Bầu cử Nghị viện châu Âu: Bỉ lo ngại tỷ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:50, 08/06/2024
Ngày 9/6, cử tri toàn nước Bỉ sẽ tham gia ba cuộc bầu cử cấp châu Âu, liên bang và vùng. Tuy nhiên, các đảng phái chính trị đang lo ngại tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp. Năm 2019, số cử tri không tham gia bầu cử ở Bỉ chiếm 11,67%.
Thông tin từ Bộ Nội vụ Bỉ cho biết trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm, có 900.000 cử tri không đến điểm bỏ phiếu (tương đương 11,67%).
Cùng với khoảng 430.000 cử tri đã bỏ phiếu trắng hoặc phiếu bầu không hợp lệ, tổng cộng có 17% dân số Bỉ không lựa chọn một đảng phái nào vì nhiều lý do khác nhau.
Con số này còn lớn hơn số phiếu của N-VA (Liên minh Flanders Mới, đảng trung hữu của cộng đồng nói tiếng Hà Lan) giành được năm 2019 khi đảng này dẫn đầu tại Hạ viện với 16,03% số phiếu ủng hộ.
Thực tế được nêu bật trong bối cảnh cuộc tranh luận về việc duy trì quy định bắt buộc bỏ phiếu. Các nhà lập pháp vùng Flanders đã quyết định bỏ quy định này tại các cuộc bầu cử cấp xã và cấp tỉnh năm 2024. Các biện pháp phạt đối với việc vắng mặt vào ngày bầu cử gần như không còn được áp dụng.
Tuy nhiên, theo ông Jean-Benoît Pilet, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Tự do Brussels (ULB), bắt buộc bỏ phiếu vẫn là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu số cử tri không thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.
Ông nhấn mạnh các nhóm cử tri không tham gia bầu cử ít được các đại biểu quan tâm vì cho rằng họ không cần phải thu hút phiếu bầu của các cử tri này. Tình trạng không tham gia bầu cử không phải không có hệ quả.
Việc không bỏ phiếu đang có xu hướng gia tăng ở Bỉ. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, tỷ lệ không tham gia bầu cử có xu hướng tăng lên. Lý do là sự bất mãn và thiếu hiểu biết về chính trị.
Những cử tri trẻ tuổi có quan điểm phê phán hơn và tiếp cận việc tham gia xã hội theo nhiều hình thức khác nhau.
Điều này có nghĩa là việc bỏ phiếu không còn được coi là giải pháp toàn diện, người ta có thể tham gia vào xã hội bằng những cách khác.
Theo Giáo sư Jean-Benoît Pilet, tình trạng không tham gia bầu cử có thể được giải thích bằng nhiều yếu tố. Có những người cho rằng cần được "tái chính trị hóa."
Có những người tự thấy mình có năng lực nhưng không thấy tác động từ phiếu bầu của mình. Và cuối cùng là những người hoài nghi đối với chính trị nói chung.
Vị chuyên gia trên nhận định ba yếu tố này chưa thực sự được cải thiện. Không có biện pháp quan trọng nào được thực hiện.
Những cải cách và sáng kiến như bỏ phiếu từ 16 tuổi trong các cuộc bầu cử châu Âu hoặc các hội nghị khuyến khích sự tham gia của công dân đã mang lại một số tác động tích cực, nhưng chưa đủ để tạo ra sự thay đổi đáng kể.
Giáo sư Jean-Benoît Pilet nhấn mạnh bỏ phiếu bắt buộc vẫn là một biện pháp hiệu quả, nhưng để xây dựng một nền dân chủ vững mạnh và toàn diện hơn, Bỉ cần phải chú trọng lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của tất cả các cử tri, đảm bảo rằng tiếng nói của mọi công dân đều được coi trọng và có ảnh hưởng trong tiến trình chính trị./.