Báo chí Campuchia đánh giá cao Việt Nam quan tâm bảo tồn ngôn ngữ của người Khmer

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:58, 06/06/2024

Những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí truyền thông Campuchia như hãng Thông tấn quốc gia Campuchia (AKP), nhật báo Koh Santepheap (Đảo Hòa Bình), DAP News (Trung tâm Thông tin Cây Me) đã đăng tải các bài viết và hình ảnh đề cao công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là hoạt động dạy và học tiếng Khmer ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trang chủ của nhật báo Koh Santepheap Daily (Đảo Hòa bình) đăng tải bài viết với tiêu đề “Việt Nam quan tâm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer” ngày 4/6/2024. (Ảnh: TTXVN)
Trang chủ của nhật báo Koh Santepheap Daily (Đảo Hòa bình) đăng tải bài viết với tiêu đề “Việt Nam quan tâm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer” ngày 4/6/2024. (Ảnh: TTXVN)

Trong bài viết ngày 4/6 với tiêu đề “Chính phủ Việt Nam quan tâm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer”, Koh Santepheap - tờ báo uy tín lâu đời ở Campuchia - nhận định Việt Nam là đất nước có nền văn hóa phong phú với vẻ đẹp đa dạng từ bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Các chính sách liên quan của Chính phủ Việt Nam đều xác định việc giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, chính là giữ gìn bản sắc văn hóa của đất nước, con người Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung.

Sau khi tiếp cận vấn đề từ góc độ chính sách, bài viết trên Koh Santepheap nhận định: “Xuất phát từ các chủ trương, chính sách và nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước, những năm qua, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch theo hướng đổi mới phương thức giảng dạy, không ngừng nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, góp phần quan trọng giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và người Khmer ở Việt Nam nói riêng”.

Trước đó, trong bài viết ngày 3/6, trang tin Looking Today của DAP News đã giới thiệu về hoạt động dạy và học tiếng dân tộc ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở Việt Nam. Bài viết cho biết, đồng bào Khmer tại Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người, là một bộ phận gắn bó trong cộng đồng các dân tộc tại “Đất nước hình chữ S”. Các địa phương có đông đồng bào Khmer ở Việt Nam luôn ưu tiên quan tâm công tác dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo bài viết, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng là hai trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở Việt Nam. Ngành giáo dục hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng luôn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc giữ gìn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Trong bài viết ngày 4/6 trên trang chủ phiên bản tiếng Khmer, AKP đã giới thiệu về hoạt động tổ chức dạy và học tiếng Khmer ở các tỉnh, thành phố phía nam của Việt Nam. Theo AKP, tỉnh Sóc Trăng hiện có 134 trường phổ thông có tổ chức dạy chữ Khmer với 1.625 lớp, hơn 44.500 học sinh là con em đồng bào Khmer.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình tiếng Khmer trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình. AKP nhận định việc tổ chức dạy và học chữ Khmer thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.

Từ góc tiếp cận đó, AKP nêu rõ: “Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, trong đó có dạy tiếng nói và chữ viết là những chương trình, chủ trương hàm chứa các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.