Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tại TPHCM
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tại TPHCM, giúp các em học sinh tham khảo, dễ dàng so sánh với kết quả bài thi vào lớp 10 của mình thuận tiện hơn.
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tại TPHCM
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức trong 2 ngày (06 và 07/6/2024). Bài thi vào lớp 10 môn Văn Hồ Chí Minh thi theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài 120 phút, tổ chức thi sáng ngày 6/6.
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tại TPHCM
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Thời điểm: kỷ niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
- Chủ đề: Tôi yêu Tổ quốc tôi.
Câu 2:
Học sinh chỉ ra 1 thành phần biệt lập có trong đoạn cuối.
- Thành phần phụ chú: vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu 3:
Những câu thơ cho em thấy được hình ảnh những người lính ở đảo Trường Sa: họ có tuổi đời còn trẻ; mang trong mình nhiệt huyết và tình yêu đất nước mãnh liệt để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Câu 4:
Học sinh lựa chọn một hoạt động và đưa ra lý giải phù hợp.
Gợi ý:
- Vẽ tranh về biển đảo quê hương.
- Cuộc thi tìm hiểu biển đảo.
- Sáng tác thơ, văn về biển đảo quê hương.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 500 chữ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận: Biết nghĩ bằng con tim.
Mở bài:
Biết nghĩ bằng con tim - Lời khuyên này tưởng chừng như trái ngược với quan niệm thông thường, nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị sâu sắc và ý nghĩa, mở ra cho chúng ta một góc nhìn mới mẻ về cuộc sống.
Thân bài:
a. Giải thích vấn đề:
- Biết nghĩ bằng con tim là tập trung cảm nhận, lắng nghe vấn đề bằng tình cảm, bằng cả sự chân thành.
- Biết nghĩ bằng con tim không đơn thuần là việc để cảm xúc chi phối lý trí, mà là sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và cảm xúc, giúp con người đưa ra những quyết định sáng suốt và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn.
b. Phân tích:
- Suy nghĩ bằng con tim giúp ta thấu hiểu và cảm thông với mọi người xung quanh.
+ Đặt mình vào vị trí của người khác, ta sẽ dễ dàng đồng cảm với những khó khăn, niềm vui và nỗi buồn của họ.
+ Từ đó, ta biết cách cư xử sao cho phù hợp, tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp và xây dựng một xã hội đầy ắp yêu thương.
- Suy nghĩ bằng con tim cũng giúp ta trân trọng những giá trị tinh thần trong cuộc sống.
+ Thay vì chạy theo những giá trị vật chất phù phiếm, ta sẽ biết trân trọng những điều bình dị như tình yêu thương, hạnh phúc gia đình, tình bạn, tình thầy trò,...
+ Những giá trị tinh thần này mới là nguồn động lực giúp ta vượt qua mọi khó khăn và sống một cuộc sống ý nghĩa.
- Biết nghĩ bằng con tim giúp ta nhìn nhận lại thái độ của mình trong cuộc sống, biết được niềm vui, nỗi buồn của mình ở đâu. Từ đó biết hàn gắn những nỗi đau và tìm được ý nghĩa của cuộc sống
Như vậy, biết nghĩ bằng con tim giúp chúng ta thấu hiểu chính mình, làm chủ cuộc sống của mình. Học sinh cần lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
c. Phản đề:
- Tuy nhiên, "biết nghĩ bằng con tim" không đồng nghĩa với việc gạt bỏ hoàn toàn lý trí.
+ Có những người sống quá cảm xúc, không suy nghĩ thấu đáo mà quyết định sai lầm.
+ Có những người sống quá lý trí khiến cuộc sống trở nên khô khan, lạnh lùng, vô cảm.
=> Lý trí là nền tảng giúp ta đưa ra những quyết định sáng suốt và có trách nhiệm. Khi kết hợp hài hòa giữa lý trí và cảm xúc, ta sẽ có những hành động đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh.
Lời khuyên "biết nghĩ bằng con tim" của tác giả Thu Giang và Nguyễn Duy Cần là một lời khuyên đắt giá cho cuộc sống. Khi ta biết cách suy nghĩ bằng con tim, ta sẽ có một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
d. Liên hệ bản thân.
Kết bài: Tổng kết lại vấn đề.
Câu 2.
