Đắk Nông tập trung sản xuất hơn 51.700ha vụ hè thu
Bước vào vụ hè thu 2024, nông dân Đắk Nông trải qua giai đoạn nắng hạn khốc liệt. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp, giúp vụ hè thu diễn ra thuận lợi.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết đầu vụ, ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong đó, các cấp, ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch với quan điểm đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, bền vững và thân thiện với môi trường.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chính, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, vụ này xuống giống hơn 1ha bắp. Như mọi năm, thời điểm này rẫy bắp của ông Chính có thể đang giai đoạn phát triển thân, lá. Thế nhưng năm nay, rẫy bắp của gia đình ông chỉ mới xuống giống được hơn nửa tháng.
Ông Chính cho biết: “Tôi làm đất xong từ tháng 3, chỉ đợi có mưa là tập trung gieo hạt. Vậy mà sang nữa tháng tư âm lịch mới có mưa. Do vậy, vụ hè thu xuống giống muộn”.
Bà Nguyễn Thị Hường, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cho rằng: Năm nay được xem là năm hạn cực điểm so với nhiều năm. Bước vào vụ hè thu, ngoài việc tranh thủ đất đủ ẩm độ để gieo trồng cây ngắn ngày, bà con nông dân còn tập trung chăm sóc, phục hồi các vườn cây lâu năm. Do vậy, vụ hè thu này đối với người dân là khá cập rập, tốn nhiều công sức, chi phí đầu tư.
Theo Phòng NN – PTNT huyện Đắk Mil, do thời tiết nắng hạn gay gắt, kéo dài nên vụ hè thu năm nay người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp huyện triển khai các giải pháp để hướng dẫn, đôn đốc nông dân bám sát lịch thời vụ, tận dụng những diện tích đất đủ độ ẩm 11để xuống giống.
Các huyện Đắk Song, Cư Jút, Krông Nô... đã vận động người dân mở rộng diện tích trồng giống lúa, bắp có khả chịu hạn, kháng bệnh vào sản xuất. Qua đó, giúp hạn chế nguồn bệnh phát sinh gây hại trên đồng ruộng và sự lẫn tạp giữa các giống.
Ngoài ra, khi đối mặt với điều kiện thời tiết nắng nóng, lượng mưa thấp, người dân đã lựa chọn những diện tích đất gần nguồn nước, ẩm để gieo trồng. Các địa phương tăng cuờng quản lý, kiểm tra chất luợng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng... nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất luợng, hạn chế thiệt hại trong sản xuất cho nguời dân.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, ngành Nông nghiệp đã xây dựng các giải pháp, định hướng cho từng tiểu vùng, loại cây trồng cụ thể tại các địa phương. Theo đó, đối với cây hàng năm, trên cơ sở các vùng tiểu khí hậu, các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng, luân canh, chuyển đổi cây trồng; trong đó ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ðối với cây lâu năm, tỉnh tiếp tục ổn định diện tích các cây trồng chủ lực hiện có như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều… Tỉnh không phát triển nóng các loại cây trồng nhằm giảm thiểu rủi ro do sâu, bệnh hại, tình trạng đuợc mùa mất giá…
“Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần sử dụng các loại giống chất luợng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, huớng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản cũng như đáp ứng các yêu cầu của EUDR đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh”, ông Ngô Xuân Đông cho biết.
Vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh dự kiến xuống giống khoảng 51.748,3 ha cây ngắn ngày các loại. Trong đó, diện tích lúa nuớc là 7.772,7ha, lúa cạn 31,2 ha, bắp 21.792,5 ha. Tổng sản lượng lương thực 196.214,5 tấn. Diện tích cây cà phê duy trì 142.904 ha, cao su: 23.652 ha, hồ tiêu 33.248 ha.