Mẹo vặt

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Hà Nội năm 2024 đã đầy đủ

Hùng Cường 08/06/2024 10:53

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Hà Nội năm 2024, giúp các em học sinh tham khảo, dễ dàng so sánh với kết quả bài thi vào lớp 10 của mình thuận tiện hơn.

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Hà Nội năm 2024

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội được tổ chức trong 2 ngày (08 và 09/6/2024). Bài thi vào lớp 10 môn Văn Hà Nội thi theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài 120 phút, tổ chức thi sáng ngày 8/6.

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Hà Nội năm 2024

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

- Bài thơ Đồng chí được viết theo thể thơ tự do.

- Văn bản trong chương trình Ngữ Văn 9 được viết cùng thể thơ:

+ Tác phẩm Nói với con của tác giả Y Phương.

Câu 2.

- Cặp hình ảnh tương ứng tạo nên sự sóng đôi trong đoạn trích:

Quê hương anh - làng tôi;

Nước mặn đồng chua - đất cày lên sỏi đá

- Tác dụng: Nghệ thuật sóng đôi cho thấy được sự đồng điệu trong hoàn cảnh của những người lính, họ hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Anh với tôi đều ra đi từ những làng quê nghèo khó, cùng chung hoàn cảnh xuất thân.

Câu 3.

Giá trị biểu đạt của từ “đôi” trong câu “Anh với tôi đôi người xa lạ”:

- "Đôi" là hai, luôn có sự xuất hiện song hành và không tách rời.

- Từ đôi đặt giữa câu thơ giữa hai cụm "anh và tôi" và cụm "người xa lạ" cho thấy những người đồng chí từ chỗ không quen biết, xa lạ với nhau nhưng họ vẫn có sợi dây gắn kết vô hình chung hoàn cảnh, chung lí tưởng, chung mục đích. Họ luôn đồng hành, kết đôi, từ "đôi" góp phần khẳng định sự gắn bó khăng khít của những người lính.

Câu 4.

Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận quy nạp, có sử dụng thành phần tình thái và thán từ. Bài làm không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được hình ảnh người lính

Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý

1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: hình ảnh người lính trong tám dòng thơ cuối bài.

2. Thân đoạn

- Những người lính luôn đồng cam, cộng khổ với nhau:

+ Áo rách vai, quần có vài mảnh vá, chân không giày => Cuộc sống vô cùng thiếu thốn, khó khăn.

+ Sự khắc nghiệt của khí hậu núi rừng -> nhưng họ đã vượt lên nhờ tinh thần lạc quan cách mạng, sự ấm áp của tình đồng chí.

- Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau: Hình ảnh “tay nắm bàn tay”:

+ Chất chứa bao yêu thương trìu mến. Họ sẵn lòng chia sẻ khó khăn khó khăn cùng nhau.

+Chứa đựng cả những khao khát bên người thân yêu.

=> Chính tỉnh đồng chí chân thành, cảm động và sâu sắc đã nâng đỡ bước chân người lính và sưởi ấm tâm hồn họ trên mọi nẻo đường chiến đấu.

- Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí: Được xây dựng trên nền một hoàn cảnh khắc nghiệt:

+ Thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo.

+ Không khí căng thẳng trước một trận chiến đấu. Trước mắt họ là cả những mất mát, hi sinh không thể

tránh khỏi.

-> Tâm hồn họ vẫn bay lên với hình ảnh vầng trăng nơi đầu súng.

-> Họ vẫn xuất hiện trong tư thế điềm tĩnh, chủ động “chờ giặc tới”.

=> Nhờ tựa vào sức mạnh của tinh thần đồng đội. Họ “đứng cạnh bên nhau” và trở thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi.

- Sức mạnh tình đồng chí còn được thể hiện qua một hình ảnh thơ độc đáo, đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”:

+ Vốn là một hình ảnh thơ được cảm nhận từ thực tiễn chiến đấu. Song hình ảnh này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng phong phú:

Gợi liên tưởng: chiến tranh - hòa bình, hiện thực - ảo mộng, kiên cường – lãng mạn, chất chiến sĩ – chất thi sĩ.