Học sinh lựa chọn 1 trong 2 đề. Sau đây là gợi ý với đề 1:
* Yêu cầu về hình thức: Bài viết đảm bảo cấu trúc của một bài văn gồm 3 phần: Mở bài: nêu được vấn đề; Thân bài: triển khai được vấn đề; Kết bài: khái quát được vấn đề.
* Yêu cầu về nội dung:
Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Quang Sáng là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sinh ra, lớn lên và hoạt động chủ yếu ở chiến trường miền Nam nên các sáng tác của ông hầu như xoay quanh cuộc sống con người Nam Bộ.
- Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm Chiếc lược ngà được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Được in trong tập truyện cùng tên.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình cảm nhân vật bé Thu dành cho cha. Từ đó liên hệ thực tế cuộc sống (hoặc một tác phẩm khác cùng đề tài) để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người.
Thân bài
a. Tình cảm nhân vật bé Thu dành cho cha
- Trước khi bé Thu biết ông Sáu là cha: Những tưởng ngày đoàn viên sau 8 năm xa cách phải đầy mừng tủi, hạnh phúc nhưng cô bé lại thể hiện một thái độ khác thường:
+ Trước sự xúc động của ông Sáu, ba bé Thu thì cô bé ngạc nhiên, hoảng sợ, mặt tái đi, bỏ chạy, cầu cứu má.
+ Những ngày sau đó dù ông dành hết thời gian bên con, yêu thương, chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, xa lánh, thậm chí bướng bỉnh, ngang ngạnh cự tuyệt ông.
+ Cô bé không chịu gọi ông là cha. Những lúc phải nói với ông nó chỉ gọi trống không, bất chấp sự trách móc của mẹ.
+ Lúc khó khăn, nguy cấp khi phải chắt nước nồi cơm vừa to, vừa nặng quá sức mình con bé cũng không chịu nhờ ông Sáu. Nó tự xoay sở để không phải gọi ông là ba.
+ Cô bé còn từ chối sự chăm sóc của ông rất quyết liệt. Nó hất miếng trứng cá ông gắp cho ra khỏi bát, làm đổ cả cơm. Lúc ông Sáu không kìm được nỗi đau khổ nên phạt bé Thu, con bé ngay lập tức bỏ sang nhà bà ngoại.
=> Bé Thu hồn nhiên nhưng cũng bướng bỉnh, cá tính. Cô không nhận ông Sáu là ba vì trên mặt ông có vết sẹo, không giống với người ba của cô bé trên tấm hình suốt 8 năm nay. Chính cách chối từ tình cảm của ông Sáu đã cho thấy tình yêu thương thắm thiết của bé Thu dành cho cha mình. Đối với cô bé, tiếng gọi cha rất thiêng liêng, không thể tùy tiện và trong hoàn cảnh cho rằng ông Sáu không phải cha mình, Thu nhất quyết cự tuyệt ông.
- Sau khi bé Thu biết ông Sáu là cha mình:
- Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người.
+ Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu và nghĩ ngợi sâu xa.
+ Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba, đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.
+ Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt, con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng. Tiếng gọi bị kìm nén suốt 8 năm. Tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết.
+ Không chỉ vậy, nó xô đến ôm chặt lấy ba, hôn ba, hôn lên vết thẹo. Con bé muốn giữ chặt ba, không cho ba đi. Nó lo sợ ba sẽ đi mất. Nó muốn bày tỏ tất cả tình yêu của mình dành cho ba.
->Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách với ba bị xóa bỏ. Cô bé không giấu sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba khiến mọi người xúc động.
Qua miêu tả biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã một lần nữa tô đậm tình yêu ba tha thiết. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình.
b. Liên hệ thực tế (hoặc tác phẩm khác cùng chủ đề) để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người
Học sinh có thể liên hệ thực tế hoặc tác phẩm khác cùng chủ đề để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với con người.
- Liên hệ tác phẩm cũng chủ đề: Bếp lửa.
- Ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người:
+ Gia đình là điểm tựa, là nơi mang đến những bình yên, hạnh phúc cho mỗi cá nhân.
+ Gia đình là động lực để mỗi cá nhân phấn đấu.
+ Gia đình là nơi che chở, vỗ về, tiếp thêm sức mạnh để mỗi cá nhân phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách.
Kết bài: Tổng kết lại vấn đề.
