Đời sống

Đừng biến nghỉ hè thành “học kỳ thứ 3”

Nguyễn Hiền 07/06/2024 05:30

Nghỉ hè là dịp học sinh các cấp háo hức vì không phải học, được nghỉ ngơi, vui chơi, đi du lịch và thăm người thân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những năm gần đây, kỳ nghỉ hè của trẻ đang dần trở thành áp lực với cả trẻ và phụ huynh.

Khi ngày hè bị “cắt xén”

Câu chuyện được nhắc tới nhiều nhất những tuần qua của phụ huynh là việc cho trẻ làm gì khi nghỉ hè và làm sao để quản lý con em trong những ngày hè.

Hè là niềm vui của trẻ nhưng có thể nói, việc trẻ em nghỉ hè phần nào làm xáo trộn sinh hoạt, công việc của nhiều gia đình. Hè là khoảng thời gian trẻ xứng đáng được tận hưởng những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, vừa để thư giãn, vừa tăng cường vốn sống cho bản thân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc cho con học thêm hè là một trong những phương án được nhiều phụ huynh lựa chọn. Những ngày hè của trẻ dần bị cắt xén và trở thành “học kỳ thứ 3”.

2.jpg
Đừng biến kỳ nghỉ hè thành "học kỳ thứ 3" với trẻ

Việc cho con học thêm chủ yếu là do không có người trông coi, quản lý hoặc do phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con em mình nên đã đăng ký cho con “học trước” chương trình đối với một số môn văn hóa.

Chị Nguyễn Thị Hiền, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Trước đây tôi cũng quan niệm cho cháu chơi hè. Nhưng vì không được học thêm nên khi vào năm học, cháu bị tụt lại phía sau do các bạn trong lớp ai cũng đã học qua chương trình. Tôi thấy hiện nay việc tuyển sinh vào các trường THPT rất khó. Vì vậy, dù con tôi năm nay mới lên lớp 8 nhưng tôi tranh thủ hè cho cháu đi học một số môn thi bắt buộc như: Toán học, Ngữ văn, Anh văn và môn chuyên để sau này thi cháu có cơ hội cạnh tranh. Hai vợ chồng thay nhau đưa đón con đi học các môn cũng mất rất nhiều thời gian”.

Còn chị Lò Thị Cáng, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Đức cũng trăn trở việc cho con nghỉ hè hay đi học. Chị Cáng chia sẻ: “Năm nay cháu lớn lên lớp 5, cháu nhỏ lên lớp 1. Nghe nói hai lớp này rất quan trọng nên thấy nhiều phụ huynh cho con đi học hè. Tôi cũng lo lắng nên đã đăng ký cho các cháu đi học các môn chính từ 1/6”.

Một số phụ huynh khác vì không biết gửi con ở đâu nên cũng chọn cách đăng ký cho con em mình theo học các lớp ôn luyện hè. Chị Trần Thị Thắm, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Vợ chồng tôi buôn bán nên tôi đang chưa biết quản lý các con như thế nào khi nghỉ hè. Ông, bà nội, ngoại thì quá xa không thể gửi về. May có cô giáo mở lớp ôn luyện trong dịp hè nên tôi đã đăng ký cho cháu học từ ngày 1/6. Thời gian đưa đón con đi học cũng rất vất vả nhưng yên tâm hơn khi cho cháu ở nhà một mình”.

Trẻ cần được nghỉ ngơi và trải nghiệm

Nghỉ hè là khoảng thời gian trẻ em được thư giãn thoải mái sau một năm học căng thẳng, vất vả. Vì vậy nhiều gia đình đã chọn cách cho con “có hè” thay vì biến kỳ nghỉ hè thành "học kỳ thứ 3".