Gợi vẻ đẹp của tình đồng chí sâu sắc. Sự xuất hiện của vầng trăng là một bằng chứng về sức mạnh kì diệu của tình đồng đội.

Gợi vẻ đẹp của tâm hồn người lính – một tâm hồn luôn trong trẻo, tươi mát dẫu phải băng qua lửa đạn chiến tranh.

Gợi vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam – một bàn tay giữ chắc cây súng mà trái tim luôn hướng đến những khát vọng thanh bình.

3. Kết đoạn: Khái quát lại hình tượng người lính.

Phần 2

Câu 1.

Học sinh lựa chọn 1 phép liên kết và trình bày. Sau đây là gợi ý: Phép liên kết: lặp − “không sống để đáp ứng mong đợi của người khác”

Câu 2.

Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân và đưa ra lí giải phù hợp. Sau đây là gợi ý:

Theo em, sẽ không ích kỷ khi nói rằng: “chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác”, vì:

+ Mỗi người có một cuộc sống riêng, một hành trình riêng, một ước mơ riêng cần hướng đến. Vì vậy, mỗi người sẽ lại tự đặt cho mình những tiêu chí khác nhau, không ai giống ai

+ Nếu luôn sống để đáp ứng mong đợi của người khác, chúng ta sẽ mãi trở thành cái bóng, không được làm chính mình. Cứ mãi chạy theo những mong đợi của người khác, dần dần chúng ta sẽ mất đi bản sắc vốn có của bản thân.

Câu 3.

Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận: Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu

Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý.

1. Mở đoạn

Giới thiệu vấn đề: Nên ứng xử thế nào để đáp ứng mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta.

2. Thân đoạn

a. Giải thích

- Ứng xử là: là cách thể hiện thái độ, hành vi hay chính là sự giao tiếp, xử sự giữa con người với con người. Thông qua đó, hình thành sự thiết lập mối quan hệ giữa mọi người.

- Mong đợi: là hy vọng, mong muốn điều gì đó tốt đẹp cho những điều sắp xảy ra.

→ Ứng xử trước mong đợi của những người thân yêu: là cách suy nghĩ, hành động và xử sự của bản thân trước những kì vọng mà người thân chờ mong ở chúng ta.

b. Phân tích

- Trước những mong đợi của những người thân yêu, ta cần có những ứng xử phù hợp, thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu và tôn trọng họ. Chúng ta cần lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn và bao dung trước những mong muốn của người thân trong gia đình.

- Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải sống cho chính bản thân mình:

+ Bởi mỗi chúng ta là một cá thể độc lập, chỉ sống một lần trong đời, bởi vậy không chỉ nghe theo những mong muốn của người khác mà còn phải sống với chính những khát khao, ước mơ của chính mình.

+ Ai cũng có nhu cầu và mong muốn được người khác công nhận, bởi vậy nếu sống theo ý của người khác thì bạn sẽ sống cuộc đời của người khác chứ không phải của mình.

+ Khi được sống với mong muốn của bản thân bạn sẽ được thỏa mãn những mơ ước của mình, từ đó có động lực phấn đấu, không ngừng nỗ lực, vươn lên.

- Trong cuộc sống cần phải biết cân bằng giữa mong muốn của người thân với ước mơ, khát khao cũng như năng lực của chính mình.

Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp.

3. Kết đoạn: Tổng kết vấn đề.

Đoạn văn tham khảo câu 2 phần 1

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày sỏi đá”

Hai câu thơ mở đầu bằng lối cấu trúc song hành, đối xứng như làm hiện lên hai gương mặt người chiến sĩ. Họ như đang tâm sự cùng nhau. Giọng điệu tự nhiên, mộc mạc, đầy thân tình. “Quê anh” và “làng tôi” đều là những vùng đất nghèo, cằn cỗi, xác xơ, là nơi “nước mặn đồng chua” - vùng đồng bằng ven biển, là xứ sở của “đất cày lên sỏi đá” – vùng đồi núi trung du.