Học sinh lựa chọn 1 trong 2 đề. Sau đây là gợi ý với đề 2:
Hình ảnh “đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu:
“Đầu súng trăng treo” là câu kết bài thơ Đồng chí. cũng là một biểu tượng đẹp về người chiến sĩ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.
Trong đêm phục kích giữa rừng, bên cạnh hình ảnh thực là súng, là nhiệm vụ chiến đấu tạo nên con người chiến sĩ thì cái mộng, cái trữ tình là trăng.
Hình ảnh trăng tạo nên con người thi sĩ. Hình ảnh chiến sĩ, thi sĩ hài hòa với nhau trong cuộc đời người lính cách mạng.
Hai hình ảnh tưởng là đốì lập nhau đặt cạnh nhau tạo ra ý nghĩa hòa hợp vô cùng độc đáo. Súng là chiến đấu gian khổ, hi sinh, là hiện thực. Còn trăng là tượng trưng cho hòa bình, gợi lên sự đẹp đẽ thơ mộng, dịu dàng và lãng mạn.
Người lính cầm súng để bảo vệ hòa bình, khát khao hòa bình, không ngại gian khổ hi sinh. Súng và trăng: cứng rắn và dịu hiền, chiến sĩ và thi sĩ, có người còn gọi đây là một cặp đồng chí.
Chính Hữu đã thành công với hình ảnh “đầu súng trăng treo” - một biểu tượng thơ giàu sức gợi cảm.
“Đầu súng trăng treo” đã trở thành một biểu tượng đẹp của người lính cách mạng Việt Nam hiện thực và lãng mạn, chiến sĩ và thi sĩ.
Hình ảnh “ánh trăng” của Nguyễn Duy:
Ánh trăng của Nguyễn Duy không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước mà còn gắn bó với tuổi thơ, với những ngày kháng chiến gian khổ.
Hình ảnh “ánh trăng” bắt đầu gắn với cuộc sống bình thường của con người và vầng trăng thời chiến tranh, vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng tình nghĩa ngỡ không bao giờ quên.
Từ ở rừng, sau chiến thắng về thành phố, được sống cuộc sông tiện nghi: ở buyn-đinh, quen ánh điện, cửa gương... và vầng trăng tri kỉ tình nghĩa đã bị người tri kỉ xưa lãng quên, dửng dưng. Trăng được nhân hóa, lặng lẽ đi qua đường, như người dưng, chẳng còn ai nhớ, chẳng ai hay.
Bất ngờ gặp một tình huống của nhịp sống thành thị : thình lình đèn điện tắt. Vầng trăng xưa xuất hiện, vần tròn, vẫn đẹp, vẫn thủy chung với con người.
Cả một quá khứ đẹp và tình nghĩa ùa về rưng rưng trong lòng người lính, còn trăng thì im lặng.
Người lính giật mình, cái giật mình của người lính trước sự im lặng của trăng xưa hiện về nơi thành phố hôm nay là một biểu tượng nghệ thuật mang tính hàm nghĩa độc đáo. Đó là sự bao dung, độ lượng, nghĩa tình, thủy chung của nhân dân, sự trong sáng mà không hề đòi hỏi được đền đáp.
Đây chính là phẩm chất cao đẹp của nhân dân mà tác giả muốn ngợi ca tự hào. Cũng là thông điệp hãy biết nhớ về quá khứ tốt đẹp, không nên sống vô tình. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc của hình ảnh trăng trong bài thơ của Nguyễn Duy tự nhắn nhủ mình và muốn gửi gắm.
Bài văn tham khảo
1. Mở bài
Nguyễn Quang Sáng là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó đặc sắc nhất là truyện ngắn " Chiếc lược ngà". Đọc truyện ta vô cùng xúc động trước tình cảm cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Đặc biệt nhân vật bé Thu đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong long bạn đọc về một cô bé cá tính có tình yêu cha sâu sắc, mãnh liệt. (Tình cảm ấy được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm nhưng thể hiện xúc động nhất là đoạn trích sau…)
2. Thân bài
1. Khái quát về tác phẩm
Tác phẩm Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang rất ác liệt. Truyện kể về tình cảnh éo le của cha con ông Sáu để từ đó khẳng định rằng: Chiến tranh có thể cướp đi tất cả, thậm chí là cả mạng sống của con người nhưng tình cảm gia đình thì không gì có thể giết chết được.