1.jpg
Ngày hè, trẻ cần được vui chơi sau một năm học vất vả

Chị Nguyễn Thị Hồng Hải, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa có con trai năm nay lên lớp 9 nhưng chị không quá đặt nặng vấn đề học hè. Chị Hải chia sẻ: “Tôi nhận thấy việc ép con học rất ít hiệu quả nên những năm gần đây tôi thường cho con kết hợp giữa chơi và học. Trong năm học các cháu đã rất vất vả, nhất là vừa trải qua các kỳ thi. Vì vậy, từ đầu tháng 6 tôi đã đăng ký cho con học thêm lớp cầu lông theo sở thích để vừa rèn kỹ năng vừa tăng thêm sức khỏe, thể lực ở độ tuổi đang phát triển. Lớp 9 phải nói là lớp cuối cấp cũng rất quan trọng nên trước năm học khoảng nửa tháng tôi sẽ cho cháu bắt đầu ôn lại kiến thức cũ để vào năm học tiếp cận nhanh hơn. Từ ngày không ép cháu học thấy cháu vui vẻ và tự giác, ý thức hơn trong việc học”.

Cô giáo Nguyễn Thị Sơn, giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Nâm N'đir, xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô cũng quan niệm hè là để con được vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm học. Cô Sơn cho rằng, trẻ em có quyền được học hành, nhưng cũng có quyền được vui chơi, giải trí. Mùa hè luôn là quãng thời gian đáng nhớ đối với các con.

"Hè là để nghỉ ngơi, thư giãn, trau dồi thêm những kỹ năng sống, dung nạp thêm nguồn năng lượng tích cực. Vì vậy, tôi không ép các con phải học thêm trong các dịp hè. Ngoài việc cho các cháu tham gia các lớp năng khiếu theo sở thích, tôi dành thời gian đưa các con về quê thăm ông, bà nội, ngoại. Việc được về quê giúp các con được trải nghiệm nhiều điều thực tế mà bình thường chỉ học trên sách vở. Tôi nghĩ không phải cho con học thật nhiều mà nên định hướng cho con cách học hiệu quả, giúp con có ý thức tự học thì việc học sẽ không là áp lực nữa. Năm nay sau khi cho con trai đầu thi tuyển sinh vào lớp 10 xong, tôi sẽ dẫn các cháu đi chơi biển và về quê thăm ông bà. Đến giữa tháng 8 bắt đầu cho các cháu về để ổn định, chuẩn bị dần cho năm học mới”.

Để có ngày hè ý nghĩa

Hè đến, gần như trẻ em nào cũng mong được vui chơi, không áp lực ôn tập, luyện đề. Học sinh Phạm Ngọc Dũng, lớp 8, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Trong năm học gần như phải đi học cả ngày, cả tuần. Nhiều khi muốn xin bố, mẹ đi đá bóng hay học thêm các môn yêu thích không có thời gian. Hè em chỉ muốn được nghỉ ngơi, được đi thăm người nhà và nhất là được thả lỏng để làm những việc mình yêu thích mà không lo việc làm bài tập, nhớ lịch đi học…”.

Để kỳ nghỉ hè thực sự ý nghĩa với trẻ em, quan trọng nhất là cần sự thấu hiểu, hỗ trợ, tạo điều kiện của gia đình, nhà trường và xã hội. Hãy để trẻ có một mùa hè ý nghĩa, vì mùa hè cũng là một phần tuổi thơ, một phần thanh xuân tươi đẹp trong cuộc đời của mỗi trẻ.

Nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần có sự phối hợp để tạo thêm những sân chơi hè bổ ích, giúp các em có cơ hội được trải nghiệm, rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết.

Đối với phụ huynh, hãy cho con em mình một môi trường học tập và vui chơi cân bằng, thoải mái, để các em không cảm thấy bị áp lực, nặng nề về tâm lý khi không có kỳ nghỉ hè. Mỗi gia đình cần có những kế hoạch phù hợp. Việc xây dựng kế hoạch này cần có sự thảo luận giữa các thành viên trong gia đình và nhất là lắng nghe ý kiến từ con em mình. Cha mẹ là người định hướng nhưng con trẻ sẽ quyết định theo học gì và không theo học gì để phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân. Ngành Giáo dục tăng cường quản lý chặt chẽ tình trạng dạy thêm để giảm bớt áp lực cho học sinh mỗi khi hè về.

Nguyễn Hiền