 401 trên tổng số 720 ghế trong Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2024-2029.
Với 186 ghế, cao hơn EP sắp mãn nhiệm 9 ghế, nhóm EPP trung hữu tiếp tục giữ được vị thế là lực lượng chính trị lớn nhất trong EP, trong khi liên minh trung tả S&D giữ vững vị trí thứ hai với 133 ghế (mất 7 ghế).
Nhóm RE theo đường lối trung dung bị tổn thất nặng nề khi chỉ giành được 82 ghế so với 102 ghế hiện tại.
Thất bại này phần lớn được giải thích bởi kết quả tệ hại của đảng Phục hưng (Renaissance) của Tổng thống Pháp và các đảng đồng minh.
Tuy nhiên, RE vẫn tiếp tục là lực lượng chính trị lớn thứ ba tại Nghị viện châu Âu bất chấp kết quả đạt được của các nhóm cực hữu ECR (Bảo thủ và Cải cách) và ID (Bản sắc và Dân chủ), với kết quả lần lượt là 70 và 60 ghế.
Trong những tuần tới, các nhóm nghị viện sẽ được thành lập và bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch...
Phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp châu Âu khóa 10 sẽ được tổ chức tại Strasbourg (Pháp) từ ngày 16-19/7, với một trong những nhiệm vụ đầu tiên là tiến hành bầu chọn Chủ tịch Nghị viện mới.
Dự kiến ngày 18/7, các đại biểu cũng sẽ quyết định người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) để lãnh đạo các quốc gia và chính phủ các nước thành viên thông qua vào cuối tháng Sáu.
Điểm đáng chú ý nhất tại cuộc bầu cử châu Âu lần này là kỷ lục phiếu bầu chưa từng có dành cho đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) ở Pháp.
Theo kết quả sơ bộ, danh sách RN do ứng cử viên Jordan Bardella đứng đầu đã giành được 31,9% phiếu bầu, cao hơn gấp đôi số phiếu mà đảng của tổng thống Macron giành được.
Đây là lần thứ 3 đảng cực hữu ở Pháp giành được vị trí đứng đầu trong cuộc bầu cử châu Âu và là lần đầu tiên đảng này đạt được số điểm kỷ lục và nới rộng khoảng cách như vậy với danh sách đứng thứ hai của phe đa số.
Ngược lại, với 15,1% phiếu bầu, đảng Phục hưng và các đồng minh đã cho thấy một thất bại nặng nề của phe đa số tổng thống trong Quốc hội Pháp.
Thắng lợi của RN đã gây chấn động trong chính trường Pháp và châu Âu mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến dư luận trước bầu cử đã dự báo trước điều này.
Phản ứng với kết quả bầu cử, tối 9/6, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp và sẽ tiến hành cuộc bầu cử lập pháp mới vào các ngày 30/6 và 7/7 tới.
Tổng thống Pháp tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình chỉ một giờ sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu ở châu Âu: “Tôi đã nghe thông điệp của các bạn, các mối quan tâm của các bạn và tôi không thể không phản hồi.”
Với quyết định của Tổng thống Macron, đây là lần thứ 5 dưới thời đệ ngũ cộng hòa Pháp tuyên bố giải tán Quốc hội, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi nước này áp dụng thời hạn nhiệm kỳ 5 năm và đồng bộ hóa bầu cử tổng thống với bầu cử lập pháp.
Trong trường hợp chiến thắng, “nước cờ” của Tổng thống Macron sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho đời sống chính trị tại Pháp.
Ngược lại, nếu các cử tri tiếp tục bỏ phiếu trừng phạt chính quyền trong vòng hai tháng, thời gian còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ càng trở nên phức tạp hơn trước./.