- Khái quát về chủ đề: Câu chuyện tập trung thể hiện tình cảm cha con của ông Sáu với bé Thu, đặc biệt là tình yêu thương mãnh liệt của bé Thu dành cho cha.
2. Phân tích
a. Cảnh ngộ của bé Thu
Như chúng ta đã biết bé Thu sinh và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Ba em lên đường đánh giặc khi em chưa tròn một tuổi, tám năm dòng em chưa được gặp cha, em chỉ được ngắm nhìn ba qua bức hình chụp chung với má.
=> Như vậy chiến tranh đã chia cắt tình cảm khiến cho gia đình bé Thu cũng như bao gia đình VN khác phải rơi vào cảnh ngộ li tán, chia lìa.
- Tám tuổi Thu còn quá nhỏ để hiểu được sự khốc liệt và éo le của chiến tranh. Chính vì vậy cuộc gặp gỡ bất ngờ với người cha sau 8 năm xa cách đã khiến cho bé Thu có nhiều sự ngộ nhận. Từ đó ta càng thấy bé Thu phải chịu nhiều thiệt thòi và cảm thấy thương em hơn và căm ghét chiến tranh.
* Đặc điểm của bé Thu:
- Thu là cô bé cá tính , ương bướng, ngang ngạnh và đáo để.
Chuyển ý: Chính hoàn cảnh của chiến tranh đã tạo cho bé Thu một cá tính rất mạnh mẽ, ương bướng, ngang ngạnh, đáo để nhưng cũng rất trong sang, hồn nhiên và đáng yêu.
- Trong tâm trí non nớt của bé Thu hình ảnh người cha hiện lên thật đẹp, một người cha mà em luôn thần tượng. Như vậy em yêu cha bằng một tình yêu bền vững, tuyệt đối không có gì lay chuyển được mặc dù 8 năm em chưa từng gặp và gọi một tiếng ba.
- Và để làm nổi bật tình cảm đó của bé Thu nhà văn đã đặt bé Thu vào tình huống cụ thể để bé Thu bộc lộ rõ cá tính của mình đó cũng là khi ông Sáu trở về thăm nhà sau 8 năm xa cách.
b. Thái độ và hành động của bé Thu trước khi nhận ra ông Sáu
* Khi mới gặp cha
- Diễn biến tâm lí của bé Thu: Bao ngày trông ngóng được gặp lại cha nhưng khi gặp cha Thu lại có phản ứng vô cùng dữ dội:
- Khi đang chơi ở nhà chòi bỗng có người đàn ông xa lạ gọi mình là con, bé Thu tròn mắt ngơ ngác, lạ lung nhìn. Đặc biệt khi nhìn vết sẹo dài trên má ông Sáu và thấy người đàn ông cứ tiến đến với giọng run run: "ba đây con" khiến cho con bé Thu chớp mắt như muốn hỏi " Đây là ai?" , Mặt nó tái đi rồi gọi " Má! Má!"
=> Phản ứng ấy của bé Thu cho thấy em rất bất ngờ trước một người đàn ông xa lạ gọi mình là con và em cũng không nhận ra ông Sáu là ba. Phản ứng hoảng sợ của bé Thu rất phù hợp với tâm lí nhân vật đồng thời cho thấy sự am hiểu tâm lí nhân vật của tác giả.
* Ba ngày ông Sáu ở nhà
- Ba ngày phép ngắn ngủi ông Sáu ở nhà là quãng thời gian ngắn ngủi của ông Sáu ở nhà, là quãng thời gian quý báu của gia đình bé Thu. Ông Sáu tìm mọi cách vỗ về an ủi bé Thu thì Thu lại càng giữ khoảng cách, lạnh lùng, xa lánh cương quyết không gọi ông Sáu là ba.
- Khi mẹ nhắc nhở Thu bảo ba vô ăn cơm thì con bé tìm mọi cách từ chối khéo: " Thì mẹ mời đi" , khi bị ép thì Thu lại nói trổng " vô ăn cơm" ông Sáu trở vờ không nghe thấy thì Thu lại nói vọng ra " cơm chín rồi" và cuối cùng không gọi được con bé bực quá quay lại mẹ và bảo " con kêu rồi mà người ta không nghe", cụm từ người ta cho thấy bé Thu vẫn coi ông Sáu là người xa lạ.