Tác giả đã mượn thành ngữ, tục ngữ để nói về làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của những người chiến sĩ. Điều ấy đã làm cho lời thơ mang đậm chất chân quê, dân dã đúng như con người vậy – những chàng trai dân cày chân đất, áo nâu lần đầu mặc áo lính lên đường ra trận! Như vậy, sự đồng cảnh, cùng chung giai cấp chính là cơ sở, là cái gốc hình thành nên tình đồng chí.

Đoạn văn tham khảo câu 4 phần 1

Hình tượng người lính đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác nghệ thuật. Đối với Chính Hữu, tác giả lại có sự cảm nhận riêng về hình tượng người lính. Chính Hữu thể hiện cơ sở hình thành tình đồng chí tới những biểu hiện cảm động nghĩa tình của những người lính dành cho nhau. Thời kì kháng chiến chống Pháp, những người lính đã phải đối mặt với nhìn khó khăn thử thách, thiếu thốn về vật chất "Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá". Nhưng vượt lên tất cả, đó là vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí. Giữa khung cảnh lạnh lẽo, hoang vu của núi rừng Tây Bắc, những người lính đứng kề cạnh bên nhau xua đi cái lạnh nơi rừng thiêng nước độc. Chính nơi đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh, thì những người lính càng trở nên mạnh mẽ, đoàn kết. Họ sát cánh bên nhau chủ động chờ giặc tạo nên tư thế thành đồng vách sắt trước quân thù.

Bài thơ Đồng chí với những câu văn dung dị, mộc mạc nhưng đã toát lên vẻ đẹp sáng ngời về những người lính bộ độ cụ Hồ năm xưa. Họ xuất thân từ những miền quê khác nhau, bỏ lại sau lưng là ruộng đồng, gia đình để lên đường chiến đấu cho độc lập dân tộc. Gặp nhau nơi rừng thiêng nước độc, giữa tiếng đạn bom, giữa những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng họ không hề lo sợ, nao núng tinh thần. Họ đã cùng nhau sống, chiến đấu và gắn bó thân thiết như anh em ruột thịt. Khổ thơ cuối khắc họa những biểu tượng cao đẹp về tình đồng chí:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

“Đầu súng trăng treo”, câu thơ ngắn gọn mà cô đọng những ý nghĩa sâu xa. Sự đối lập giữa hai hình ảnh súng và trăng, đối lấp giữa hiện tại chiến tranh ác liệt và khát vọng hòa bình tươi sáng. Giữa rừng khuya thanh vắng, các anh cùng sát bên nhau làm nhiệm vụ, ánh trăng trên cao như người bạn đồng hành cùng chiến đấu. Ánh trăng như giúp các anh tạm quên đi những ngày tháng chiến đấu vất vả, ánh trăng của khát khao hòa bình dân tộc, ánh trăng gợi nhớ về quê hương yên bình. Anh với tôi từ xa lạ mà thành thân quen, rồi sát cánh bên nhau những ngày chiến đấu, tình cảm nối lại thành tình đồng chí. Câu thơ cuối bài có ý nghĩa thật đẹp, là hình ảnh chan hòa giữa con người với thiên nhiên, đất nước, là khát vọng về ngày hòa bình của dân tộc. Ánh trăng cuối bài thơ như tỏa ánh sáng dịu dàng, soi rọi cho tình đồng chí gắn bó keo sơn.

Hình ảnh cuối bài tỏa sáng với sự hòa kết hình ảnh súng - hình ảnh của khói lửa chiến tranh kết hợp với hình ảnh ánh trăng trong mát, thanh bình nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh vệ quốc. Chỉ với ba câu thơ xúc động, chân thực nhưng cũng giàu sự lãng mạn, bức tranh về tình đồng chí của người lính đã hiện lên giàu chất thơ và ngời sáng vẻ đẹp của người lính cụ Hồ thời chống Pháp.

Hùng Cường