- Không chỉ lời nói, bé Thu còn có những hành động, cử chỉ dứt khoát không nhận ông Sáu là ba: Đó là tình huống bé Thu phải canh nồi cơm và chắt nước cơm. Nồi cơm thì to, quá sức với một đứa trẻ 8 tuổi, khiến Thu không thể bắc được, bị đẩy vào thế bí, tưởng Thu sẽ phải gọi ông Sáu là ba để nhờ giúp đỡ nhưng không con bé vẫn nói trổng: " Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái" ông Sáu trở vờ không nghe thấy và khi nồi cơm sôi sung sục thì giọng nó vang vẻ hơn: "cơm sôi rồi nhão bây giờ" khi bị bác Ba dọa thì nó hơi sợ, nhăn nhó như sắp khóc nhưng nhất định không gọi ông Sáu một tiếng ba. Rồi nó loay hoay tìm lấy cái vá để múc nước cơm ra. Hành động đó của bé Thu cho thấy Thu thật ương bướng, gan góc nhưng cũng rất đáo để.
* Khi ông Sáu gắp cái trứng cá:
- Đỉnh điểm của sự ngang ngạnh, ương bướng của bé Thu là trong bữa cơm ông Sáu gắp cho một miếng trứng cá to vàng để vào chén bé Thu.
- Thu liền lấy đũa soi vào chén cơm rồi bất ngờ hất tung miếng trứng cá khiến cơm văng tung tóe cả mâm
=> Hành động ấy của bé Thu cho thấy sự cương quyết từ chối sự chăm sóc tận tâm của ông Sáu.
- Bị cha đánh mắng co bé ngồi im cúi gầm rồi lặng lẽ gắp miếng trứng cá vào bát và đứng dậy. Thu hiểu được việc làm của mình là quá đáng, là sai, là vô lễ với người lớn tuổi nên thấy mình hối lỗi, nhưng vẫn không thể chấp nhận người đàn ông kia là ba mình.
- Thu bỏ sang nhà bà ngoại trước khi bơi thuyền đi nó khuya dây lòi tói rộn rang mét và khóc với ngoại.
=> Qua tất cả hành động trên của bé Thu ta thấy Thu rất ương bướng, ngang ngạnh và đáo để, nhưng sự ương bướng cá tính của Thu không làm người đọc khó chịu, và cũng o thấy Thu không phải là một cô bé hư, hỗn láo, mà ta lại thấy ở Thu hồn nhiên, ngây thơ có phần tội nghiệp. Cô bé cương quyết không chịu nhận ông Sáu là cha chắc có lí do vì Thu rất yêu ba và khao khát được gặp ba.
- Theo dõi tiếp mạch truyện ta thấy cá tính ương ngạnh, gan lì của bé Thu chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Quả thực Thu là một cô bé rất giàu tình cảm, có tình yêu ba sâu sắc và mãnh liệt.
- Một đêm ngủ với ngoại, được ngoại giảng giải cho hiểu vì sao ông Sáu lại có một vết thẹo dài trên má, Thu đã hiểu ra sự khốc liệt của chiến tranh, chính chiến tranh đã làm biến rạng khuôn mặt của ba, để ba không còn đẹp như bức hình chụp chung với má nữa. Nó nằm im lăn qua, lăn lại, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn đã cho thấy Thu đã hiểu ra vấn đề.
c. Thái độ và hành động của bé Thu khi nhận ra ông Sáu là cha.
- Sáng hôm sau nó theo ngoại về nhà, buổi sang cuối cùng trước khi ông Sáu lên đường, bé Thu đã thay đổi hoàn toàn thái độ, vẻ mặt của cô không còn bướng bỉnh cau có nữa mà vẻ mặt ấy sầm lại trông rất đáng thương. Nó không nhìn ngơ ngác, lạ lùng như trước nữa mà nhìn với một vẻ nghĩ ngợi sâu xa. Nhưng Thu chỉ dám đứng ở góc nhà nhìn ba từ xa vì cô bé mặc cảm với lỗi lầm của mình mà chưa dám nhận cha.
- Chỉ đợi ông Sáu chào tạm biệt " Thôi ba đi nghe con" thì tình cảm bị dồn nén bấy lâu bỗng trỗi dậy thật mãnh liệt nó chạy ào tới như một con sóc rồi thốt lên " ba…a…a!", tiếng kêu ấy như tiếng xé, xé sự im lặng của mọi người nghe thật xót xa. Đó là tiếng ba mà Thu đã kìm nén bao năm nay, tiếng ba như vỡ tung ra trong long nó. Nó vừa kêu vừa chạy xô tới nhảy tót lên dang hai tay ôm lấy cổ ba nó… Chứng kiến những khoảnh khắc xúc động này nhà văn đã dung những câu văn ngắn dồn dập, nhiều động từ mạnh để diễn tả cảm xúc vội vàng, cuống quýt của bé Thu. Thu ôm chặt lấy cổ ba vừa khóc vừa muốn giữ chân ba ở nhà " Ba! Con không cho ba đi nữa ba ở nhà với con" rồi " Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa", " Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nói, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai bó nhỏ của nó run run".
- Dường như Thu muốn lấy nụ hôn đó để chuộc lỗi với ba để xoa dịu những tổn thương mà nó gây cho ba nó rồi nó nghĩ rằng hai tay không thể ôm chặt lấy ba, nên nó dung cả đôi chân ôm chặt lấy ba.
- Khoảnh khắc xúc động ấy bé Thu khiến cho những người chứng kiến không ai cầm được nước mắt, còn bác Ba người kể chuyện cảm thấy khó thể như ai chiếm lấy trái tim, khoảnh khắc ấy Thu chỉ biết dặn ba vội vã: " ba về ba mua cho con một chiếc lược ngà nghe ba"
- Có thể nói đây là đoạn văn rất thành công khi tác giả miêu tả sinh động khoảnh khắc hai cha con nhận nhau. Lúc Thu nhận ra ba cũng là lúc ông Sáu phải ra chiến trường. Chiến tranh thật éo le và khắc nghiệt đã khiến cho niềm hạnh phúc, tình phụ tử của cha con bé Thu phải chia lìa xa cách.
=> Như vậy ta thấy bé Thu đại diện cho lớp trẻ VN phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát do chiến tranh gây ra, cả tuổi thơ phải sống xa cha, được gần ba ba ngày nhưng ba ngày cũng không trọn vẹn. cả đời chỉ được gọi tiếng ba có một lần, chỉ được nhận sự chăm sóc của ba bằng một cây lược ngà nhưng cũng phải chờ đợi. Bấy nhiêu thôi ta cũng thấy bé Thu cũng như những đứa trẻ VN khác phải chịu mất mát thiệt thòi như thế nào và cũng cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh. Ta càng thấy thương những em bé như Thu và căm phẫn chiến tranh.
3. Đánh giá
- Truyện thành công bởi xây dựng tình huống truyện đặc sắc. Truyện đặt nhân vật bé Thu vào tình huống gặp ba nhưng không nhận ra, khi nhận ba lại vào đúng lúc chia tay để bộc lộ diễn biến tâm lý và tình cảm sâu sắc bé Thu dành cho ba. Từ đó, nhân vật bé Thu hiện ra thật có tình, yêu ghét rõ ràng, nhưng cũng thật hồn nhiên, trong sáng.
- Qua những diễn biến tâm lí của bé Thu, ta thấy tác giả tỏ ra rất am hiểu tâm lí bé trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.
3. Kết bài
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi lần đọc " Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng chúng ta lại thấy vô cùng xúc động về tình yêu cha mãnh liệt, thiêng liêng của bé Thu dành cho người cha của mình trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh cũng từ nhân vật Thu ta càng thấy trân trọng hơn tình cảm gia đình, cuộc sống hòa bình hiện nay. Cảm xúc viết về chiến tranh nhưng Nguyễn Quang Sáng lại không viết về bom đạn nơi chiến trường mà tác giả lại viết về đề tài tình cảm con người trong chiến tranh, tình cảm cha con thiêng liêng sâu nặng. Chính điều này có thể khẳng định bom đạn có thể hủy diệt đi tất cả nhưng không thể nào hủy diệt đi tình cảm con người, đặc biệt là tình cảm cha con, tình cảm gia đình. Với những giá trị ấy truyện ngắn " Chiếc lược ngà" đã làm thổn thức, rung động biết bao trái tim bạn đọc hôm nay và mai sau.